VnReview
Hà Nội

Nên làm gì khi gặp người bị đuối nước?

Giờ đang là mùa hè. Với thời tiết nóng bức như thế này thì nhu cầu bơi lội, tắm biển chắc chắn sẽ rất cao. Tuy nhiên, đi bơi cũng có những rủi ro của nó.

Thống kê năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy Việt Nam có trên 11.500 trẻ em bị chết đuối mỗi năm, cao thứ 2 trên thế giới. Theo WHO, đuối nước là một trong 5 nguyên nhân thương tích gây tử vong hàng đầu ở trẻ em.

Do vậy, biết phản ứng thế nào khi gặp trường hợp đuối nước có thể ngăn chặn một thảm kịch.

 

Thế đuối nước là như thế nào?

Theo kênh truyền hình CNBC của Mỹ trích lời Giám đốc điều hành Sue Mackie của Hiệp hội trường bơi Mỹ (USSSA), "Đuối nước thường xảy ra trong im lặng. Bạn sẽ không thấy những người vùng vẫy trong nước như trên TV hay trong các bộ phim".

Những người đuối nước – dù là trẻ em hay người lớn – thường phải dành hết sức để thở và nổi trên mặt nước để cầu cứu.

Những dấu hiệu đáng chú ý bao gồm:

- Miệng ở ngang hoặc trên dưới mặt nước.

- Đầu ngả về phía sau để cố nổi trên mặt nước.

- Mắt nhắm lại hoặc đỏ do nước vào mắt.

Nếu bạn nghi ngờ ai đó đuối nước, USSSA có các hướng dẫn như sau:

- "Ném xuống chứ không nhảy vào" - Đừng bao giờ nhảy thẳng vào để cứu người đuối nước bởi có thể họ sẽ vô tình kéo luôn cả người nhảy xuống. Hãy ném những thứ như phao, dây thừng hay thậm chí là khăn tắm xuống để có thể cứu họ mà không gây ảnh hưởng tới tính mạng của những người khác.

- Gọi trợ giúp - Báo với người cứu hộ hoặc ai đó rằng có người đang đuối nước.

- Giúp đỡ từ đằng sau - Khi một người đuối nước đang được người cứu hộ giúp đỡ, họ thường bám chắc lấy người đó và kéo họ xuống. Tiếp cận từ đằng sau là lựa chọn an toàn cho cả người bị đuối nước lẫn nhân viên cứu hộ.

- Dùng áo phao - Áo phao bảo hộ rất cần thiết để cứu nguy ở những nơi có dòng chảy như sông, hồ. Mặc áo phao bảo hộ giúp người cứu nạn tránh khỏi việc bị người bị đuối nước cũng như dòng chảy của nước kéo xuống.

- Để ý xem có dấu hiệu đuối nước cạn hay không – Đuối nước cạn (hay đuối nước thứ phát) là tình trạng nước đi vào phổi sau khi đường thở bị mở ra do sặc nước. Điều này dẫn đến việc phổi tiết ra dịch, gây phù phổi, khó thở hoặc không thở được. Đuối nước cạn thường xảy ra trong vòng 1-24 giờ. Cần để ý xem nạn nhân có còn nước trong phổi không, nếu có dấu hiệu thở bất thường, ho liên tục thì có khả năng nạn nhân sẽ bị đuối nước cạn.

"Đuối nước cạn rất hiếm khi xảy ra", Mackie nói. Nhưng vẫn mọi người vẫn cần cảnh giác bởi nó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Nếu ở hồ nước hoặc sông suối, hãy mặc áo phao bảo hộ vừa với cơ thể. Buộc dây vào thuyền hoặc bến để tránh bị dòng nước kéo đi.

Đã rất nhiều lần có người đuối nước đơn giản chỉ vì họ nuốt nước, hay trở nên mệt mỏi và từ từ chìm xuống. Có người trông coi cả nhóm đồng nghĩa với việc sẽ có người để ý nếu ai đó bỗng dưng mất tích. Nhưng đã là người trông coi thì không được lơ là.

Học bơi cũng rất cần thiết. Đó là một trong những cách để phòng tránh những tai nạn bất ngờ như thế này xảy ra, và đồng thời cũng là một trong những cách tốt nhất.

Phương Nam

Chủ đề khác