VnReview
Hà Nội

Truy thu hơn 21.556 tỷ đồng từ công tác chống buôn lậu

Năm 2016, cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 223.262 vụ việc vi phạm (tăng 8,23% so với năm 2015), thu nộp ngân sách nhà nước trên 21.556 tỷ đồng (tăng 59,23% so với năm 2015).

Tình hình buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu diễn biến phức tạp

Tại buổi họp báo đánh giá kết quả hoạt động năm 2016 diễn ra chiều 17/3, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia nhận định, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu liên tục dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi cách thức hoạt động để thực hiện các hành vi phạm pháp.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, phát biểu tại buổi họp báo

Trên các vùng biển Đông Bắc, Miền Trung và Tây Nam vẫn còn nổi lên các hoạt động buôn lậu than, xăng, dầu, thuốc lá điếu... Tại các cửa khẩu cảng hàng không, sân bay quốc tế nổi lên là hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, sản phẩm của động vật hoang dã và các loại hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Trong nội địa, vi phạm về niêm yết giá bán hàng, sản xuất, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xảy ra. Tình trạng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ trái phép các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm, vật tư nông nghiệp không đảm bảo, sử dụng chất cấm trong chế biến, bảo quản và trong chăn nuôi… tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

Lực lượng chức năng đang tiến hành bắt giữ các đối tượng buôn lậu tại biên giới

Dù vậy, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 223.262 vụ việc vi phạm (tăng 8,23% so với năm 2015); số thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt trên 21.556 tỷ đồng (tăng 59,23% so với năm 2015); khởi tố 1.560 vụ đối với 1.863 đối tượng.

"Kết quả này đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Riêng 2 tháng đầu năm 2017 (dịp Tết Nguyên đán), các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 27.327 vụ vi phạm, trong đó đã khởi tố 304 vụ với 389 đối tượng liên quan", ông Thế nói.

Dược phẩm, rượu, thuốc lá, phân bón là trọng điểm chống buôn lậu

Cùng quan điểm với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, cũng cho rằng tình hình buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu có diễn biến khá phức tạp trong năm 2016. Các đối tượng buôn lậu chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng có mức thuế nhập khẩu cao chuẩn bị áp dụng hạn ngạch như rượu, bia, thuốc lá, các mặt hàng tiêu dùng được tiêu thụ nhiều như bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm, hàng may mặc.

Các đối tượng vi phạm mua các loại hàng hóa, nguyên liệu, bán thành phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bao bì, nhãn mác, giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng, sau đó đóng gói thủ công hoặc sử dụng các dây chuyền máy móc để gia công, dán nhãn và cung cấp ra thị trường,

Về tình hình gian lận thương mại, vi phạm trong kinh doanh, hoạt động bán hàng đa cấp vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng bán hàng đa cấp đã sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau như đưa ra nhiều loại nick ảo để lôi kéo nhiều đối tượng tham gia bán hàng đa cấp trái phép, trá hình dưới nhiều hình thức khác nhau gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.

"Dù vậy, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã vượt qua nhiều khó khăn về biên chế, kinh phí và trang thiết bị để kịp thời xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch để kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường",ông Nguyễn Thanh Bình nhận định.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương.

Cũng theo ông Bình, năm 2016, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 167.101 vụ, phát hiện xử lý 104.807 vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách nhà nước đạt 548,9 tỷ đồng. tăng 89,1 tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2015. Giá trị hàng nghiệm thu đạt 380,9 tỷ đồng, ước trị giá hàng tiêu hủy 162,5 tỷ đồng. Một số chi cục quản lý thị trường đạt hiệu quả cao về thu nộp ngân sách nhà nước như TP HCM, Hà Nội, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Đà Nẵng. Một số mặt hàng bị thu giữ với số lượng lớn như hơn 1,4 triệu bao thuốc lá ngoại, hơn 54 ngàn chai rượu ngoại, hơn 108 ngàn chai phân bón, trên 1,3 triệu sản phẩm mỹ phẩm, hơn 420 ngàn đồ chơi trẻ em, trên 6 triệu mét vải, quần áo các loại, trên 360 ngàn sản phẩm đồ điện tử.

Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, các mặt hàng trọng điểm trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc lá, rượu, phân bón, và sắp tới sẽ có thêm mặt hàng xăng dầu. "Mặt hàng điện tử hiện khá rộng và mang tính dàn trải với nhiều sản phẩm như tivi, máy tính, điện thoại di động. Các mặt hàng điện tử chưa được phân tích đánh giá chung và hiển mới chỉ được nhận diện chứ chưa phải mặt hàng trọng điểm. Với những mặt hàng mang tính dàn trải, phổ biến thì Ban chỉ đạo 389 quốc gia vẫn theo kế hoạch chung tức là phải nắm chắc tình hình, điều tra cơ bản, xác định tuyến, địa bàn, đối tượng để các lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch triển khai đấu tranh", ông Thế cho hay.

Chống buôn lậu phải được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ như trên, nhưng ông Đàm Thanh Thế cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chưa tương xứng với thực tế. Đáng chú ý, tình trạng buôn lậu thuốc lá, xăng dầu, vấn đề gian lận thương mại, hàng kém chất lượng vẫn được bày bán công khai, gây nhức nhối trong dư luận.

Ngoài những nguyên nhân khách quan như địa bàn phức tạp, chồng chéo trong hệ thống văn bản quy định… sự hạn chế của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan.

"Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quyết liệt, có lúc, có nơi thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc… Đáng chú ý một bộ phận cán bộ chiến sỹ thừa hành công vụ thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu rèn luyện phẩm chất đạo đức dẫn đến tha hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả", ông Đàm Thanh Thế chỉ rõ.

Quang cảnh buổi họp báo diễn ra chiều 17/3

Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, năm 2017, Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả nghị quyết 41/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời triển khai các kế hoạch đấu tranh đối với các mặt hàng trọng điểm như thuốc lá, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…;

Mặt khác, cần kiên quyết xác định, xử lý trách nhiệm cụ thể đối với từng cán bộ công chức, sỹ quan quản lý, phụ trách địa bàn, lĩnh vực và người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. 

Đồng thời, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng yêu cầu các địa phương, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, khuyến khích, động viên tập thể, cá nhân lực lượng chức năng đặc biệt là quần chúng nhân dân trong phát hiện, bắt giữ, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

G.L

Chủ đề khác