VnReview
Hà Nội

Chất lượng 4G nhìn từ “người cũ” 3G

Các nhà mạng đang khẩn trương hoàn tất thử nghiệm mạng 4G tại Việt Nam. Kết quả kiểm nghiệm nền tảng là 4G rất khả quan, nhưng ứng dụng vào thực tế sẽ ra sao?

Sáng 15/01/2016 VinaPhone công bố thử nghiệm công nghệ 4G LTE-Advanced. Theo lý thuyết công nghệ này có thể đạt tốc độ download 300 Mb/s, upload 150 Mb/s, thực tế dịch vụ 4G của VinaPhone có tốc độ download trung bình đạt mức 95,9 Mbps – 245,63 Mbps.

Viettel cũng tuyên bố đã thử nghiệm thành công mạng 4G tại Bà Rịa - Vũng Tàu và đạt tốc độ trung bình từ 40-80Mbps, và tại một số điểm có thể đạt tới tốc độ 230 Mbps, gần với tốc độ lý thuyết (download 300 Mb/s, upload 150 Mb/s). Theo Vinaphone và Viettel, khi thương mại hóa, tốc độ download trên mạng 4G sẽ nhanh hơn 3G khoảng 10-20 lần, sóng ổn định hơn và tiêu thụ ít năng lượng thiết bị đầu cuối hơn.

Cả Vinaphone và Viettel đều đã công bố kết quả thử nghiệm mạng 4G

Với kết quả tốt từ các cuộc thử nghiệm 4G, người dùng có thể hy vọng tốc độ internet di động ở Việt Nam sắp được cải thiện mạnh mẽ. Tuy nhiên, giới công nghệ nhận định việc triển khai 4G tại Việt Nam là rất thách thức. Nhìn vào quá khứ, mạng 3G hiện nay cũng gặp không ít khó khăn khi ứng dụng vào thực tế.

Hồi tháng 6/2015, Net Index (thuộc Ookla) đã công bố thống kê về tốc độ băng rộng và dữ liệu di động của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tốc độ băng rộng ở Việt Nam không phải quá tệ so với trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương (hạng 9/20), nhưng về tốc độ dữ liệu di động thì lại đáng thất vọng.

Trong khi tốc độ ở Trung Quốc và New Zealand, hai quốc gia đứng đầu, lên đến hơn 27 Mbps thì người dùng Việt Nam vẫn còn đang nhìn chằm chằm vào màn hình trắng trên smartphone chờ tải trang với tốc độ dữ liệu chỉ có 1,9 Mbps, xếp hạng chót trong số 20 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á – Thái Bình Dương. Đáng buồn hơn là tốc độ dữ liệu di động ở Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với trung bình châu Á (10,9 Mbps) và trung bình thế giới (12,4 Mbps).

Mạng 3G, về mặt lý thuyết có thể đạt tốc độ download tối đa 7,2 Mb/giây nhưng trên thực tế, tốc độ download chỉ đạt khoảng 2 Mb/giây. Ngoài tốc độ, chất lượng mạng 3G hiện nay vẫn chưa thỏa mãn nhu cầu của người dùng: bởi ngay cả trong các thành phố, ở nhiều khu vực, người dùng cũng không thể truy cập 3G, hoặc với tốc độ rất chậm.

So với nền tảng 3G, công nghệ 4G được dự đoán là sẽ mang tới nhiều ưu việt hơn, đặc biệt là ở tốc độ truy cập cao hơn gấp nhiều lần so với 3G. Tuy nhiên, tương tự như 3G, khi triển khai thực tế mạng 4G có thể sẽ phát sinh nhiều khó khăn do Việt Nam có nhiều địa bàn với địa hình khác nhau, thiết bị khác nhau dẫn tới tốc độ truy cập có thể khác với các kết quả thử nghiệm.

Một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông nhận định, trong giai đoạn đầu, người dùng Việt Nam sẽ thấy tốc độ rất tuyệt vời. Song khi có nhiều người tham gia truy cập thì tốc độ cao có được duy trì hay không còn phụ thuộc vào việc nhà mạng có tiếp tục đầu tư thế nào.

Ngoài ra, 4G LTE-Advanced được xây dựng trên nền tảng công nghệ mới, không dính dáng đến thế hệ cũ (2G, 3G). Các điểm khác biệt này gây ra những khó khăn trong khả năng liên thông giữa các mạng, giữa các thiết bị với nhau. Vì vậy các nhà mạng cần có biện pháp phân bổ nguồn tài nguyên vô tuyến hữu hạn để giảm thiểu nhiễu liên hệ thống và nhiễu liên công nghệ. Bên cạnh đó, các mạng tế bào được phân bổ mới cũng cần triển khai để cải thiện vùng phủ tín hiệu và gia tăng khả năng phục vụ của mạng.

G.L

Chủ đề khác