VnReview
Hà Nội

Sau Trung Quốc, đến lượt Ấn Độ bị cảnh báo ô nhiễm nghiêm trọng

Chỉ thông qua một bức hình được Chủ tịch hội đồng bộ trưởng TP. New Delhi, Ấn Độ, người xem có thể cảm nhận được hết mức độ ô nhiễm bụi tại thành phố đông đúc này.

Cách đây hai tuần, chính quyền New Delhi đã công bố một đạo luật mới nhằm giảm thiểu mức độ ô nhiễm không khí trong thành phố bằng cách hạn chế phương tiện cá nhân trên đường theo biển số xe.

Hôm thứ Bảy vừa qua (12/12),;Chủ tịch hội đồng bộ trưởng TP. New Delhi, ông Arvind Kejriwal vừa đăng tải hình ảnh so sánh về một lá phổi lành lặn của một người 55 tuổi sống tại bang Himachal Pradesh nằm ở phía Bắc Ấn Độ (bên trái) và bên còn lại là lá phổi của một người dân sống tại thủ đô New Delhi (bên phải), theo Mashable cho biết.

Bức ảnh một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo và thúc giục thay đổi nhận thức cho không chỉ người dân Ấn Độ nói riêng mà còn người dân các nước trên thế giới nói chung về mức độ ô nhiễm không khí đang ngày càng gia tăng do quá trình công nghiệp hóa gây ra.

Theo số liệu thống kê của WHO, thủ đô New Delhi của Ấn Độ đang là thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất trên thế giới. Không khí trong thành phố luôn tồn tại nồng độ cao các hạt vật chất độc hại, đặc biệt là các hạt bụi PM2.5 có thể dễ dàng xâm nhập vào phổi của người dân. Nếu tiếp xúc lâu dài có thể gây nên tình trạng khó thở, suy giảm chức năng phổi và các bệnh về tim mạch.

Trước đó, chúng ta đã được chứng kiến bầu không khí ô nhiễm khủng khiếp ở Trung Quốc do công nghiệp phát triển quá nhanh khiến cơ sở hạ tầng và các giải pháp bảo vệ môi trường không theo kịp. Tương tự Trung Quốc, hiện chính phủ Ấn Độ đang lên kế hoạch đóng cửa nhà máy nhiệt điện Badarpur ở trong thành phố, tiến hành hút bụi các tuyến phố, trồng thêm cây xanh để hạn chế bụi cũng như dừng đăng ký bổ sung xe chạy nhiên liệu diesel mới lưu thông trong thành phố.

Tiến Thanh

Chủ đề khác