VnReview
Hà Nội

Điệp viên Snowden (2016): Góc khuất phía sau ánh hào quang

Trước khi bộ phim Snowden (2016) của đạo diễn Oliver Stone với sự tham gia của nam tài tử Joseph Gordon-Levitt ra mắt, đã có không ít kịch bản phim điện ảnh và tài liệu về nhân vật điệp viên nổi tiếng này được công chiếu. Liệu Oliver Stone muốn kể điều gì khác so với những gì chúng ta đã biết?

Nam tài tử Joseph Gordon-Levitt trong vai Snowden của bộ phim cùng tên

Quay trở lại với đạo diễn của bộ phim, trước đây Oliver Stone từng có những tác phẩm điện ảnh "đối nghịch" với chính phủ cầm quyền. Trong đó có thể kể tới những tác phẩm liên quan tới chiến tranh Việt Nam như Last Year in Viet Nam (1971), Born on the Fourth of July (1989) hay Heaven & Earth (1993)... Ông cũng được biết đến như là một đạo diễn độc lập, thậm chí còn đứng về phía những người phản đối cuộc chiến Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, câu chuyện mà Oliver Stone kể về cựu điệp viên Edward Snowden (do Joseph Gordon-Levitt thủ vai) cũng thú vị không kém, nhưng đây là một đề tài khó bởi nó đụng chạm không ít tới chính quyền hiện tại của Mỹ và quan điểm về quyền công dân cũng như các lo ngại về sự an ninh của nước Mỹ.

Bộ phim cũng hé lộ nhiều chi tiết thú vị về nhân vật khiến giới chính trị gia của Mỹ và nhiều nước đồng minh mất ăn mất ngủ, dưới đây là một số điểm thú vị mà phóng viên VnReview.vn rút ra khi có dịp thưởng thức bộ phim này và chia sẻ với bạn đọc:

Một người lính trung thành với tổ quốc

Snowden xuất thân là một người lính có lý tưởng, muốn dành hết tuổi trẻ của mình để cống hiến cho nước Mỹ. Để thực hiện mơ ước đó, anh quyết định gia nhập lực lượng đặc nhiệm Seal nổi tiếng của Mỹ sau khi có thành tích học rất xuất sắc ở bậc đại học. Bé nhỏ và bị cận nhưng Snowden vẫn luôn bám đuổi các bài tập tới cùng, cho tới khi tai nạn đã cướp đi khả năng di chuyển linh hoạt của anh và buộc anh phải rời khỏi Seal.

Không an phận, Snowden quyết định gia nhập lực lượng tình báo phản gián và trong một bài toán "gỡ rối" về lập trình tối thiểu đòi hỏi người ta phải bỏ ra 48 tiếng để hoàn thành thì anh chỉ mất có 28 phút để xử lý vấn đề. Tài năng của Snowden lập tức được trọng dụng và đó cũng là lúc anh bắt đầu được tiếp cận những sứ mệnh tuyệt mật của tình báo Mỹ. Trong quá trình công tác, dần Snowden nhận ra những gì anh đang làm không phải là những gì mà chính phủ đang hứa hẹn với người dân, ngược lại, họ đang giám sát bất hợp pháp mọi người vào mọi lúc và mọi nơi.

Lúc này Snowden bị giằng xé giữa hai lựa chọn: Trung thành với tổ chức hoặc trung thành với lý tưởng của mình. Nhưng sau khi phân tích, anh nhận thấy ngay cả sếp của anh ở NSA và CIA đều đang "nói dối" và "phản bội" những gì họ đã tuyên thệ với nước Mỹ, nên anh đã có lựa chọn riêng của mình: Trung thành với những gì mà anh đã tuyên thệ với nhân dân Mỹ!

Mỗi nhân viên tình báo Mỹ đều phải trải qua các cuộc kiểm tra trắc nghiệm về nói dối

Chấp nhận đánh đổi giữa nói ra sự thật và những gì đang có

Khi quyết định công bố sự thật về việc các cơ quan tình báo Mỹ đang nghe lén người dân mọi nơi mọi lúc, đang đọc mọi email/đoạn chat mà bạn gửi... cũng là lúc Snowden chấp nhận anh sẽ đánh mất tất cả những gì đang có: Một cô bạn gái luôn dành thời gian cho anh, một tổ ấm bình yên trong tương lai và nhất là sự "tự do" của anh. Vậy điều gì đã thôi thúc cựu điệp viên này phải lựa chọn một bước ngoặt khắc nghiệt như vậy?

Hằng ngày, chúng ta thường thản nhiên vui đùa trong căn phòng của mình với những khoảng thời gian riêng tư dành cho con cái, bạn đời hoặc người thân... quên mất đi sự hiện diện của một loạt đồ công nghệ bên cạnh như smartphone/tablet/laptop/TV... Điều đáng sợ là trong lúc ấy, các thiết bị tưởng chừng vô hại vì đã "tắt máy" ấy vẫn tiếp tục âm thầm theo dõi và ghi lại mọi hoạt động của bạn.

Snowden bị ám ảnh bởi sự theo dõi vi phạm trắng trợn quyền riêng tư này, bởi anh biết rõ hơn ai hết những thiết bị này đang được kích hoạt ngầm; trong lúc bạn đang vui đùa riêng tư trong căn phòng kia, thì ở một nơi xa lạ có bao nhiêu cặp mắt đang theo dõi bạn không hẳn vì công việc... Chính lúc đó, lòng tự trọng và lương tri của Snowden đã buộc anh phải chấp nhận buông bỏ hết những gì đang có, tháo chạy khỏi bộ máy tàn khốc kia để công bố sự thật.

Bạn sẽ phải từ bỏ gia đình, từ bỏ người con gái đang yêu và cả tương lai bình yên phía trước để nói ra sự thật

Loại bỏ chủ nghĩa anh hùng cá nhân để tập trung vào câu chuyện đang kể

Là một điệp viên được NSA và các cơ quan tình báo sừng sỏ khác của Mỹ đào tạo, giao cho nhiều trọng trách cũng như nhiệm vụ liên quan đến giám sát người dùng và truyền thông, nên Snowden hiểu hơn ai hết về cách mà các thế lực chính trị dập tắt các vụ scandal truyền thông, một trong số đó là chiêu "nhắm vào công kích/khen ngợi cá nhân".

Snowden lường trước điều này và đã dặn kỹ các nhà báo thân cận của anh là hãy làm sao để lan tỏa thông tin một cách trung thực và nhanh chóng đến độc giả/người dân nhất, tránh để anh trở thành trung tâm của các cuộc thảo luận vì khi đó người ta sẽ nhanh chóng quên mất "câu chuyện" mà anh đang kể. Đó cũng là đặc trưng của mạng xã hội, những câu chuyện/sự kiện/tranh cãi mới sẽ sớm nhấn chìm những tranh cãi hiện tại...

Edward Snowden cùng chiếc máy tính "bất khả xâm phạm" của mình

Tuy nhiên, như chúng ta thấy, dù Snowden đã lường trước và cố gắng tập trung sự chú ý của độc giả vào những sự thật mà anh phơi bày, nhưng các phương tiện truyền thông vẫn có xu hướng tập trung vào khai thác đời tư của chàng cựu điệp viên này, khiến câu chuyện mà anh phơi bày không thực sự được coi trọng đúng mức.

Cái giá của thời đại công nghệ

Những năm gần đây hàng loạt vụ scandal cho thấy bộ mặt thật của một số thế lực chính trị Mỹ đang thao túng thế giới như thế nào, từ những tài liệu rò rỉ từ Wikileaks cho tới những công bố "động trời" của Snowden, lúc đó người ta mới giật mình với những cái giá phải trả cho "công nghệ" và "tự do". Chúng ta "tự do" với các thiết bị mà mình sở hữu, mà không biết chính chúng ta đang tự trói buộc và chi tiền ra để mua các thiết bị đang được dùng để theo dõi chính chúng ta.

Dù Snowden hay Julian Assange (cha đẻ của Wikileaks) đều chưa thực sự thành công trong việc khiến các hệ thống nghe lén người dân của Mỹ phải sụp đổ, nhưng ít nhiều nhờ sự hy sinh và đánh đổi tự do của họ chúng ta mới biết thêm những sự thật đen tối phía sau bức tường "pháp lý" hào nhoáng của giới chính trị gia nước Mỹ đang thao túng.

Cuối phim, bạn có dịp gặp nhân vật thật ngoài đời - cựu điệp viên Snowden, anh tỏ ra trầm ngâm khi được hỏi về việc được gì/mất gì? Snowden chậm rãi đáp lại: "Tôi không muốn nổi tiếng, tôi cũng không muốn người ta nói đến tôi quá nhiều. Tôi chỉ muốn các bạn góp phần giúp tôi công bố sự thật về những gì mà họ (NSA/Mỹ) đang làm đến mọi người trên khắp thế giới. Tôi dành cho họ lựa chọn, cho họ phán xét đúng/sai của những gì mà tôi đã kể".

Snowden (2016) không phải là một bộ phim hành động "dễ xem" và hấp dẫn nghẹt thở kiểu bom tấn Hollywood, nó càng không phải thể loại điệp viên "làm màu" kiểu 007, mà là một bộ phim có giá trị nhiều về mặt nhận thức cũng như những hiểu biết của bạn về thế giới quan xung quanh mà mình đang sống, thế giới không biên giới của Internet và vô số liên kết vô hình.

Bên cạnh những chi tiết khắc họa sự cô đơn của Snowden trong cuộc chiến không có hồi kết thì phim cũng chứa một số cảnh gay cấn như pha vượt qua hàng rào bảo vệ của NSA chỉ nhờ vào một con rubik của Snowden hay cảnh anh phải dằn vặt giữa quyết định đánh đổi những gì đang có và nói lên sự thật. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về những gì mà giới tình báo Mỹ đang làm, thì đây là một thể loại phim tiểu sử đáng để xem và để lại nhiều cảm xúc.

Snowden (2016) hiện đã không còn được công chiếu ở các hệ thống rạp nhưng đã có bản DVD trên mạng, bạn đọc có thể mua bản quyền từ các nhà phát hành hoặc thưởng thức qua các kênh phim online.

TM

Chủ đề khác