VnReview
Hà Nội

Pokémon Go đang dùng cách đáng sợ này để kiếm tiền từ người chơi

Các chuyên gia cho rằng công ty mẹ của Pokémon Go đang hái ra tiền nhờ khai thác và mua bán dữ liệu của người chơi.

Chỉ mất một tuần sau khi ra mắt, tựa game thực tế ảo tăng cường của Nintendo - Pokémon Go - đã trở thành ứng dụng di động thành công nhất trong lịch sử. Game này cho phép người chơi thu thập các nhân vật Pokémon bằng cách sử dụng tính năng định vị địa lý để đặt chúng trong thế giới thực. Pokémon Go đã cán mốc 15 triệu lượt tải về ở Mỹ, với số người dùng vượt qua cả các mạng xã hội lâu đời như Twitter. Tính bình quân, một người dùng iPhone ở Mỹ dành thời gian đuổi bắt những chú Pokémon còn nhiều hơn cả dùng Facebook hoặc Snapchat.

Cổ phiếu của Nintendo đã tăng 53% chỉ trong có 3 ngày, giúp giá trị thị trường của công ty tăng thêm 12 tỷ USD. Nintendo hiện đang nắm giữ 1/3 cổ phần của Pokémon Company (công ty nắm quyền kiểm soát thương hiệu Pokémon) và một số cổ phần chưa được tiết lộ của nhà phát hành Pokémon Go, Niantic.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra nghi ngờ về mô hình kiếm tiền của Pokémon Go. Pokémon Go là một game được tải miễn phí, trong đó người chơi có thể mua các thiết bị lưu trữ ảo cho Pokémon với giá 1 USD. Nhưng mặc dù hoạt động mua bán trong game tạo ra doanh thu 1,6 triệu USD mỗi ngày, con số này vẫn tương đối thấp so với một bộ phim bom tấn của Hollywood hoặc một sản phẩm tiêu dùng. Và Nintendo chỉ nắm giữ một phần nhỏ trong doanh thu này. Vậy thì tại sao giá trị thị trường của Nintendo lại tăng phi mã như vậy?

"Chúng ta đang sống trong một xã hội mà bản thân chúng ta là hàng hóa", chuyên gia an ninh mạng Adam Levin nói. Ông là tác giả cuốn sách: Làm thế nào để bảo vệ bản thân trong một thế giới đầy rẫy những kẻ lừa đảo và ăn cắp thông tin trực tuyến. Theo Levin, mô hình kinh doanh của Pokémon Go gắn bó mật thiết với lượng dữ liệu khổng lồ mà nó thu thập từ người chơi. Khi tham gia chơi game, người dùng đã trao quyền tiếp cận gần như toàn bộ thông tin số của mình cho nhà phát hành ứng dụng. Trong kỷ nguyên dữ liệu lớn (big data), thông tin cá nhân đã trở thành một tài sản quan trọng. Các công ty có thể hái ra tiền nhờ khai thác và mua bán dữ liệu về người dùng.

Điều này đã đánh động sự quan tâm của cả chính giới Mỹ. Thượng nghị sĩ bang Minnesota của Mỹ, Al Franken, gần đây đã gửi một bức thư cho John Hanke, CEO của Niantic để bày tỏ quan ngại về vấn đề trên. "Tôi cảm thấy quan ngại về mức độ Niantic đang thu thập, sử dụng và chia sẻ lượng lớn thông tin cá nhân mà chưa nhận được sự đồng ý của người dùng", Franken viết. Đến nay, Niantic vẫn chưa trả lời bức thư trên.

Để có thể chơi được, Pokémon Go cần tiếp cận máy ảnh smartphone và vị trí chính xác của người chơi để tạo ra bản đồ và đặt Pokémon lên đó (điều này thậm chí có thể cho phép người lạ tiếp cận vị trí thực của người chơi). Nhưng sau khi tải về, ứng dụng còn yêu cầu truy cập hồ sơ Google và thông tin nhận dạng thiết bị của người dùng.

Pokémon Go có thể tiếp cận thông tin liên lạc của người dùng và bất cứ thiết bị lưu trữ USB nào trong máy. Ngoài ra, game này có thể kiểm soát cài đặt Bluetooth và chế độ rung của smartphone. Ban đầu, Pokémon Go thậm chí còn tiếp cận được tài khoản Google cá nhân của người dùng, như hộp thư đến trong Gmail, thông tin liên lạc, ảnh và lịch trình. Niantic gọi đây là một nhầm lẫn và nói rằng họ chỉ muốn có thông tin cơ bản của người dùng.

