VnReview
Hà Nội

Triều Tiên: động đất 5.1 độ richter gần khu vực thử nghiệm hạt nhân

Một trận động đất 5.1 độ richter vừa xảy ra ở Triều Tiên, gần một khu vực trước đây từng được dùng để thử nghiệm hạt nhân.

Theo BBC, ngay sáng nay (06/01), các quan chức Trung Quốc và Hàn Quốc cho biết, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy cơn địa chấn này gây ra bởi các yếu tố "nhân tạo" chứ không phải do các hoạt động địa chất tự nhiên, điều này ám chỉ có thể Triều Tiên vừa thực hiện một vụ thử hạt nhân mới.

Trong cùng diễn biến, truyền thông của Hàn Quốc cho biết, các bộ trưởng nước này đã có một cuộc họp khẩn cấp về diễn biến vừa xảy ra tại Triều Tiên. Trong khi đó, Trung tâm Dự báo động đất Trung Quốc ở Bắc Kinh đã mô tả hoạt động địa chấn này ở Triều Tiên là một "vụ nổ đáng ngờ"(?!).

Trước đó, Triều Tiên được cho là đã tiến hành ba vụ thử hạt nhân dưới lòng đất từ năm 2006 tới nay, tất cả các vụ thử hạt nhân này đều diễn ra tại một khu vực gọi là Punggye-ri.

Quay lại với sự kiện vừa xảy ra, vụ địa chất mới nhất này được phát hiện cách Punggye-ri 50km tại độ sâu 10km, theo lời đơn vị giám sát địa chấn của Mỹ.

Hoạt động thử hạt nhân dưới lòng đất diễn ra thế nào?

Theo ;Ủy ban trù bị Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO), các cuộc thử nghiệm thường được thực hiện theo ở trục dọc. Các hố thử có bề rộng 1-3 mét và sâu đến 1 cây số. Các thiết bị nguyên tử được lắp ghép tại chỗ và đặt vào hố thử, thường  có gắn kèm một chiếc ống đựng các cảm biến để ghi lại vụ nổ. Ống này được bảo vệ bằng vỏ chì. Hố thử sau đó được lấp đầy bằng sỏi, cát và các vật liệu khác để ngăn chất phóng xạ thải vào khí quyển.

Theo CTBTO, trong thời gian vụ thử diễn ra, năng lượng nổ được phát ra trong chưa đầy một phần triệu của giây. Nhiệt độ sẽ đạt khoảng 1 triệu độ trong vòng một vài micro giây, và đợt sóng xung kích từ vụ nổ, tùy thuộc vào quy mô thử, có thể được phát hiện bởi các thiết bị đo địa chấn trên khắp hành tinh.

H.T

Chủ đề khác