VnReview
Hà Nội

Các chứng nhận sản phẩm hữu cơ tiêu biểu

Gần đây, khái niệm sản phẩm hữu cơ (organic) được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, nhưng không nhiều người hiểu rõ thế nào là sản phẩm hữu cơ, một sản phẩm muốn được công nhận là hữu cơ thì cần phải có những điều kiện gì, có những cơ quan nào cấp chứng nhận hữu cơ...? VnReview tra cứu và tìm hiểu, đăng tải loạt bài về Sản phẩm hữu cơ nhằm cung cấp thông tin đầy đủ nhất tới bạn đọc.

Các tổ chức cấp chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ

Hiện nay trên thế giới và cả ở Việt Nam đều có các tổ chức đứng ra xây dựng các bộ tiêu chuẩn và quy trình chứng nhận để cung cấp các chứng nhận hữu cơ cho các đơn vị sản xuất sản phẩm hữu cơ. Mỗi tổ chức sẽ có một logo chứng nhận hữu cơ mà sản phẩm nào đạt được các tiêu chuẩn họ đề ra thì sẽ được gắn logo của tổ chức đó lên sản phẩm. Người tiêu dùng căn cứ vào các logo chứng nhận hữu cơ để nhận biết một sản phẩm có phải là sản phẩm hữu cơ không và sản phẩm được chứng nhận hữu cơ bởi tổ chức nào.

Khái niệm "sản phẩm hữu cơ" rất rộng, bao gồm tất cả các sản phẩm được sản xuất, chế biến từ các nguyên liệu nông nghiệp hữu cơ được canh tác, nuôi trồng theo một quy trình hữu cơ. Sản phẩm hữu cơ có thể chia thành các nhánh con như: sản phẩm hữu cơ dành cho trẻ em, thực phẩm hữu cơ, hàng tiêu dùng hữu cơ, mỹ phẩm hữu cơ, rượu hữu cơ... Việc đánh giá một sản phẩm hữu cơ phải dựa trên việc xem xét toàn bộ một hệ thống;gồm các tổ chức và con người tham gia vào quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ hoặc đang sử dụng sản phẩm hữu cơ để đảm bảo cho chất lượng hữu cơ của sản phẩm. 

Các nguyên liệu nông nghiệp hữu cơ được canh tác hữu cơ: Sử dụng hạt giống, con giống có nguồn gen tự nhiên, canh tác trên đất được tăng độ phì nhiêu bằng các biện pháp như luân canh giống cây trồng, trồng các nhóm cây có tác dụng cải tạo đất sau mỗi mùa vụ trồng các nhóm cây khác, sử dụng phân bón nguồn gốc hữu cơ như phân từ gia súc gia cầm, phân xanh, phân trộn, bột xương,…, không sử dụng chất thải của người và phân bón tổng hợp; sử dụng xen canh cây trồng khắc chế dịch hại hoặc khuyến khích sự tồn tại động vật là thiên địch của sâu bệnh dịch hại nhằm loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng thuốc trừ sâu; không sử dụng các chất điều hoà sinh trưởng thực vật, hoóc-môn, chất kháng sinh trong chăn nuôi, cây trồng vật nuôi biến đổi gen.

Việc có các tiêu chuẩn, chứng nhận hữu cơ là nhu cầu của cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Người tiêu dùng muốn tìm kiếm những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường, đảm bảo yếu tố dinh dưỡng và an toàn cho sức khoẻ. Nhà sản xuất đầu tư cho quy trình sản xuất hữu cơ cũng muốn có chứng nhận để được công nhận nỗ lực của họ và cung cấp cho khách hàng dấu hiệu nhận biết một sản phẩm có phải là hữu cơ hay không.

Có rất nhiều tổ chức cung cấp chứng nhận hữu cơ được công nhận ở quy mô quốc tế. Tại mỗi nước cũng có những chứng nhận ở quy mô nội địa mà người tiêu dùng cần tham khảo trước khi mua hàng. Theo tài liệu của trang saffronrouge.com, được trang Organics.vn dịch ra tiếng Việt, thì: Nếu một sản phẩm có 1 trong những chứng nhận hữu cơ (certified organic) thì được coi là sản phẩm hữu cơ. Các sản phẩm tuyên bố là hữu cơ mà KHÔNG có logo chứng nhận hữu cơ trên sản phẩm thì KHÔNG được coi là sản phẩm hữu cơ (organic) trừ phi MỌI thành phần trong sản phẩm (100%) được làm từ các thành phần chứng nhận hữu cơ (làm nó mặc nhiên trở thành hữu cơ).

 Chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, Ủy ban Hữu cơ Quốc gia (USDA) (Mĩ - ban hành năm 2005): chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt nhất bởi vì đây là tiêu chuẩn thực phẩm thực sự. Cơ quan này yêu cầu sản phẩm chứa 95% thành phần hữu cơ mới được sử dụng logo của họ. Ngoài ra, cơ quan này cũng không cho phép sử dụng chất bảo quản tổng hợp và hầu hết các thành phần hóa học khi chế biến.

 QAI – Quality Assurance International (Mỹ): Là cơ quan chứng nhận hữu cơ được cấp phép của USDA, được cấp chứng nhận hữu cơ cho các sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn do tổ chức USDA ban hành. Sản phẩm có logo USDA và QAI đều đảm bảo rằng chúng được chứng nhận hữu cơ, phù hợp tiêu chí nghiêm ngặt được đặt ra theo quy định của USDA.

Chứng nhận hữu cơ của chính phủ Úc (ACO): Các sản phