VnReview
Hà Nội

Jason Bourne (2016): Cô đơn trong cuộc chiến công nghệ

Được chuyển thể từ tiểu thuyết The Bourne Identity (1980) của nhà văn Robert Ludlum, loạt phim về siêu điệp viên Jason Bourne tiếp tục được hâm nóng với phần mới nhất đánh dấu sự quay trở lại của nam tài tử Matt Damon, người từng làm mưa làm gió với 3 phần đầu tiên của series này trước khi Jeremy Renner cố gắng lấp đầy chỗ trống của Matt trong phần phim The Bourne Legacy (2012).

Câu hỏi về danh tính của Bourne cũng chính là khởi nguồn câu chuyện trong phần đầu tiên của bộ phim này, The Bourne Identity (2002). Lúc đó, Matt Damon trong vai siêu điệp viên có biệt danh Jason Bourne đang bị mất trí sau khi rơi xuống biển trong một điệp vụ bất thành. Bourne cũng chính là một trong những vũ khí tối thượng của CIA và những thế lực muốn kiểm soát thế giới tại Lầu Năm Góc, một điệp viên "triệu đô" đúng nghĩa.

Jason Bourne là ai?

Bourne được "khai sinh" từ một chiến dịch tuyệt mật của Lầu Năm Góc với mật danh Treadstone, anh được thử nghiệm tiêm loại thuốc kích thích trí não để phản ứng nhanh nhạy và giảm đau nhằm thực hiện các chiến dịch trừ khử chính trị lẫn cá nhân của CIA. Các điệp viên được đào tạo có khả năng "xử lý" các vấn đề một cách độc lập, giúp họ có khả năng ứng biến và thực chiến mọi nơi mọi lúc nhờ thể lực siêu phàm cũng như trí óc siêu việt. Tuy nhiên, di chứng chương trình này thảm khốc tới nỗi phần lớn học viên đều sốc và tự sát hoặc phải chịu triệu chứng đau đầu, choáng váng như Bourne.

Matt Damon trong vai điệp viên Jason Bourne từ phần đầu tiên (2002) cho tới phần 4 (2016)

Theo chương trình Treadstone, các học viên đến đây đều được tẩy não cũng như phải chứng tỏ sự trung thành với nước Mỹ bằng cách… xả súng giết người không ghê tay, chỉ được tuân lệnh mà không cần hỏi. ;Sau khi tìm hiểu được phần nào danh tính thật của mình, Bourne đã bị săn đuổi và dồn tới đường cùng khi những người liên quan, tiếp xúc với anh lần lượt bị sát hại một cách dã man, buộc Bourne vào thế phải đi tìm sự thật và đối đầu với một trong những thế lực sừng sỏ nhất thế giới là CIA.

Sau khi chứng kiến những mất mát cùng cực và thoát khỏi các cuộc săn đuổi cũng như dồn ép kẻ thù ra mặt trước dư luận ở phần 2 và phần 3: The Bourne Supremacy (2004) và The Bourne Ultimatum (2007); ở phần mới này một lần nữa Bourne lại phải đối mặt với những người cũ và cũng là kẻ thù của anh, Giám đốc CIA và những kẻ liên quan tới chiến dịch Treadstone khi chúng đứng trước nguy cơ bị vạch trần kế hoạch mới thâm hiểm hơn trước.

Như đã nói, điều làm nên thương hiệu của Jason Bourne chính là những pha hành động gãy gọn, chính xác và nhịp phim nhanh cùng những bí mật động trời của CIA. Người ta từng nói dường như Matt sinh ra để đóng Jason Bourne, dù nam tài tử này cũng từng thành công với nhiều vai diễn khác, có thể kể tới The Martian (2015) hay Green Zone (2010), nhưng vai diễn điệp viên Jason Bourne của anh vẫn đáng nhớ và gây ấn tượng với khán giả hơn cả.

Các pha hành động gãy gọn và lạnh lùng là yếu tố làm nên "thương hiệu" của Bourne

Hành động "xuất chúng" của điệp viên Bourne trong phim không bị quá ảo như Ethan Hunt (Tom Cruise) trong loạt phim Mission Impossible hay không hoa mỹ như điệp viên Jame Bond trong loạt phim Điệp viên 007, mà các pha hành động của Jason Bourne gần với thực tế: Lạnh lùng, gọn gẽ và đề cao tính hiệu quả trong thực chiến.

