VnReview
Hà Nội

Điều đáng sợ nhất trên Facebook: Tin thất thiệt lan tỏa mạnh hơn tin chính thống

CEO Facebook nói chưa đến 1% tin tức trên Facebook là tin bịa đặt. Nhưng vấn đề là, số-lượng-tin-tức giả mạo trên Facebook không quan trọng bằng số-lượng-người-đọc và chia sẻ những tin tức giả mạo đó.

Gần đây Facebook liên tục bị chỉ trích vì đã để các loại tin tức giả mạo, phóng đại, tin đồn lan truyền trên mạng xã hội, đồng thời vô trách nhiệm trong việc để "báo chí" tung hoành trên website. Nhiều chuyên gia dự đoán Facebook có thể đã gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Ngày 12/11, CEO Facebook Mark Zuckerberg đã phản ứng lại những tuyên bố này, khẳng định chưa đến 1% các nội dung trên Facebook là "giả mạo và lừa đảo".

Nhưng dù khả năng tính toán của Zuckerberg chính xác, rằng chỉ có một số lượng rất rất nhỏ những nội dung giả mạo được đưa lên Facebook, thì điều đáng sợ chính là: tin tức giả mạo có khả năng lan truyền kinh khủng hơn dòng tin chính thống.

Nghĩa là, số-lượng-tin-tức giả mạo trên Facebook không quan trọng bằng số-lượng-người-đọc và chia sẻ những tin tức giả mạo đó.

Đầu năm nay, các điều tra do trang BuzzFeed thực hiện đã phát hiện ra thuật toán newsfeed của Facebook không chỉ quảng bá cho vô số những câu chuyện bịa đặt, mà gần 40% những nội dung được xuất bản thẳng lên các trang Facebook và 19% nội dung xuất bản bởi các trang cực đoan đều là giả mạo hoặc gây nhầm lẫn. BuzzFeed thậm chí còn phát hiện tại một thị trấn ở Macedonia, một nhóm các thanh thiếu niên kiếm tiền bằng cách xuất bản hàng ngàn tin tức giả mạo qua hàng trăm website tin vịt. Khi những tin tức đó rộ lên và nhiều người biết, họ sẽ nhận tiền quảng cáo.

Trong khi đó, nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra 44% người trưởng thành đọc tin tức từ Facebook, truyền thông xã hội có thể gây ảnh hưởng trực tiếp lên các quan điểm chính trị của mọi người trên các nền tảng như Facebook và Twitter. Vì vậy, không có gì bất hợp lý khi nói các tin tức bịa đặt chia sẻ trên Facebook – dù là cố tình hay vô tình – đều có tiềm năng tiếp cận và thậm chí là gây ảnh hưởng lên một số lượng lớn người dùng Facebook.

Tình thế này đã thúc giục Mike Caulfield, giám đốc nghiên cứu mạng lưới của trường Đại học Washington State University Vancouver, tìm hiểu câu hỏi "liệu tin bịa đặt hay tin chính thống có sức lan tỏa hơn", với hy vọng sẽ tìm ra được loại tin tức nào mà người dùng có khả năng chia sẻ hơn.

"Nếu Facebook thực sự là một hệ sinh thái tin tức", ông viết, "chúng ta nên hy vọng những trang báo địa phương lớn như Boston Globe và LA Times sẽ cạnh tranh ưu thế hơn với những trang tin tức giả mạo – những trang này được tạo ra chỉ để thu hút view quảng cáo".

Đó có vẻ là một giả thuyết hợp lý. Nhưng như Caulfield chỉ ra, ít nhất một bài báo từ một trang tin tức giả mạo lại được chia sẻ rộng rãi hơn và tiếp cận được số lượng người đọc lớn hơn là những bài viết xác thực từ những nguồn tin đáng tin cậy.

