VnReview
Hà Nội

Facebook làm chúng ta cô đơn và "sân si" hơn

Một nghiên cứu mới phát hiện Facebook có thể làm cho người dùng cô đơn và bực tức bởi họ thường xuyên so sánh mình với cuộc sống dường như hoàn hảo của những người khác trên Facebook.

Facebook

Hầu hết mọi người đều đăng những gì hay ho, tốt đẹp trên Facebook

Duyệt mạng xã hội Facebook đem lại cho người dùng sự hài lòng ngay tức thì với những "like" (thích) và yêu cầu kết bạn, theo dõi. Song nó đồng thời cũng gây ra một ấn tượng giả tạo rằng những người khác đang hạnh phúc hơn mình, theo các nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu Hạnh phúc của Đan Mạch.

Báo Anh Daily Mail đưa tin Viện Nghiên cứu Hạnh phúc của Đan Mạch đã tiến hành một thực nghiệm với 1.095 người ở Đan Mạch, những người đã cho điểm trung bình về trạng thái hạnh phúc của họ hiện tại là 7,6 / 10.

Sau đó, một nửa trong số họ được đề nghị dừng sử dụng Facebook trong một tuần, và nửa còn lại sử dụng như bình thường.

Một tuần sau, những người đã không truy cập Facebook báo cáo điểm trung bình đánh giá mức độ hạnh phúc của họ tăng lên là 8,12 / 10, trong khi những người truy cập Facebook báo cáo điểm số hạnh phúc của họ không đổi.

Những người đã tạm thời rời bỏ Facebook cũng báo cáo có sự gia tăng hoạt động xã hội trong thế giới thực và ít cảm thấy bực tức, cô đơn hơn đáng kể so với người dùng Facebook, các nhà nghiên cứu cho hay.

CEO của Viện nghiên cứu Hạnh phúc, ông Meik Wiking nói rằng kết quả nghiên cứu cho thấy xu hướng so sánh bản thân với người khác giảm hẳn ở người không dùng Facebook. Ông bổ sung: "Facebook bóp méo nhận thức của chúng ta về thực tại và về cuộc sống của những người khác thực sự là như thế nào. Chúng ta cho phép chúng ta hành động như thế nào trong cuộc sống thực thông qua việc so sánh với những người khác trên mạng và bởi vì hầu hết mọi người đều đăng những thứ tích cực, hay ho nên khiến chúng ta nhận thức rất sai lệch về thực tế".

Ông cho rằng nếu chúng ta cứ liên tục bị "phơi nhiễm" với những tin tức màu hồng qua Facebook thì rủi ro là chúng ta đánh giá cuộc sống bản thân mình ít tốt đẹp bằng.

Vì vậy, ông Wiking đã ví Facebook như một "kênh tin tức liên khúc màu hồng chuyên vẽ vời bức tranh sai lệch về những cuộc đời đã được chỉnh sửa lại".

Ông nói: "Tôi hy vọng rằng những kết quả của cuộc thực nghiệm này sẽ khiến mọi người nghĩ về việc sử dụng Facebook của mình hoặc ít nhất nhớ rằng không phải mọi thứ như nó dường như được mô tả trên news feed".

"Tất nhiên cũng có những lợi ích tích cực đến từ Facebook và truyền thông xã hội nhưng tôi nghĩ vấn đề là luôn luôn phải nhận thức được hậu quả của nó tác động đến cách nhìn nhận của chúng ta về thực tế. Dòng chảy (trên news feed) tin tức màu hồng vô tận chúng ta nhìn thấy trên Facebook chỉ đại diện cho top 10% những gì xảy ra đối với người khác. Nó không nên được sử dụng là thông tin nền để đánh giá chính cuộc sống của chúng ta", ông Viking nói.

An Lạc

Chủ đề khác