Câu chuyện không hồi kết giữa thiện và ác

Phần phim mới nhất về điệp viên Bourne không được quảng bá rầm rộ, nhưng các nhà làm phim và khán giả vẫn kỳ vọng vào sự thành công của nó khi có sự góp mặt của gương mặt từng góp phần làm nên thương hiệu của Bourne là nam tài tử Matt Damon và đạo diễn Paul Greengrass.

Nếu coi sự xuất hiện của Matt Damon đảm bảo cho hình ảnh của siêu điệp viên Bourne nhờ vào sự xuất sắc của anh ở 3 phần phim đầu tiên thì cũng có thể nói việc đạo diễn Paul Greengrass quay lại với phần mới nhất này (và có thể coi là phần 4) cũng thú vị không kém khi Paul cũng từng làm việc với Matt ở 2 phần trước (phần 2 và phần 3 của loạt phim về Bourne).

Giám đốc CIA (đứng) và nhân tố mới trong phim Jason Bourne (2016)

Jason Bourne (2016) tiếp tục kế thừa 3 phần phim của Bourne trước đó mà Matt thủ vai, lần này anh tiếp tục đối mặt với những kẻ từng "khai sinh" ra anh ở một thế giới tàn khốc, để vạch trần những điều dối trá phía sau mặt nạ chính trị "vì lợi ích tổ quốc" mà chúng trưng ra. Một lần nữa, chúng ta lại được chứng kiến những màn rượt đuổi và sự cô đơn của Bourne trên con đường đi tìm sự thật. Cuộc chiến giữa chiếc búa tạ (CIA) muốn nghiền nát con kiến (Jason Bourne) vì đã qua mặt chúng.

Đáng chú ý, phần mới này có sự góp mặt của một nữ điệp viên CIA trẻ măng nhưng cực kỳ tinh ranh, cô gái này hội tụ đủ yếu tố: tinh anh, nhanh nhẹn, có đầu óc phán đoán tốt, giỏi kỹ năng máy tính và săn lùng, có tính toán và đặc biệt là có tham vọng. Liệu cô sẽ về phe của Bourne hay tiếp tục vươn lên đỉnh cao tham vọng ở CIA?

Cái giá của sự tiện nghi trong thời công nghệ

Tiếp nối mạch phim trước, chúng ta đều không bất ngờ với các chiêu trò của CIA nhưng phải thừa nhận nó ít nhiều phản ánh thực tế hiện nay: Các tổ chức tình báo lớn như NSA hay CIA đã tìm cách tài trợ và gây sức ép để cài backdoor (cửa hậu) cho các phần mềm mang tính đột phá, hứa hẹn thu hút nhiều người dùng. Tham vọng của chúng là nắm bắt, giám sát và nghe lén mọi người dân. Tập đoàn phần mềm trong phim được đặt trong tình cảnh tương tự Google hay Facebook khi phải đối mặt với sức ép chính trị, buộc họ phải hợp tác với chính phủ để cài cắm "cửa hậu" hoặc bị "làm luật".

Trong thời đại công nghệ, bạn dễ dàng bị theo dõi mọi nơi mọi lúc

Cũng qua phim này, chúng ta sẽ được thấy việc giám sát của các tổ chức tình báo với người dân ở mức độ như thế nào. Bạn có thể bị theo dõi mọi nơi mọi lúc, dù chỉ là qua một chiếc điện thoại hay thậm chí một chiếc máy tính đã ngắt mạng, đơn giản chúng đã được cài cửa hậu và cho phép trace (dò) theo địa chỉ IP, đột nhập tường lửa và định vị bạn.

Cách duy nhất để bạn thoát khỏi tầm giám sát của chúng chính là không sử dụng các thiết bị công nghệ như smartphone, tablet hay máy tính/laptop. Tuy nhiên, thế vẫn chưa đủ an toàn. Bạn vẫn có thể bị họ truy vết qua các hệ thống camera công cộng (mà họ có thể đàng hoàng kiểm soát thông qua danh nghĩa… chính phủ) hay các hệ thống nhận dạng danh tính ở sân bay, ga tàu… hoặc hơn hết là bạn có kỹ năng (cùng sự may mắn) như Bourne.

