VnReview
Hà Nội

Bỏ tiền túi “vẽ” Google Maps

Google Maps được "vẽ" lên và hoàn thiện mỗi ngày bởi một cộng đồng những người đầy nhiệt huyết với thứ duy nhất là đam mê, không có cái danh là nhân viên Google, cũng không một đồng thù lao.

Các thành viên của Google Map Maker Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong một buổi hội thảo

Trong cộng đồng Google Map Maker Việt Nam có khoảng 15 thành viên hoạt động nhiều năm, có đủ độ tin cậy để được Google trao quyền duyệt địa điểm đầu vào cho Google Maps. Họ ở khắp nơi, làm đủ nghề khác nhau nhưng có cùng thói quen "hễ có thời gian rảnh là vào coi bản đồ". Người là kiến trúc sư, người là tiến sĩ vật lý, trưởng ban dự án công ty, giảng viên trường ĐH, giám đốc công ty bia, cựu chiến binh và cả thợ mỏ...

Từ những "kẻ spam, phá phách"

Nhiều người trong số họ đến với Google Map Maker nhờ tình cờ biết đến chức năng map maker, vào "vọc vạch, phá phách, spam". Anh Lê Bách (36 tuổi, Hà Nội) - trưởng nhóm Google Map Maker Việt Nam - kể: "Ban đầu chúng tôi cũng là những người spam như nhiều bạn bây giờ, cũng yêu cầu thêm vào nhiều địa chỉ vớ vẩn để chọc phá, nhưng rồi dần dần ý thức được rằng nếu đề xuất chính xác thì sẽ có thêm nhiều địa điểm hữu ích được cập nhật vào bản đồ, giúp mọi người tìm kiếm dễ dàng hơn".

Anh mày mò đọc tài liệu tiếng Anh hướng dẫn quy cách tạo các địa điểm để thêm vào những địa điểm quen thuộc xung quanh và tham gia đánh giá các địa điểm do những người khác đề xuất. Hồ sơ của anh trên Google Map Maker mỗi ngày dày thêm những lượt đề xuất địa điểm hữu ích. Tham gia từ năm 2010, đến năm 2015 khi kinh nghiệm đã đầy mình, anh được Google cấp quyền phê duyệt địa điểm.

"Từ đó đến nay, tôi cùng với nhiều anh em khác đã làm rất nhiều thứ, không chỉ là trực tiếp tham gia làm bản đồ mà còn Việt hóa các tài liệu hướng dẫn thiết lập, đề xuất địa điểm để mọi người cùng tham gia xây dựng bản đồ và xây dựng danh mục các địa điểm bằng tiếng Việt để tiện truy cập tìm địa điểm, tìm đường đi" - anh Bách kể.

Một thành viên khác cũng mê làm bản đồ là anh chàng thợ mỏ 26 tuổi Phạm Văn Mạnh (ngụ Thái Nguyên). Ngày ngày làm việc ở một khu mỏ, thời gian rảnh Mạnh cũng mày mò trên Google rồi biết đến map maker. "Biết Google Map Maker từ năm 2011. Cũng phá phách nhiều, đề xuất tầm bậy nhiều nhưng nhận được hướng dẫn của rất nhiều người đang xây dựng Google Maps nghiêm túc đã tham gia trước đó như anh Bách nên quyết định không nghịch nữa" - Mạnh nửa đùa nửa thật.

Năm 2015, anh đã được cấp quyền phê duyệt địa điểm và giờ thì có thói quen "cứ rảnh online là vào Google Map Maker", ngày nào không lên là bứt rứt. Anh kể nhiều bạn mới cũng ngô nghê y hệt anh lúc mới tham gia, "toàn cắm mốc ra ruộng hoặc giữa đường", anh bật chế độ vệ tinh lên kiểm tra rồi yêu cầu chỉnh lại cho đúng.

Chân dung các mapper - cách gọi những người tham gia xây dựng bản đồ Google Maps

Tự nguyện không công, chỉ vì yêu thích

Anh Nguyễn Tuấn Anh (46 tuổi, quê Hải Phòng) đã gắn bó Google Map Maker 7 năm nay. Anh kể: "Ngày trước các địa điểm bản đồ trên Google còn đơn giản, chưa có người bổ sung nên thiếu nhiều địa điểm. Từ nhu cầu đi lại của bản thân, lại mê đi đó đi đây để chụp ảnh giới thiệu về du lịch VN nên tôi tham gia nhóm này". Những ngày mới tham gia, do đường truyền Internet còn kém, anh Tuấn Anh và các thành viên mất nhiều thời gian để tải ảnh vệ tinh thể hiện vị trí mình cần đánh dấu.

Nhiều cung đường khắp ba miền đất nước anh Tuấn Anh đã tự bỏ chi phí đi, chụp ảnh và bổ sung vào địa điểm trên Google Maps. "Khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mới hoàn thành, trên ảnh vệ tinh của Google chưa nhìn rõ vị trí. Vậy là tôi cùng với mấy người bạn lái xe đi hết đường, dùng điện thoại định vị GPS để "vẽ" lại hình dáng đường trên vệ tinh" - anh nói thêm.

Với những tuyến đường ở miền núi Tây Bắc, Đông Bắc..., anh cũng tự đi đến để đánh dấu. Nhiều khu vực anh phải mất rất nhiều thời gian lần mò để kiểm tra, bổ sung theo cấp tỉnh, huyện, xã. Có những điểm khó xác minh do địa chỉ không rõ ràng, anh cất lại để sau này có dịp đi thì kiểm tra.

