VnReview
Hà Nội

Sự yên tĩnh bứt rứt ở 'thị trấn Samsung Bắc Ninh'

Samsung đang thực hiện đúng cam kết không sa thải công nhân tại các nhà máy của hãng ở Việt Nam sau vụ việc của Galaxy Note 7. Tuy nhiên, việc một số công nhân được thông báo ở nhà chờ đợi và kế hoạch tuyển dụng cuối năm có thể bị ngừng trệ đang khiến nhiều lao động và người dân xung quanh nhà máy Samsung Bắc Ninh cảm thấy lo lắng.

Một cửa hàng bán lẻ tự phát gần cổng nhà máy Samsung.

Theo tường thuật của phóng viên báo Nhật Nikkei, những người bán lẻ hoa quả ở bên ngoài nhà máy Samsung tại tỉnh Bắc Ninh có thể hiểu được điều gì đang diễn ra với tập đoàn smartphone hàng đầu của Hàn Quốc chỉ bằng cách nhìn vào cổng của nhà máy.

"Nhà máy thường rất bận rộn vào dịp cuối năm và công nhân sẽ không được thấy đi ra ngoài nhà máy cho tới khi trời tối", ông Nguyễn Văn Lợi, một người bán trái cây đã 6 năm trước cổng nhà máy Samsung Bắc Ninh nói. Ông Lợi cũng cho biết thêm rằng doanh thu hàng tháng từ quầy bán hoa quả của ông ta đã giảm 30% kể từ tháng 10, tức là thời điểm Samsung tuyên bố khai tử Galaxy Note 7.

Mới chỉ có hơn một tháng trôi qua kể từ khi Samsung cho ngừng toàn bộ việc sản xuất Galaxy Note 7 nhưng đã có một số lượng công nhân tại nhà máy Samsung Bắc Ninh được thông báo phải ở nhà chờ đợi. Một số công nhân khác nói rằng thu nhập của họ đã giảm đi một nửa do không được tăng ca.

"Thu nhập;của tôi đã giảm đi khoảng 40-50%", Nguyễn Thị Kiều Anh, một công nhân 19 tuổi làm việc trên dây chuyền lắp ráp cho biết. Hiện nay, chị Kiều Anh và nhiều công nhân khác thường được về nhà vào lúc 5 giờ chiều, sớm hơn 3 giờ so với thường lệ, bắt đầu từ khi việc sản xuất Galaxy Note 7 bị dừng lại từ hồi giữa tháng Mười. Mặc dù Samsung không sa thải hàng loạt công nhân nhưng những người được thông báo chờ ở nhà cho biết lương của họ đã bị giảm tới 70%.

Việc tuyển dụng công nhân mới vào dịp cuối năm có vẻ như cũng đã được cho tạm dừng. Nguyễn Văn Chiến, một chủ nhà trọ gần nhà máy cho biết hiện ông mới chỉ cho thuê được 30 phòng trong tổng số 50 phòng hiện có. Với việc thu nhập bị giảm xuống tới 1/3, ông Chiến đang cảm thấy khó kiếm sống hơn bao giờ hết.

Samsung đã đầu tư tổng cộng 7,5 tỷ USD vào một nhà máy tại Bắc Ninh từ năm 2009 và một nhà máy khác tại Thái Nguyên từ năm 2012. Samsung hiện đã trở thành nhà tuyển dụng lớn nhất tại Việt Nam. Trong tổng số 420 triệu smartphone của Samsung được đưa ra thị trường trong năm 2015, 30% được cho là lắp ráp tại các nhà máy Việt Nam.

Các nhà máy của Samsung đang đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Smartphone và các thành phần liên quan từ các nhà máy này hiện đang đạt tổng giá trị xuất khẩu tới 17 tỷ USD chỉ trong vòng nửa đầu năm 2016, tăng 16% so với cùng kì năm ngoái. Smartphone của Samsung cũng chính là thứ đã giúp Việt Nam lần đầu tiên có thặng dư thương mại vào năm 2012.

Tình trạng này còn kéo dài?

Tổng cục Thống kê cho biết sự cố của Galaxy Note 7 chỉ làm giảm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2016 xuống 0,3%. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nhiều khách hàng hiện vẫn đang có tâm lí e ngại sản phẩm của Samsung, việc sản xuất và kinh doanh smartphone của hãng có thể vẫn gặp khó khăn trong thời gian tới.

Đây thật sự là một viễn cảnh đáng lo ngại cho cả Samsung và 160 nhà cung cấp địa phương của hãng tại Việt Nam. Việc ngừng sản xuất Galaxy Note 7 cũng làm ảnh hưởng tới nhiều công ty logistic được Samsung thuê để vận chuyển các linh kiện từ Hàn Quốc và Trung Quốc sang Việt Nam để lắp ráp. "Khó khăn của Samsung trực tiếp dẫn tới khó khăn của nền kinh tế Việt Nam", ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho biết.

Bất chấp khó khăn tạm thời từ sự cố Galaxy Note 7, các kế hoạch của Samsung tại Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Samsung được cho là đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất màn hình mới tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên tới 3 tỷ USD vào năm 2020.

Nguyễn Long

Chủ đề khác