Niantic biết rõ họ đang sở hữu một mỏ vàng nhờ thu thập dữ liệu người dùng. "Khi nhà đầu tư định giá một công ty, họ thường quan tâm đến số lượng người dùng và cơ sở dữ liệu". Dữ liệu đã thực sự trở thành một loại hàng hóa.

Theo các điều khoản hợp đồng bị rò rỉ, Niantic thừa nhận họ có thể chia sẻ dữ liệu thu thập với Pokémon Company và các bên thứ ba để "phân tích, lập dữ liệu nhân khẩu học và nghiên cứu cho các mục đích khác". Niantic thậm chí còn nói thẳng là bất cứ thông tin nào họ thu thập đều được xem là tài sản kinh doanh.

Dễ thấy dữ liệu về chuyển động và vị trí của người dùng có thể được bán cho các nhà quảng cáo thuộc bên thứ ba. Nhưng hồ sơ người dùng còn có tiềm năng tạo ra doanh thu lớn hơn. "Nhà sản xuất game muốn biết thông tin người chơi vì họ muốn dựa vào đó để làm ra các game khác hấp dẫn người chơi hơn", Levin nói. "Họ luôn tìm cách tạo ra game mới khiến người chơi thích thú". Điều này giải thích tại sao họ muốn tiếp cận thông tin liên lạc của người chơi. Đó là để tìm kiếm những người quan tâm đến ứng dụng trong số bạn bè của người dùng.

Đây không phải là một chiến lược kinh doanh mới. Vào năm 2013, Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ đã phạt các nhà phát hành ứng dụng đèn pin vì tội sao chép thông tin liên lạc trên điện thoại người dùng mà không cho biết họ chia sẻ thông tin trên với các nhà quảng cáo thuộc bên thứ ba.

Đa số các nhà quản lý thị trường đều yêu cầu nhà phát hành ứng dụng phải công bố thông tin lấy từ người dùng. Họ cũng yêu cầu nhà phát hành phải cho phép người dùng sử dụng ứng dụng mà không cần cung cấp thông tin cá nhân. Đáng tiếc là hầu hết người dùng thường không quan tâm đến những thông tin mình bị lấy và không biết những hệ lụy pháp lý nếu họ cho phép nhà phát hành thu thập thông tin. "Mọi người đều sợ không được dùng ứng dụng, vì thế họ thường chấp nhận yêu cầu thu thập thông tin của nhà phát hành", Levin nói.

Việc nhà phát hành ứng dụng thu thập thông tin người dùng có thể làm phát sinh nguy cơ vi phạm của bên thứ ba. "Khi bạn cho phép nhà phát hành ứng dụng tiếp cận thông tin, bạn đang mời người lạ vào căn nhà ảo của mình và biến họ thành chủ nhân của căn nhà đó", Levin nói. "Nếu họ vào được, họ có thể lấy một vài món đồ và món đồ đó có thể chính là bạn". Việc tải game về từ một website giả được làm bởi những kẻ lừa đảo cũng có thể mở đường cho các phần mềm mã độc xâm nhập vào thiết bị của người dùng và đánh cắp mật khẩu email và tài khoản ngân hàng của họ.

Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc áp dụng cơ chế công khai thông tin thu thập để hạn chế việc thu thập dữ liệu của nhà phát hành ứng dụng. Khi người dùng gỡ chức năng truy cập dữ liệu của Niantic trong Pokémon Go, game vẫn hoạt động như thường. Việc thu thập dữ liệu không phải là bắt buộc để có thể chơi game, đó chỉ là một cơ chế kiếm tiền của nhà phát hành. Thế nhưng hành động này lại có thể làm tổn hại đến khả năng bảo mật của người dùng.

Trong bối cảnh nhiều game thực tế ảo tăng cường sắp được tung ra trong thời gian tới và nguy cơ mất dữ liệu hiển hiện trước mắt, chúng ta cần nghiêm túc nghĩ xem liệu mình có muốn tiếp tục làm món hàng để các công ty buôn bán hay không.

Long Nam

Theo The Fiscal Times

Chủ đề khác