Anh Tuấn Anh kể thỉnh thoảng cũng có dịp offline gặp gỡ các anh em trong nhóm. Mỗi năm họ gặp nhau 1-2 lần trò chuyện, chia sẻ về công việc "vác tù và" này, địa điểm thường là Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM. Những năm qua, nhóm cũng phối hợp với một số trường đại học để giới thiệu về Google Maps, đội ngũ những người làm và hướng dẫn các sinh viên cách thực hiện.

"Những lần tổ chức như thế này được các trường rất ủng hộ nên chúng tôi rất vui, có thêm động lực làm việc" - anh nói. Làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, đã có gia đình nên anh cho biết cũng phải vất vả sắp xếp thời gian để làm công việc "bao đồng" này, nhiều khi những ngày lễ tết anh cũng tranh thủ đi để cập nhật địa điểm.

Mỗi thành viên có một lý do khác nhau đến với Google Map Maker. Anh Đinh Văn Thành (Hà Nội), biên tập viên của một tờ báo, lại tình cờ phát hiện cơ quan mình đang làm việc có vị trí trên Google Maps không đúng, "nằm giữa một hồ lớn ở Hà Nội" nên tìm cách đưa vị trí cơ quan mình về lại đúng. Sau đó lại thấy có nhiều vị trí khác mà anh biết bị sai lệch có khi vài trăm mét hoặc rất xa vị trí đúng.

"Công việc chính của tôi là một biên tập viên, gặp những sai sót như trên cảm thấy khó chấp nhận, nên mình đã chủ động báo cáo đến Google Maps nhưng rất lâu sau đó mới được chấp nhận chỉnh sửa hoặc không phản hồi" - anh kể. Đó là năm 2010, mãi đến năm 2015, tức khoảng sau 5 năm đóng góp cho Google Maps, anh Thành mới được chính thức công nhận và được trao quyền phê duyệt địa điểm.

Nghề có cả niềm vui, nỗi buồn. Anh Thành bảo làm không công nhưng đôi khi cả nhóm vẫn nhận những lời lăng mạ, đe dọa khi yêu cầu xác minh, khuyến cáo những người đề xuất chỉnh sửa cho đúng hoặc từ chối đề xuất địa điểm của một ai đó. Nhưng cũng có rất nhiều đơn vị, cơ sở bị chiếm dụng thông tin mà thông qua cộng đồng Google Map Maker đòi lại kịp thời đã cảm ơn nhóm.

"So với hồi mới làm cách đây 6 năm thì bây giờ hầu như bản đồ đã rất đầy đủ, chỉ có những khu vực vùng sâu vùng xa vẫn đang tiếp tục bổ sung. Đặc biệt là ở khu đô thị, các công trình công cộng đã rất đầy đủ" - trưởng nhóm Lê Bách cho biết.

Anh vẫn còn nhớ những lần các nhóm nước ngoài cố tình phá hoại, thay đổi các địa điểm của Việt Nam như thay đổi đảo Phú Quốc của Việt Nam thành đảo của một nước khác. Nhóm vất vả đấu tranh, báo cáo Google để khóa, ngăn chặn thay đổi sai lệch. Tất cả không vì tiền bạc, không danh lợi... mà chỉ vì yêu thích, đam mê.

Người chơi Pokémon Go làm khó Map Maker

Anh Lê Bách - trưởng nhóm Google Map Maker Việt Nam - cho biết bản đồ Việt Nam cụ thể đến từng quán cà phê trên Google hiện nay là công sức của hàng chục ngàn người. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành người đề xuất địa điểm mới thông qua ứng dụng Google Map Maker để Google xem xét bổ sung vào bản đồ.

Mọi người sẽ chia sẻ thông tin về các địa điểm mà họ quen thuộc như trường học, chợ, công viên, cây xăng, chùa chiền, di tích... và tham gia đánh giá địa điểm trong đề xuất của người khác. Càng nhiều người tham gia đề xuất, đánh giá địa điểm thì bản đồ càng hoàn thiện.

Tuy nhiên, anh cho biết thêm những ngày qua khi trò chơi Pokémon Go vào Việt Nam, nhiều người chơi đã sử dụng chức năng map maker để chỉnh sửa, tạo ra hàng loạt địa điểm công cộng không có thật gần vị trí của họ với hi vọng có nhiều cơ hội được nhà phát hành game bố trí thêm các Pokestop - nơi nhận, trao đổi vật phẩm trong game - khiến đội ngũ phê duyệt của Google Map Maker Việt Nam bị quá tải, không thể xử lý nổi lượng yêu cầu quá lớn. Những người đã lỡ đề xuất có thể khắc phục, giúp đỡ nhóm bằng cách quay lại hoàn tác để hủy địa điểm sai lệch đã đề xuất.

Map Maker có mặt tại;52 quốc gia

Đại diện truyền thông Google Việt Nam cho biết cộng đồng Google Map Maker trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, là những thành viên tích cực đóng góp trong việc cung cấp các dữ liệu chuẩn xác cho bản đồ Google.

Nhưng những gợi ý này đều phải được các chuyên gia của Google kiểm duyệt để đảm bảo tính chính xác. Google có hơn 1.000 nguồn dữ liệu và các cộng đồng Map Maker có mặt ở trên 52 quốc gia cùng hoạt động. Khi có một vị trí mới được đề xuất, Google sẽ lấy ý kiến của người dân địa phương và sau đó kiểm duyệt trước khi đưa ra sử dụng.

"Không phải ai cũng có điều kiện đi lại để đánh dấu bản đồ, nên mình có thời gian thì tranh thủ giúp cộng đồng dễ tìm các địa điểm hơn"

Theo Tuổi Trẻ

Chủ đề khác