VnReview
Hà Nội

Đo chất lượng môi trường bằng "chuồng chim" WiFi miễn phí

Tuy nhiên, WiFi chỉ được phát miễn phí khi mức độ ô nhiễm không khí ở thành phố này giảm xuống đến mức an toàn cho sức khỏe.

Theo CNN, Amsterdam thường được biết đến như một thành phố đẹp với sự kết hợp hài hòa giữa những con đường rợp bóng cây, con người di chuyển bằng các phương tiện thân thiện với môi trường như xe đạp và không khí trong lành.

Mặc dù vậy, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp như hiện nay, thủ đô của Hà Lan cũng không tránh khỏi vấn đề ô nhiễm môi trường. Năm ngoái thành phố này đã được xếp hạng D+ cho chất lượng của không khí bởi một nghiên cứu môi trường. Nguyên nhân một phần là do sự thất bại của Amsterdam trong việc tạo ra một khu phát thải thấp cho các phương tiện cá nhân, điều mà nhiều thành phố khác ở châu Âu đã làm được.

Mới đây, Joris Lam – một nhà thiết kế sống tại Amsterdam đã nghĩ ra một kế hoạch để giải quyết vấn đề này. Anh đã thiết kế một loạt các ngôi nhà dành cho chim chóc đặt trên cây và chúng chỉ sáng lên và phát WiFi miễn phí khi mức độ ô nhiễm không khí giảm xuống mức an toàn cho sức khỏe.

Sản phẩm sáng tạo này được gọi là Tree Wi-Fi và nó được tạo ra nhằm khuyến khích mọi người thực hiện thêm nhiều sự lựa chọn thân thiện với môi trường.

Lam chia sẻ: "Tôi muốn làm một điều gì đó để có thể đo lường mức độ ô nhiễm không khí tại địa phương đồng thời làm cho vấn đề này trở nên hữu hình theo cách thích hợp và đặt lợi ích sức khỏe của con người lên hàng đầu".

Nghiên cứu gần đây của Milieudefensie, một chi nhánh tại Hà Lan của tổ chức môi trường mang tên Friends of the Earth cho thấy chất lượng không khí tại 11 khu vực đô thị của Hà Lan, bao gồm Amsterdam thường xuyên nằm dưới tiêu chuẩn chung của châu Âu .

Lam là người đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phương tiện truyền thông kỹ thuật số và thiết kế. Anh chia sẻ trong khi nguồn dữ liệu lớn như trong nghiên cứu trên là có sẵn thì dữ liệu địa phương vẫn còn khá nghèo nàn. Chính điều này đã thôi thúc và tạo cảm hứng để anh nảy ra ý tưởng về Tree Wi-Fi. "Tôi tự hỏi những dữ liệu nghiên cứu đó có ý nghĩa gì đối với cá nhân mình. Vì vậy, tôi đã đặt ra mục tiêu để tìm hiểu chất lượng không khí trong thành phố này và nhanh chóng phát hiện ra rằng đó không phải là một nhiệm vụ đơn giản".

Chính quyền thành phố Amsterdam chỉ đo lường chất lượng không khí tại một số ít các địa điểm trên khắp thành phố và quan trọng hơn cả là ô nhiễm không khí thường khó có thể được nhìn thấy bằng mắt thường. Vì vậy, Lam nhận ra rằng vấn đề này về bản chất là vô hình đối với các công dân trong thành phố.

"Các trạm quan trắc chất lượng không khí trông giống như các tòa nhà kỳ lạ với những chiếc chuông và còi ở bên trong". Và Lam đã quyết tâm thực hiện kế hoạch của mình. Sau bốn tháng hầu như ngủ rất ít để mày mò, mã hóa và lắp ráp của Lam, Tree Wi-Fi đã được hoàn thành.

Tree Wi-Fi có thiết kế giống như một ngôi nhà chim và được cố định vào một cái cây. Nó có chứa các cảm biến có thể đo mức độ ô nhiễm không khí thải ra từ quá trình đốt cháy, ví dụ khói thải ra từ xe hơi và xe tải trong phạm vi khoảng 100 mét.

Mỗi buổi tối, dữ liệu ô nhiễm không khí của ngày sẽ được gửi đến một máy chủ trung tâm, nơi chúng được phân tích kỹ lưỡng. Kết quả sau đó được gửi lại tới Tree Wi-Fi, và nếu nó đủ tốt, kết nối Internet miễn phí sẽ được kích hoạt.

Lam giải thích: "Khi máy chủ phát hiện mức độ ô nhiễm giảm xuống so với ngày hôm trước, nó sẽ mở kết nối Internet để tất cả mọi người có thể sử dụng. Hệ thống wi-fi này luôn luôn có sẵn cho mọi người kết nối, bất kể chất lượng không khí như thế nào, nhưng khi chất lượng không khí kém, thay vì Internet miễn phí, nó sẽ cung cấp thông tin và lời khuyên hữu ích để cải thiện vấn đề ô nhiễm".

Dữ liệu về kết quả đo lường cũng làm thay đổi đèn LED của thiết bị, từ đó giúp người dân trong thành phố nhận biết được chất lượng của không khí một cách nhanh chóng bằng thị giác.

Lam cho biết thêm: "Tree Wi-Fi cũng cung cấp cho các nhà khoa học những dữ liệu rất chi tiết và có giá trị về ô nhiễm không khí và cách thức "hoạt động" của ô nhiễm tại môi trường đô thị trong thời gian thực".

Ở thời điểm hiện tại, thiết bị này mới đang trong giai đoạn nguyên mẫu, nhưng nó đã thu hút sự chú ý của các quan chức chính phủ thành phố Amsterdam. Lam đã kêu gọi đủ kinh phí để tập hợp một nhóm gồm bảy kỹ sư và các nhà khoa học để cùng nhau điều chỉnh công nghệ và vấn đề "phần thưởng".

Khi ai đó tải về một báo cáo chất lượng không khí và nói chuyện với chính quyền địa phương về vấn đề này, hoặc khi họ đưa ra kế hoạch hành động cho cộng đồng thì phần thưởng dành cho họ sẽ là sử dụng WiFi miễn phí.

Lam chia sẻ: "Chúng tôi hiện đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ những quốc gia khác muốn áp dụng công nghệ này. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng để hoàn thiện hơn sản phẩm của mình để có thể đạt được mục tiêu mới với quy mô quốc tế".

Huyền Thanh

Chủ đề khác