VnReview
Hà Nội

Tranh cãi trên mạng: Tết đi du lịch có phải là bất hiếu?

Đúng thời điểm giáp Tết này, nhà thơ Trần Đăng Khoa đang gây tranh cãi trên mạng khi viết rằng: "Tết - thay vì về nhà sum họp - lại bỏ quên cha mẹ, kéo nhau đi du lịch là bất hiếu".

Trong một bài đăng trên mạng, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ, "Chơi tết là… đi chơi. Thay cho việc về quê, người ta đi du lịch. Du lịch trong nước, rồi du lịch cả ở nước ngoài. Cái Tết đang bị biến thái. Nó không còn là một niềm vui trọn vẹn. Niềm vui của sự đoàn tụ. Hay nói đúng hơn, nó vừa vui lại vừa buồn. Vui cho lũ trẻ mà buồn cho người già.

(...) Con cháu quây quần là đoàn tụ đại gia đình. Đoàn tụ cả với tổ tiên. Không phải; trong khói hương huyền ảo trên bàn thờ, mà trong vóc dáng gương mặt con cháu. Vì thế, con cháu về là mang theo cả mùa xuân về. Đấy mới là mùa xuân đẹp nhất. Cho nên, không ngoa khi nói rằng, Tết - thay vì về nhà sum họp - lại bỏ quên cha mẹ, kéo nhau đi du lịch là bất hiếu".

Bài viết này đã mở đầu cho những cuộc tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội và được chia làm hai phe. Một phe đồng tình (hoặc đồng ý với một số quan điểm) và phe còn lại thì phản đối quan điểm của nhà thơ đưa ra.

Tết lý tưởng là dịp cùng nhau quây quần sum họp, gói bánh và chia sẻ dăm ba câu chuyện rôm rả trong lúc chuẩn bị đón Tết.

Tết Nguyên Đán truyền thống

Quay lại với cuộc tranh cãi, những ý kiến đồng quan điểm với nhà thơ chia sẻ rằng, việc đóng kín cửa để đi chơi 3 ngày Tết mà không thắp hương khói hay thờ cúng tổ tiên gì thì rất đáng trách vì đã đánh mất truyền thống, lúc ông bà tổ tiên đang "sum họp" sao con cháu lại nỡ bỏ nhà mà vi vu nơi khác trong khi quanh năm đi làm xa rồi.

Nhiều người cho rằng, hiện nay hằng năm chúng ta đã có rất nhiều ngày lễ để đi du lịch như dịp dỗ tổ Hùng Vương và 30/4, dịp du lịch hè của các công ty, ngày quốc khánh 2/9 và dịp Tết dương lịch. Do vậy, Tết Nguyên Đán nên về với bố mẹ và hương khói cho ông bà tổ tiên, là dịp sum họp mọi người trong gia đình và là nghĩa vụ làm tròn chữ hiếu với cha mẹ.

Cũng có quan điểm cởi mở hơn chia sẻ, mọi người có thể đi du lịch sau khi dành những ngày Tết đặc biệt như 30 và mùng Một Tết cho gia đình và người thân, tổ tiên; đó là những ngày không nên bỏ lỡ, khi mà chúng ta đã "bỏ lỡ" cả năm rồi. Sẽ rất đáng trách nếu bạn đã xa nhà biền biệt cả năm và dịp Tết cũng bỏ mặc bố mẹ để đi "du xuân" một mình... Tuy nhiên, không phải ai du lịch dịp Tết cũng "bỏ mặc" cha mẹ của họ nên điều này mở ra sự tranh cãi gay gắt cho phe còn lại mà chúng tôi đề cập ở phần dưới đây.

Và Tết Nguyên Đán thời hiện đại...

Nhu cầu khám phá của con người ngày càng lớn, kết hợp với thu nhập của người dân ngày càng tốt lên thì việc giao lưu đi lại giữa các vùng đất địa lý ngày càng phổ biến. Không chỉ Tết mà hiện nay nhiều gia đình ở thành phố đã bắt đầu có thói quen tổ chức các chuyến du lịch ngắn ngày thường niên cho gia đình mình, để nghỉ ngơi và mở mang tầm mắt. Tết là dịp đoàn viên sum vầy, nhưng có nhiều cách để sum họp chứ không nhất thiết phải ở nhà làm mâm cỗ rồi uống với nhau vài ba lý rượu chúc tụng...

Nhưng Tết cũng là dịp cả gia đình cần được nghỉ ngơi sau một năm vất vả làm lụng

Cho nên, nhiều người phản đối việc "áp đặt" và thậm chí là buộc tội họ "bất hiếu" khi đi du lịch Tết của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Họ cho rằng có lẽ nhà thơ đã già rồi, chỉ nghĩ tới những người quanh năm đi làm xa quê ít có dịp về thăm nhà chứ chưa nghĩ tới (và cảm thông) tới những gia đình có điều kiện ở cùng nhau, sum họp quanh năm. Bên cạnh đó, việc báo hiếu là cả một quá trình biết ơn và đền đáp của chứ không chỉ dành cho ba ngày Tết hay chỉ dựa trên lễ nghi.

