VnReview
Hà Nội

"Xoài nhân tạo" Trung Quốc thực ra là loại xoài không hạt

Hẳn chưa bao giờ biết đến loại xoài không hạt - một thành quả của khoa học và biến đổi gen (GMO) - nên một người dùng Facebook đã tung clip lên mạng cáo buộc quả xoài không hạt là xoài giả từ Trung Quốc, khiến biết bao nhiêu người không khỏi hoang mang, lo lắng.

Giống xoài không hạt được các nhà khoa học Ấn Độ lai tạo từ phương pháp biến đổi gene

Ngày 31/7 vừa qua, người dùng Facebook có tên là Dương Thành Nam đăng tải ngày 31/7/2016 khẳng định những quả xoài (trong Nam có bán nhiều, gọi là xoài mút) anh ta mua về là xoài Trung Quốc giả xoài Thái, nghiêm trọng hơn đó là xoài nhân tạo vì hạt được làm bằng... ni-lông, đốt cháy gây mùi khét.

Sau sau clip này, đã có nhiều bài báo và cư dân mạng lẫn các nhà quản lý vào cuộc để làm sáng tỏ về loại xoài "nhân tạo" này. Tuy nhiên, vẫn còn đó mập mờ về xuất xứ loại xoài này khiến nhiều người vẫn chưa khỏi hoang mang.

Thực chất, theo tìm hiểu của phóng viên VnReview.vn, loại xoài trên không hề mới, cách đây một vài năm người dân Nam bộ đã bắt đầu nhập loại hoa quả và cả giống xoài không hạt về Việt Nam. Năm 2014, các nhà khoa học Ấn Độ đã thành công trong việc tạo ra một giống xoài không hạt dựa trên công nghệ biến đổi gene, tương tự như các loại dưa hấu, nho không hạt... phổ biến trước đó.

Tuy nhiên, quá trình biến đổi gene không làm triệt tiêu hẳn hạt xoài mà chỉ giúp quả xoài từ có hạt vốn to, có thể chiếm đến 3/4 quả xoài, "tiêu" hạt còn dư lại một lớp màng hạt, nhìn bằng mắt thường giống ni lông hoặc giấy. Đây là màng sinh học mà các loại xoài thông thường đều có nhưng ít bị để ý do hạt xoài có nhân to và bọc trong một lớp màng cứng. Bản chất lớp màng này cấu tạo từ chất xơ nên khi đốt sẽ có mùi giấy chứ không khét như khi đốt ni lông. Bạn đọc có thể tham khảo clip dưới đây của một người dùng so sánh về hai loại xoài này.

Clip bóc mẽ về trò câu view và hoài nghi thiếu cơ sở về xoài không hạt

Loại xoài không hạt hiện được trồng ở nhiều nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ... và cả Việt Nam. Xoài này thường chín mau và khó bảo quản nên được bán rẻ dọc đường cũng như các sạp hoa quả ở chợ, giá dao động từ 30 ngàn đồng/kg.

Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều bà con nhập cả xoài từ Trung Quốc về và gán mác... Thái Lan cho dễ bán, cộng với tâm lý sợ hoa quả Trung Quốc và thực phẩm "bẩn" nên dễ bị hoang mang trước các hoài nghi chưa được tìm hiểu kỹ như clip của Dương Thành Nam.

Cũng rất may, sau khi clip này được đăng lên, đã có rất nhiều cư dân mạng tỉnh táo, phản bác lại bằng chứng cứ thực tiễn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên VnReview.vn, Thành Nam đã tỏ ra khá "troll" các comment mang tính góp ý và dẫn chứng về việc lớp màng của hạt tự nhiên chứ không phải là ni lông hay nhân tạo. Khi lượt người phản đối trò câu view này và đưa ra nhiều bằng chứng ngày càng nhiều thì status này đã bị xoá đi.

Tâm lý sợ chết cũng như bất lực trước các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc khiến nhiều người dễ rơi vào bẫy hoang mang, share luôn các hoài nghi thiếu cơ sở. Rốt cuộc là người dân vẫn chịu thiệt, chung quy lại vẫn xuất phát từ sự yếu kém của phía các nhà quản lý, khiến người dân phải tự mò mẫm né tránh các sản phẩm độc hại, ko tránh khỏi các hiểu biết lệch lạc cũng như dính bẫy trên mạng.

Đã qua rồi cái thời ngồi nhà nghe dân bán cá tố hàng thịt ướp hàn the, hàng thịt tố hàng cá ướp đạm u-rê. Giờ đây Internet có sẵn các công cụ để tìm hiểu, nên trước khi share gì cũng có ý thức và thận trọng kẻo mắc bẫy câu view và hại chính người dân của mình, bởi không phải ai cũng kịp đọc những gì bạn đính chính.

Ở phía ngược lại, hy vọng các nhà quản lý hãy nâng cao vai trò giám sát của mình hơn nữa, để có thể nắm bắt kịp thời cũng như bảo vệ chính người dân của mình trước các loại hàng hóa trôi nổi trên thị trường, không có lý do gì hàng bán trên thị trường mà khi hỏi ai cũng ú ớ không nắm rõ nguồn gốc xuất xứ và gây thêm hoang mang không đáng có.

Chưa rõ liệu người tạo clip và đăng lên Facebook về xoài nhân tạo này có bị xử lý hay không, nhưng qua sự việc này cho thấy kiến thức nói chung và kiến thức về khoa học công nghệ là vô cùng, khi chúng ta chưa biết thì nên tìm hiểu thay vì vội vàng kết luận, quy chụp rồi hồn nhiên đăng lên mạng như người dùng Facebook nói trên, khiến dư luận xã hội hoang mang, người nông dân điêu đứng.;

TM

Chủ đề khác