VnReview
Hà Nội

Vì sao Train to Busan đã khiến cho Walking Dead "trở nên nhạt nhẽo"?

Có thể bạn sẽ cho rằng so sánh giữa hai phim về zombie The Walking Dead (Mỹ) và Train To Busan (Hàn Quốc) là khập khiễng do một bên là phim truyền hình, một bên là phim điện ảnh. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, Stephen King - một trong những tiểu thuyết gia mảng kinh dị nổi tiếng - có lý khi nhận xét Train To Busan khiến cho The Walking Dead trở nên nhạt nhẽo.

Stephen King nhận xét về Train To Busan trên Twitter bằng cách so sánh trực tiếp với series phim truyền hình Mỹ ăn khách The Walking Dead.

Một cảnh trong bộ phim điện ảnh Train To Busan.

Nếu đã từng có dịp theo dõi series truyền hình dài tập về xác sống (zombie) nổi tiếng The Walking Dead (TWD) của đạo diễn Greg Nicotero, được dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Robert Kirkman, thì hẳn bạn bị ám ảnh rất nhiều với những thây ma xác sống luôn rình rập đội mồ sống dậy và cắn xé bạn bất cứ lúc nào có thể, biến bạn thành một zombie vô thức. Đó cũng là lý do tại sao đã ra tới mùa thứ 7, The Walking Dead vẫn làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ.

Không chỉ tới series TWD người ta mới biết tới zombie, nhưng nhờ bộ phim truyền hình đắt khách này mà thuật ngữ "zombie" mới trở nên phổ biến, người ta bắt đầu "khoái" xem và bàn luận về zombie thay vì chỉ biết ghê sợ hay coi đó là một thể loại kinh dị đơn thuần. Giờ đây, người ta xếp TWD vào thể loại lai tạp giữa kinh dị, giật gân và tâm lý.

Trong khi đó, Train To Busan là một bộ phim điện ảnh châu Á - nơi ít khi giành các giải thưởng cũng như thu hút được sự chú ý ở các cuộc đua tranh lớn như Oscar, CAN hay Berlin. Tuy nhiên, nó là một minh chứng cho thấy nền điện ảnh của châu lục này vẫn tiềm ẩn những viên ngọc thô đáng được ca tụng và ứng cử.

Train to Busan là một bộ phim về zombie hiếm hoi của nền điện ảnh Hàn Quốc lẫn châu Á. Nếu định lượng về sự thành công của bộ phim này thì con số doanh thu trên 100 triệu USD từ các phòng vé của các nước châu Á như Malaysia, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và tất nhiên có cả Việt Nam là một minh chứng.

Ngoài ra, nó còn nhận được lời ca ngợi đáng giá từ nhà văn chuyên viết về đề tài kinh dị Stephen King khi ông cho rằng Train To Busan làm cho bộ phim truyền hinh đang làm mưa làm gió ở Mỹ The Walking Dead trở nên nhạt nhẽo. Lý do là bởi mặc dù là phim zombie kinh dị nhưng Train To Busan là về con người.

Một bộ phim không chỉ về zombie

Điều gì đã tạo nên cơn sốt và sự khác biệt của Train to Busan với các bộ phim zombie còn lại?; Đề tài zombie thường được các nhà làm phim khai thác theo lối mòn "virus sinh ra lây nhiếm khiến con người trở thành những cái xác sống (zombie), các zombie này thèm khát ăn thịt sống và quay sang tấn công/cắn xé con người, con người chỉ còn cách bắn nát đầu chúng và bỏ chạy.

Khác với lối mòn đó, vốn có cả trong series TWD, bộ phim Train To Busan của đạo diễn Sang-ho Yeon không hẳn chỉ là một bộ phim zombie mà là một bộ phim đi sâu vào khai thác bản chất và diễn biến tâm lý của con người.

Train to Busan được công chiếu vào cuối năm 2016, lấy bối cảnh Hàn Quốc bị một loại virus bí ẩn tấn công, biến con người thành những xác sống hung hăng và khát máu. Cùng lúc ấy, một người cha cùng đứa con gái, một cặp vợ chồng chuẩn bị đón đứa con đầu lòng và một số học sinh cấp 3 cũng có mặt trên chuyến tàu đi từ Seoul tới Busan mà không biết điều gì đang diễn ra ở thế giới bên ngoài con tàu. Rồi đại dịch xác sống bùng phát và lan sang cả con tàu, họ không còn cách nào khác là phải tháo chạy và đương đầu với nó để bảo vệ người thân của mình. Hành trình 453 km từ Seoul tới "vùng an toàn" Busan bỗng trở thành cuộc chiến khốc liệt để sinh tồn, phía trước ngày càng trở nên mù mịt.

Không phải phim Train to Busan không có sạn, nhưng những hạt sạn của phim ít nhiều không ảnh hưởng quá nhiều tới mạch phim và ý tưởng mà đạo diễn muốn đưa vào. Không kéo dài lê thê để giữ khán giả lại với hành trình chém giết và bỏ chạy với zombie như series TWD, cách tiếp cận của nhà biên kịch kiêm đạo diễn Sang-ho Yeon của bộ phim khiến nhà văn kinh dị/ giả tưởng nổi tiếng của Mỹ là Stephen King phải thốt lên rằng, Train to Busan đã khiến series The Walking Dead trở nên "nhạt nhẽo"!

Không phải tự nhiên nhà văn kinh dị Mỹ lại nhận định như vậy, bởi Train to Busan sẽ đặt ra cho bạn nhiều câu hỏi không dễ có thể trả lời ngay: Liệu bạn sẽ làm gì khi đối diện với những nguy hiểm khó lường như đại dịch zombie trong phim? Nếu nó xảy ra bạn sẽ chăm sóc ai đầu tiên? Người thân, bạn bè, bản thân bạn hay một người lạ vừa mới quen?! Nhất là khi bạn chỉ có thể lựa chọn để bảo vệ một người duy nhất trong tích tắc...

Các đáp án dành cho những câu hỏi này sẽ ít nhiều phản ánh về con người và cả xã hội thu nhỏ trên con tàu. Khi nó thực sự xảy ra, bạn chỉ có thể bị sốc bởi phản ứng bản năng tức thì của chính bạn, khi phải đối diện với nỗi sợ của chính bạn khi tai họa ập tới. Chẳng lẽ chúng ta chỉ có thể nhận ra bản chất của chính mình và người khác khi rơi vào những thảm họa cùng cực như thế? Đó cũng là câu hỏi cho bạn, cho tôi và cho những người xem bộ phim Train to Busan phải khắc khoải...

Phim đã ngừng chiếu rạp vào cuối năm ngoái và bạn có thể tìm xem qua các kênh xem phim online trong và ngoài nước. Đây là bộ phim dài gần 2 tiếng đồng hồ, thuộc thể loại kinh dị, hành động kiêm tâm lý có nhiều cảnh khá shock, nên ít nhiều cần chú ý hạn chế cho trẻ nhỏ dưới 10 tuổi xem cùng.

Trailer chính thức của bộ phim Train to Busan

TM

Chủ đề khác