VnReview
Hà Nội

Sau iPhone, Bộ Tư pháp Mỹ lại đau đầu vì mã hoá của WhatsApp

Sau iPhone của Apple, mục tiêu tiếp theo trong cuộc chiến mã hoá của Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) có thể là ứng dụng WhatsApp.

Tiếp theo iPhone, Bộ tư pháp Mỹ lại đau đầu về mã hóa của WhatsApp

Trong khi DOJ đang đau đầu vì trường hợp Apple kháng lệnh giải mã chiếc iPhone của một tên khủng bố, có nguồn tin cho rằng cơ quan chức năng này vừa xác định mục tiêu tiếp theo để áp dụng một chính sách tương tự. New York Times hôm qua cho biết DOJ đang gặp khó khăn khi thực hiện nghe lén nội dung các cuộc gọi qua WhatsApp vì ứng dụng này mã hoá quá chặt chẽ.

Tờ báo này nói rằng tuần trước DOJ đã thảo luận các biện pháp để giải quyết tình huống việc nghe lén trên WhatsApp không đạt được mục đích vì độ bảo mật của ứng dụng. Không giống như trường hợp của Apple, vụ việc điều tra hướng vào WhatsApp không liên quan đến yếu tố khủng bố. Nhưng nội dung có được từ việc nghe trộm được xem là thông tin duy nhất liên quan đến vụ việc cho đến thời điểm này.

Một thượng nghị sỹ Mỹ cho biết pháp luật buộc các công ty phải chuyển dữ liệu từ sản phẩm của mình sang một dạng có thể đọc được với các cơ quan hành pháp trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, một số quan chức của Chính phủ cho rằng chưa cần leo thang tình hình khi ban hành một lệnh buộc WhatsApp phải giải mã sản phẩm của họ như trường hợp của Apple. Một số người khác thì cho rằng đây là cơ hội để các nhà làm luật sửa lại luật nghe lén theo hướng có lợi cho các cơ quan quản lý để giải quyết những vụ việc tương tự như trường hợp Apple vừa rồi.

Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu WhatsApp cung cấp các thông tin trên một thuê bao được sử dụng bởi một người bị buộc tội buôn bán ma tuý. Tuy nhiên, đại diện ứng dụng liên lạc này cho biết: "WhatsApp không thể và cũng không có thông tin để cung cấp". Việc cung cấp thông tin đã dẫn đến việc bỏ tù một nhà điều hành Facebook ở Brazil (WhatsApp đã được Facebook mua lại trước đó với mức giá 21 tỷ USD).

Ứng dụng nhắn tin này áp dụng hình thức mã hoá 2 đầu (end-to-end) từ 2014, có nghĩa là chỉ những người nhận được tin nhắn mới có thể đọc được nó. Trước thời điểm này, các tin nhắn có thể được đọc trên máy chủ của WhatsApp.

Trớ trêu thay, Chính phủ Mỹ cũng đã hỗ trợ một phần giúp WhatsApp xây dựng công nghệ mã hoá của mình. Cụ thể, thông qua quỹ Open Technology Fund, Chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ các công nghệ cho phép người dân ở các nước giao tiếp mà không lo bị giám sát, họ đã cung cấp cho Open Whisper Systems 2,2 triệu USD. Đây chính là công ty phát minh ra hệ thống mã hoá trên WhatsApp sau này.

Minh Trung

Chủ đề khác