VnReview
Hà Nội

Đà Nẵng “cấm”, GrabCar vẫn chạy

Dù Đà Nẵng có văn bản trả lời việc không đồng ý thí điểm triển khai ứng dụng GrabCar, Ban An toàn giao thông TP cũng có văn bản yêu cầu ngăn chặn hoạt động của GrabCar tuy nhiên đến nay loại hình này vẫn hoạt động bình thường.

Cẩm nang cho chủ xe GrabCar và chương trình khuyến mãi được Văn phòng Grab Đà Nẵng giới thiệu.

Ngày 6/3, tại Đà Nẵng dù có văn bản ngăn chặn, tuy nhiên việc truy cập ứng dụng Grab để đặt xe vẫn chạy bình thường.; Trên ứng dụng của Grab vẫn hiện thị dày đặc các xe gần nhất so với vị trí mà khách đặt chỗ. Trên trang Facebook có tên "Hiệp hội các tài xế GrabCar Đà Nẵng", các lái xe cho biết vẫn hoạt động bình thường và khách vẫn tăng. Thậm chí trang này còn đưa ra thông tin sẽ kiện chính quyền TP Đà Nẵng.

Tại Đà Nẵng, Grab có văn phòng làm việc tại số 86 Phạm Văn Nghị được lập gần 2 năm nay. Sáng 6/3, có mặt tại Văn phòng Grab Đà Nẵng, phóng viên ghi nhận rất đông người dân mang hồ sơ, giấy tờ đến để đăng ký dịch vụ taxi. Hai tấm pano quảng cáo dịch vụ GrabCar được dựng ngay hai bên lối vào. Với lời quảng cáo in to, rất ấn tượng: "Thu nhập 25 triệu/tháng từ xe nhà". Cũng trên tấm pano này, văn phòng Grab Đà Nẵng giới thiệu tư vấn về GrabCar từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần.

Bên trong, tại bàn tư vấn có "Cẩm nang A - Z cho chủ xe GrabCar". Theo chỉ dẫn của cuốn cẩm nang này, chỉ cần 2 bước, tham gia hợp tác xã và tham gia Grab, chủ xe có thể tham gia GrabCar. Quy trình tiếp nhận hồ sơ cũng khá đơn giản, khách sau khi dự hội thảo, chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ cho Grab, tài xế xe sẽ được đào tạo và sẽ được tham gia Grab ngay sau khi nộp 500 ngàn đồng tiền hoạt động.

Văn phòng đại diện của Grab đã được Sở Kế hoạch đầu tư Đà Nẵng cấp giấy phép. Theo nhân viên ở đây, tại Đà Nẵng Grab vẫn hoạt động bình thường bởi văn bản của Đà Nẵng không nêu cụ thể dừng hoặc cấm.

Đại diện phòng Marketing của Văn phòng đại diện Grab Đà Nẵng phủ nhận thông tin Grab kiện chính quyền Đà  Nẵng. Vị này cho biết: Grab Việt Nam chỉ muốn đối thoại với chính quyền Đà Nẵng để tìm tiếng nói chung. Việc GrabCar quảng cáo là hoàn toàn bình thường vì luật không cấm.

Ngăn chặn ứng dụng có phạm luật?

Trước tình trạng loại hình vận tải hành khách bằng ô tô dùng ứng dụng phần mềm Grab và Uber hoạt động trên địa bàn thành phố, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng, Phó trưởng Ban ATGT TP Đà Nẵng vừa có công văn gửi các ngành chức năng yêu cầu triển khai các biện pháp ngăn chặn loại hình này. Trong đó, có đề nghị Sở TT - TT, Công an TP Đà Nẵng cùng các cơ quan chức năng thực hiện ngăn chặn việc truy cập phần mềm ứng dụng GrabCar, điều tra, làm rõ hình thức hoạt động của GrabCar và Uber trên địa bàn…

Trao đổi với Tiền Phong qua điện thoại, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng cho biết: Sở TT-TT sẽ tham mưu cho UBND TP xử lý việc này. Vì liên quan đến mặt kỹ thuật và công nghệ cũng như pháp lý, Sở sẽ cân nhắc kỹ trước khi đề xuất ngăn chặn theo đề nghị từ ban ATGT thành phố.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, một luật sư tại Đà Nẵng (giấu tên) cho biết: Hiện nay, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp không có quy định cấm việc sử dụng công nghệ cho hoạt động giao dịch hợp đồng vận tải. Do đó, về cơ bản là không thể đưa ra một lệnh cấm mà không dựa trên cơ sở pháp luật nào. Về các hình thức, luật hiện hành cũng không quy định điều kiện giấy phép trong việc ứng dụng thiết bị điện tử, cho nên nói chưa cấp phép là không đúng. Về việc Ban ATGT  yêu cầu chỉ đạo các nhà mạng ngăn chặn phần mềm, vị này cho rằng: chưa có luật nào cho phép làm việc này cả. Nếu có xe kinh doanh nhưng chưa đăng ký kinh doanh vận tải thì mới được phạt. Nếu có đăng ký kinh doanh vận tải mà cấm truy cập, sử dụng phần mềm... là không đúng.

Theo Tiền Phong

Chủ đề khác