Sơ đồ về số lượng bài viết được chia sẻ trên Facebook cho thấy bài viết từ trang tin tức giả ;mạo Denver Guardian có số lượng chia sẻ cao vọt so với các báo chính thống khác.

Trường hợp cụ thể là một bài viết đáng nghi ngờ mang tựa đề "FBI Agent Suspected in Hillary Email Leaks Found Dead" (Tạm dịch: Mật vụ FBI bị tình nghi trong vụ rò rỉ email của bà Clinton được phát hiện đã chết), xuất phát từ một website cótên Denver Guardian, một trang tin tức giả mạo được tạo ra với mục đích duy nhất là tuyên truyền chống lại bà Clinton. Mặc dù rất dễ nhận ra bài viết lừa đảo nhưng vì Facebook không có cách nào kiểm chứng và giúp người dùng nhận ra sự khác biệt giữa một bài báo đến từ một trang tin tức chính thống, và một bài viết đến từ một website "Denver Guardian", nên thông tin trên xuất hiện trên newsfeed người dùng như một tin tức thật.

Thông tin trên được đăng lên Facebook 3 ngày trước cuộc bầu cử, theo phân tích, nó hoàn toàn là tin tức giả mạo, nhưng vẫn đạt số lượng chia sẻ trên 560.000 lượt trên Facebook. Nghĩa là, hàng triệu cử tri đã nhìn thấy nó, đọc nó hoặc nghe về nó trước ngày Bầu cử.

Ông Caulfield kết luận, Facebook cần có trách nhiệm với những tin tức mà nó lưu hành, và tất cả người dùng Facebook cần có suy nghĩ hơn với những gì họ nhìn thấy khi họ lướt qua phần newsfeed. "Hãy có sự so sánh tốt hơn", ông viết.

Caulfield chỉ là một trong số nhiều người đang kêu gọi Facebook phải hành động. Hạn chế phân phối những tin tức bịa đặt chỉ là điều tối thiểu mà Facebook có thể làm.

Theo trang Vox, ngay cả các nhân viên của Facebook cũng chán ngấy với loại tin tức này. Những nhân viên "phản bội" này được cho biết là đã lập một nhóm nội bộ chuyên xử lý với vấn nạn tin giả mạo trên Facebook. Và có vẻ tình huống Facebook đang dính phải cũng đã tạo cảm hứng cho Google. Hôm thứ Hai, Google tuyên bố sẽ gắt gao loại bỏ các loại tin tức giả mạo, bịa đặt bằng cách cấm các trang tin tức này nhận doanh thu quảng cáo từ các trang tìm kiếm của họ. Ngay sau đó, Facebook cũng tuyên bố sẽ dứt khoát cấm các trang tin tức giả mạo hiển thị quảng cáo trên Facebook.

Công chúng cũng đang thực hiện phần việc của công chúng. Giáo sư truyền thông Melissa Zimdars của trường Merrimack College đã công bố một danh sách đơn giản trên Google Doc "các nguồn tin tức giả mạo, bịa đặt, sai lệch". Không chỉ Zimdras, trang web Fake News Watch cũng ra danh sách những website tin tức giả mạo, và tạp chí New York đã tạo ra một phần mở rộng trên Chrome cảnh báo người dùng về các nguồn tin giả mạo, dựa trên danh sách của Zimdar.

Một phân tích mới đây của Buzzfeed còn cho thấy các loại tin tức giả mạo, bịa đặt trên Facebook có khả năng lan truyền nhanh hơn cả tin thực sự. Trong 10 tháng trước cuộc bầu cử, 20 bài báo bịa đặt hàng đầu đã được chia sẻ khủng khiếp từ 3 triệu lượt "chia sẻ, phản ứng và bình luận" lên gần 9 triệu, trong khi đó mức độ tương tác của các bài viết chính thống lại giảm từ mức 12 triệu vào tháng Hai xuống chỉ còn 7,3 triệu vào Ngày Bầu cử.

Hoàng Lan

Chủ đề khác