VnReview
Hà Nội

Người Việt trẻ và vấn đề khởi nghiệp

Khoảng 250 sinh viên và những bạn trẻ trên địa bàn Hà Nội đã có mặt để tham dự buổi toạ đàm "Làm chủ hay làm thuê – lựa chọn nào cho bạn trẻ Việt Nam" do hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech tổ chức vào sáng 9/7/2016.

Rất nhiều bạn trẻ đến tham dự ngày hội tư vấn hướng nghiệp

Buổi giao lưu nhằm đem lại cái nhìn đa chiều về vấn đề khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực lập trình phần mềm tại Việt Nam, từ đó giúp giới trẻ Việt có hướng đi thực tế, phù hợp để có việc làm tốt, phát triển sự nghiệp thành công.

Trước câu hỏi cũng là tiêu đề của buổi gặp gỡ, ông Pravir Arora - phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Aptech - Tập đoàn giáo dục toàn cầu chia sẻ: "Đối với khởi nghiệp thì không bao giờ là muộn để bắt đầu mà cái quan trọng là có ý tưởng tốt và hướng đi lâu dài. Ý tưởng cần đáp ứng được nhu cầu thị trường và phù hợp với thực tế. Công nghệ thông tin nói chung và ngành lập trình nói riêng có vai trò rất quan trọng và nếu có thể thì nên được áp dụng vào các dự án khởi nghiệp".

Là một giám đốc doanh nghiệp phần mềm khởi đầu từ startup, anh Hoàng Hải chia sẻ: "Startup khởi nghiệp để làm "ông chủ" không phải là mối đe doạ đối với doanh nghiệp trong nhu cầu tuyển dụng lập trình viên hiện nay. Thực tế thì chỉ có 5% các startup thành công nên không phải ai cũng làm chủ được. Những người không thành công thì họ sẽ lại trở về "làm thuê"". Ông Hoàng Hải cho rằng bây giờ là thời đại thế giới phẳng, Việt Nam lại tham gia hiệp ước TPP xuyên Thái Bình Dương nên hoàn toàn có thể khởi nghiệp ở ngay đất nước, bởi vì với công nghệ bạn có thể tương tác với bất cứ nơi đâu trên thế giới. Còn nếu muốn khởi nghiệp tại nước ngoài, bạn sẽ phải suy nghĩ thêm về sự thích ứng môi trường, văn hoá cũng như rất nhiều những yếu tố khác.

Theo anh Nguyễn Việt Hùng - sáng lập viên tổ hợp giáo dục ColorME thì trong 100 startup có đến 70 startup về công nghệ thông tin, điều này cho thấy tiềm năng khởi nghiệp về công nghệ thông tin là rất lớn. Đối với khởi nghiệp công nghệ thông tin các bạn có thể làm được nhiều điều thay vì định hướng mở một công ty chỉ chuyên viết phần mềm. Ví dụ bạn có thể vào các trung tâm giáo dục tìm hiểu các vấn đề của họ là gì để mở ra một startup liên quan đến giáo dục. Bạn có thể tìm đến những cửa hàng thời trang thay vì chỉ mua quần áo hãy hỏi vấn đề của họ rằng tại sao không mở ra thêm 4-5 cửa hàng tiếp theo. Hay những nhà hàng, khách sạn,... hãy hỏi xem họ cần gì và công nghệ có thể làm gì cho họ. Lời khuyên là các bạn trẻ hay mạnh dạn hơn, dấn thân hơn, dám nghĩ, dám làm.

Khách mời tham gia chương trình ngày hội tư vấn hướng nghiệp

Nhận định về hiện tại và tương lai của nghề lập trình, ông Arora cho rằng đây là một ngày nghề hot luôn đòi hỏi rất nhiều nhân lực có chuyên môn. Để thành công thì yếu tố quan trọng nhất không phải là kiến thức, công nghệ mà là thái độ làm việc đúng đắn. Tương lai công nghệ đám mây là nền tảng và các công nghệ khác như IOT(Internet of Things), thực tế ảo cũng rất được quan tâm. Để tham gia vào lĩnh vực này, các bạn trẻ cần chịu khó học hỏi và đặc biệt muốn vươn mình xa hơn với khu vực và quốc tế thì phải trau dồi thêm nền tảng tiếng Anh.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Chu Tuấn Anh - hiệu trưởng trường đào tạo Lập trình viên Aptech nhấn mạnh: "Trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới, việc yếu kỹ năng về tiếng Anh đang hạn chế rất nhiều cơ hội làm việc của các bạn trẻ, nghề lập trình đối với nhu cầu trong nước chỉ là một phần, nếu muốn vươn cao và xa, kỹ năng ngoại ngữ là điều bắt buộc."

Buổi toạ đàm với khá nhiều câu hỏi mở xung quanh vấn đề khởi nghiệp và định hướng nghề nghiệp của giới trẻ. Chốt lại nhận định chung của các diễn giả thì thái độ làm việc là yếu tố quan trọng nhất dù cho bạn làm bất cứ ngành nghề gì, lĩnh vực gì, kể cả làm ông chủ hay làm thuê.

Nhật Minh

Chủ đề khác