Có ý kiến phản đối cho rằng, tư tưởng mãi mãi cây đa bến nước sân đình dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn, mới đi khỏi làng mấy chục cây số đã nước mắt ngắn dài than bài "kiếp tha hương" sẽ cản trở sự tiếp nhận cái mới và mở mang tầm nhìn rất nhiều. Tuy nhiên, người đưa ra ý kiến này mới chỉ biết mỉa mai "cái sự nhớ quê" chứ chưa thấm thía hết tâm tư của những người xa quê.

Nhưng nếu bỏ qua ý kiến chủ quan đó, liệu bạn có thể "cản" được ý nguyện đi du lịch khi bản thân các bậc "cha mẹ" khi họ cũng muốn tham gia trong dịp Tết. Đơn cử là những người đã ở cùng nhau quanh năm việc du lịch dịp Tết cũng là điều nên hiểu cho họ, khi đó Tết là dịp cả gia đình có thể muốn "đổi gió" chứ không thể bảo họ tiếp tục ở đó "sum họp" tiếp qua cả mấy ngày Tết được, nhất là khi con cái cũng muốn bậc cha mẹ của họ được thảnh thơi, không phải lúi húi lo việc bếp núc trong dịp Tết.

Điều khó ở đây nằm ở việc dung hòa quan điểm và giá trị sống, khi mà "người trẻ sống bằng tương lai và người già sống bằng quá khứ", thì việc duy trì và dung hòa được nó là điều không dễ và khó có thể thỏa đáng qua một góc nhìn chủ quan của bất cứ ai.

Không nên ác cảm với phong trào du lịch ngày Tết

Mỗi gia đình nên có những ngày Tết bên nhau

Về mặt tín ngưỡng và văn hóa, Tết là ngày gia đình đoàn tụ, dịp nhớ tới ông bà tổ tiên và các bậc sinh thành, bỏ qua những thất bại và cùng cầu chúc cho một năm mới an lành hạnh phúc. Về mặt tự nhiên, Tết là đại diện cho mùa xuân, khai hoa nở nụ, tiếp thêm những sinh lực mới trong đó có cả sự góp mặt của tự nhiên và không khí đoàn kết sum tụ của gia đình họ tộc. Có thể nói, ngày Tết rất quan trọng và mang ý nghĩa ấm áp, sum họp... đó cũng là cái nôi của sự phát triển bền vững của từng cá thể và xã hội nói chung.

Tuy nhiên, với nhiều người lễ Tết hiện nay cũng đang dần trở thành nỗi mệt mỏi với cảnh chen chúc mua vé tàu xe về quê, lo lắng những lễ nghi có phần "thái quá". Chưa kể dịp lễ Tết cũng có nhiều bất cập khi mà tệ nạn rượu chè / bài bạc, tai nạn giao thông... khiến cho cái Tết vui vẻ bỗng chốc biến thành nỗi buồn.

Không chỉ Tết, mà ngay cả những bữa ăn hằng ngày của gia đình cũng đang dần bị sự tất tả hối cả của cuộc sống làm thay đổi. Dù là ở nông thôn hay thành phố, các bữa ăn giờ thiếu con cái dần trở thành điều bình thường, khi bọn trẻ bận ăn cơm sớm để đi học đi làm hay ở xa gia đình trong khi bố mẹ chúng cũng tất tả với công việc hay có thời gian biểu riêng.

Ai cũng mong có một cái Tết của sum vầy...

Dù không ai mong muốn nhưng dần chúng ta phải chấp nhận quy luật của tự nhiên, quy luật của "chọn lọc và thích nghi", tôn trọng các quan điểm đa chiều và phải hiểu rằng bản thân Tết cũng chỉ là một sự quy ước tượng trưng về mặt văn hóa truyền thống và có thể thay đổi, không nên duy trì sự cố chấp nào đó mà nên có sự hài hòa và biến Tết thành dịp sum họp đúng nghĩa, chứ không phải là dịp để kết tội hay áp đặt các quan điểm của mình, nhất là dùng những từ như "biến thái" hay "bất hiếu" để áp đặt cho những người khác quan điểm với mình là không nên chút nào.

Là người của thế hệ 8x nhưng tôi vẫn hy vọng rằng chúng ta sẽ có những ngày Tết sum vầy bên người thân, dù đó có thể là những ngày Tết cùng nhau đi du lịch hay sum họp ngay tại gia đình, những ngày thực sự bên nhau sau những ngày hối hả của cuộc sống, cùng nhau chia sẻ những gì đã qua và chúc phúc cho những ngày sắp tới của năm mới…

TM

Chủ đề khác