VnReview
Hà Nội

Người dùng kêu về 3G, 4G sẽ khá hơn?

Trong khi các nhà mạng đang bàn đến 4G với viễn cảnh tươi đẹp thì đông đảo người dùng di động tại Việt Nam vẫn đang phải kêu trời với 3G. Liệu rồi đây 4G có bị than tương tự?

3G bị người dùng than nhiều. Liệu 4G sẽ khá hơn?

Trong các đơn thư của bạn đọc phản ánh đến Tuổi Trẻ liên quan đến lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin, các dịch vụ giá trị gia tăng và cách thu phí 3G của nhà mạng luôn có nhiều thư phản ánh. Đại đa số trong các phản ánh này đều là những bức xúc của bạn đọc khi bị nhà mạng trừ cước oan hoặc thu phí dịch vụ 3G không rõ ràng.

"Ép" khéo mua gói 3G

Kể từ khi các nhà mạng di động Việt Nam đồng loạt tăng cước 3G với cách tính mới, rất nhiều thuê bao di động đã phải rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi dùng dịch vụ dữ liệu. Tuổi Trẻ đã ghi nhận rất nhiều trường hợp thuê bao đi kiện nhà mạng và thường xuyên bị xử thiệt vì "quan tòa" phân xử cũng chính là nhà mạng.

Chẳng hạn, rất nhiều thuê bao đăng ký sử dụng dịch vụ 3G loại trọn gói (thường từ 70.000 đồng/tháng trở lên) thường gặp một tình trạng chung là phần lưu lượng tốc độ cao (700MB đối với gói 70.000 đồng/tháng) hết rất nhanh chóng. Nhiều thuê bao cho biết chỉ xài chưa đến 5 ngày đã hết lưu lượng tốc độ cao, trong khi chủ thuê bao đã rất lưu ý và sử dụng tiết kiệm.

Sau khi hết mức lưu lượng tốc độ cao, các thuê bao này vẫn được xài miễn phí nhưng bù lại… tốc độ truy cập chậm hơn cả rùa bò. Anh Huy Lê, chủ nhân thuê bao 091865xxxx, cho biết: "trước thời điểm tăng giá 3G hồi cuối năm 2013, dù hết mức lưu lượng tốc độ cao nhưng việc truy cập vẫn không đến nỗi tệ như hiện nay".

Các thuê bao di động thường gọi đây là chiêu thức "bóp" băng thông của nhà mạng để khiến người dùng 3G phải chấp nhận bỏ tiền mua thêm lưu lượng nếu muốn có tốc độ truy cập nhanh.

Điều này dễ dàng thấy qua việc các thuê bao 3G trọn gói khi hết lưu lượng tốc độ cao thường xuyên nhận được tin nhắn mời gọi: "quý khách sẽ được miễn phí đến 1,5GB chỉ với 20.000 đồng, sử dụng trong 30 ngày, hãy soạn tin theo cú pháp...". Nhiều người cần sử dụng trong công việc, liên lạc đã phải chấp nhận bỏ tiền mua thêm lưu lượng… đúng theo ý đồ của nhà mạng.

Âm thầm trừ tiền

Nhận thấy nỗi khắc khổ của thuê bao trọn gói, nhiều người dùng đã quyết định lựa chọn những gói cước nhỏ, sử dụng trong thời gian ngắn, thậm chí có người còn thử cách xài bao nhiêu trả bây nhiêu. Thế nhưng đến khi phát hiện tiền trong tài khoản mất đi chóng mặt, hỏi nhà mạng, họ mới té ngửa khi biết nguyên nhân bị mất tiền.

Anh Nguyễn Tá Bốn (Q. Tân Phú, TP.HCM) đăng ký xài dịch vụ 3G, gói cước D5 của MobiFone có dung lượng 1000 MB/gói. Thông thường, nếu xài hết mức dung lượng đã đăng ký, tổng đài sẽ nhắn tin báo dung lượng đã hết, sau đó mới trừ tiếp vào tài khoản nếu khách hàng không đăng ký mới.

"Gần đây tổng đài không gửi tin nhắn nữa mà tự động trừ tiền thẳng tài khoản. Tôi đã bị nhiều ngày liền, gọi điện lên tổng đài họ chỉ hứa nhưng không khắc phục", anh Bốn phản ánh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện nhà mạng MobiFone cho biết thực tế nhà mạng vẫn nhắn tin thông báo cho khách hàng về dung lượng gói D5. "Thế nhưng thời điểm khách hàng xài hết dung lượng lại rơi vào ban đêm. Do đó để tránh phiền toái cho khách hàng nói chung, MobiFone không nhắn tin trong khoảng thời gian từ 22 giờ đêm hôm trước tới trước 6 giờ sáng hôm sau. Các tin nhắn sẽ được gửi lùi sau thời gian này", đại diện MobiFone cho biết.

Tuy nhiên, qua trao đổi lại với Tuổi Trẻ, anh Bốn cho biết ban ngày anh cũng không nhận được tin nhắn cảnh báo như trước đây, và tài khoản anh tiếp tục bị nhà mạng trừ tiền âm thầm.

Còn anh Vinh (ở Q.10, TP.HCM), chủ nhân thuê bao 097682xxxx cho biết tổng đài của Viettel gửi cho anh một tin nhắn mời sử gói cước 1GB, nếu không sử dụng thì phải nhắn hủy gửi 191. Vì không có nhu cầu sử dụng nên anh Vinh không đăng ký và cũng không báo hủy.

Sáng hôm sau anh Vinh phát hiện Viettel trừ 20.000 đồng trong tài khoản, anh đã liên lạc với tổng đài Viettel và được nhân viên trả lời đã trừ rồi thì không trả lại. Anh Vinh rất bức xúc anh cho rằng nhà mạng tự ý cài đặt dịch vụ để lấy tiền của khách hàng bằng mọi cách.

Thực tế chúng tôi còn ghi nhận rất nhiều trường hợp thuê bao 3G bị nhà mạng âm thầm trừ tiền sử dụng dịch vụ mà chính chủ thuê bao cũng không hề hay biết. Chỉ đến khi phát hiện tài khoản bị trừ quá nhiều tiền và liên tục, họ liên lạc đến tổng đài thì mới vỡ lẽ chuyện đã rồi.

"Đi kiện nhà mạng khác nào con kiến kiện củ khoai, họ luôn là người có bằng chứng rõ ràng và khách hàng phải luôn chịu thiệt", một khách hàng bức xúc.

4G được cho là sẽ có tốc độ vượt trội so với 3G

Người dùng sẽ bớt than với 4G?

Theo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước hiện có hơn 36 triệu thuê bao di động sử dụng dịch vụ 3G. Trong đó, đa số là thuê bao trả trước (33,4 triệu, chiếm hơn 92%).

So với tổng số hơn 120 triệu thuê bao di động đang hoạt động, rõ ràng số lượng người dùng 3G mới chỉ đạt khoảng 25%. Theo thống kê tại những quốc gia phát triển, mật độ người dùng 3G lên tới 70-80%. Những con số này được các chuyên gia cho rằng 3G đang bùng nổ tại Việt Nam và vẫn còn đất phát triển.

Tuy nhiên, lựa chọn chiến lược phát triển của các nhà mạng chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng mạng cũng như giá thành khi cung cấp dịch vụ trong tương lai.

Theo nhận xét của các chuyên gia viễn thông, trước đây khi phát triển một mạng lưới 3G, một nhà mạng sẽ phải chọn một trong hai chiến lược, hoặc tập trung ở một phạm vi nhất định với chất lượng cao, hoặc tập trung mở rộng phạm vi phủ sóng.

Ở Việt Nam, các nhà mạng đều chọn theo hướng phát triển phạm vi phủ sóng và bỏ quên chất lượng. Lúc đầu các nhà mạng phá giá để thu hút người dùng, đến khi người dùng bùng nổ nhưng băng thông 3G lại không thay đổi dẫn đến chất lượng giảm.

Liệu 4G có bù đắp được chất lượng thấp hiện nay hay người dùng lại phải tiếp tục hứng chịu những "chiêu thức" kinh doanh thiếu minh bạch của các nhà mạng?

Theo Tuổi Trẻ

Chủ đề khác