Ở đây, Bourne có lợi thế được đào tạo kỹ lưỡng cũng như nắm rõ các chiêu trò của CIA, bất lợi cho anh là những kẻ thủ ác ở CIA nắm trong tay cái mác "chính nghĩa" và toàn bộ quyền lực cũng như tài nguyên để lùng bắt anh. Hành trình của Bourne gần như đơn độc khi lần lượt ân nhân lẫn người thân (các bạn gái) của anh lần lượt bị sát hại, thứ anh có ngoài kỹ năng được đào tạo còn là bản năng sinh tồn cũng như khát khao tìm kiếm sự thật, trừng trị kẻ ác. Anh không được phép tin bất kỳ ai, kể cả những phương tiện kỹ thuật số xung quanh mình.

Không chỉ phải chống lại CIA, Bourne còn phải chống lại các đồng đội cũ của mình với sự hỗ trợ tối đa từ các công nghệ giám sát của CIA

Có thể nói, sự sống leo lắt nhưng mãnh liệt của Bourne được các đạo diễn theo đuổi cũng góp phần phơi bày cho khán giả những chiêu trò thâm hiểm của các tổ chức tình báo lẫn các thế lực chính trị lớn đang thao túng, cuộc chơi ở Jason Bourne (2016) chỉ bắt đầu khi anh phát hiện ra CIA chuẩn bị tung ra chiến dịch thâm hiểm hơn trước, khiến CIA đánh giá sự rò rỉ này còn hơn cả vụ Edward Snowden.

Cuộc đấu tranh để giành sự tự do, tránh bị theo dõi cho người dân càng ngày càng khó khăn, khi mà cả vụ cựu điệp viên NSA là Snowden phanh phui liên minh bẩn thỉu của các cơ quan tình báo Mỹ cùng các ông lớn công nghệ đang theo dõi và giám sát mọi thông tin của người dân cũng dần bị các thế lực tìm cách "làm cho nó im lặng". Có lẽ một bộ phim như Jason Bourne không đủ nhưng cũng phần nào giúp chúng ta có dịp nhìn lại cái giá của sự tiện nghi trong thời đại kỹ thuật số, khi mà sự tự do của bạn bị xâm phạm và giám sát thông qua chính các thiết bị mà bạn sở hữu, bỏ tiền mua và thậm chí là "thần thánh hóa".

Bourne tái xuất với màn khởi động là... đấu sĩ quyền anh tự do

Có nên ra rạp?

Phải nói rằng nếu bạn là fan của series Jason Bourne thì hành động của phần này chưa đủ mãn nhãn theo kiểu "dứt điểm" của Bourne như các phần trước, chưa kể kết cấu phim hơi rối cũng như cái kết chưa thực sự mãn nhãn, mang nhiều yếu tố cá nhân hơn là sự phơi bày ở tầm công chúng như trước. Nhạc phim cũng được trau chuốt khi có sự biến tấu nhẹ so với những tiết tấu dồn dập quen thuộc của series Bourne, tuy nhiên điều này không được như kỳ vọng nhưng cũng ở mức khá. Điểm đáng khen là mạch phim vẫn giữ được sự dồn dập vốn có của thương hiệu Jason Bourne, dù hiệu ứng cháy nổ có hơi làm quá một chút.

Nếu bạn là fan của Jason Bourne thì không thể bỏ qua phần phim này, nhưng nếu chưa từng xem Bourne đi nữa thì cũng nên tìm xem 3 phần trước của Bourne và tới rạp để thưởng thức nốt phần thứ tư này. Dù chưa đạt sự kỳ vọng nhưng có thể nói đây vẫn là một trong những phim hành động hay nhất từ đầu năm tới nay, mạch phim dồn dập khiến bạn khó lòng rời mắt khỏi màn hình nếu như không muốn bỏ lỡ các tình huống trong phim.

Trailer chính thức thứ 2 của Jason Bourne 2016

Phim được khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 29/7 ở các hệ thống rạp Lotte, CGV, Galaxy…. trên toàn quốc. Các hình ảnh và tư liệu media trong bài có bản quyền thuộc về nhà phát hành phim, VnReview sử dụng chỉ để minh họa cho bài viết.

TM

Chủ đề khác