VnReview
Hà Nội

Taxi Hà Nội được khuyến cáo khẩn trương ứng dụng công nghệ như Uber, Grab

Trước sự xuất hiện của Uber, Grab Taxi, các doanh nghiệp taxi truyền thống thay vì ngồi một chỗ lo mất thị phần cần khẩn trương áp dụng giải pháp công nghệ mới, đổi mới về phương pháp quản lý, kinh doanh để nâng cao chất lượng dịch vụ và cạnh tranh.

Ứng dụng Grab Taxi cho biết vị trí lái xe, giá cước quãng đường di chuyển...

Tại hội thảo "Hệ lụy của loại hình Uber Taxi, Grab Taxi" vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng trước sự xuất hiện của Uber, Grab trên thị trường taxi, thì thay vì lo mất thị phần, các doanh nghiệp taxi truyền thống cũng nên nhanh chóng ứng dụng công nghệ hiện đại để có thể cạnh tranh.

Trong thực tế, cả Uber và Grab đều là phần mềm tiện ích có tính năng đặt, gọi xe thông qua smartphone trên nền tảng Google Map sử dụng dịch vụ định vị toàn cầu. Dùng phần mềm này, hành khách và lái xe được kết nối với nhau qua phần mềm. Hệ thống sẽ hiển thị thông tin chuyến đi, thông tin về chiếc xe đến đón, lái xe và hành khách biết vị trí của nhau dựa trên định vị GPS… và thậm chí có thể biết trước giá cước (như Grab Taxi).

Sự xuất hiện của Uber, Grab đang ngày càng được nhiều hành khách đón nhận.

Đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội bày tỏ đánh giá cao các tiện ích những phần mềm như Grab, Uber mang lại, ủng hộ việc nghiên cứu, áp dụng những phần mềm này vào hoạt động kinh doanh vận tải nói chung và kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trong khuôn khổ pháp luật, phù hợp với lợi ích chung của xã hội.

Ông Võ Văn Mai, đại diện Viện Công nghệ và ứng dụng sáng tạo cho rằng, Uber và Grab Taxi đang ứng dụng công nghệ mới, tiện lợi, giá rẻ, khuyến khích hành khách sử dụng. Do đó, các hãng taxi truyền thống cũng cần có giải pháp CNTT để nâng cao tiện ích, tăng khả năng cạnh tranh.

Đại diện của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đồng quan điểm, bày tỏ sự ủng hộ các dịch vụ cung ứng công nghệ trong kinh doanh vận tải.

Một xe taxi chạy Uber bị kiểm tra. Ảnh: Internet.

Trước thực tế trên, đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội khuyến cáo các doanh nghiệp taxi truyền thống cần đổi mới về phương pháp quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, giảm hệ số xe chạy rỗng để giảm giá thành vận tải và khẩn trương áp dụng giải pháp công nghệ mới nhằm kết nối khách hàng, lái xe và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trao đổi thêm, đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay, hiện hiệp hội này đang phối hợp với các viện nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước phổ biến áp dụng giải pháp công nghệ tổng thể, sở hữu các tính năng riêng biệt, không chỉ phù hợp với cách thức vận hành của taxi truyền thống của doanh nghiệp taxi mà còn cập nhật các xu hướng công nghệ hiện đại trong việc gọi xe taxi, tối ưu trong quản lý hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, để có nhiều doanh nghiệp được thí điểm triển khai phần mềm tiện ích dạng như Uber, Grab, đại diện Hội Vận tải Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT cần ban hành các quy định về điều kiện ứng dụng phần mềm quản lý chung để có thể triển khai cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện.

Theo Hội Vận tải Hà Nội, văn bản số 1850/TTg-KTN ngày 19/10/2015 của Chính phủ đồng ý giao Bộ GTVT thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản ký, kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng; trong đó có việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử trong giao dịch thuê xe ô tô thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh và người thuê vận tải tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa. Thời gian thí điểm là 2 năm.

Trong đó Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng chứ không quy định khống chế số lượng đơn vị thực hiện thí điểm.

"Do vậy, trường hợp Bộ GTVT chỉ giao cho công ty TNHH Grab Taxi sẽ tạo sự không công bằng với các đơn vị vận tải đang hoạt động taxi truyền thống mà có khả năng và điều kiện xây dựng phần mềm ứng dụng. Thực tế hiện nay Sở GTVT Hà Nội đã nhận được đề nghị của một số doanh nghiệp vận tải taxi cho phép được ứng dụng phần mềm quản lý", ông Nguyễn Anh Quân, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói, đồng thời đề nghị Bộ GTVT cần ban hành các quy định về điều kiện ứng dụng phần mềm quản lý chung để có thể triển khai cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ điều kiện để thực hiện thí điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ICT News

Chủ đề khác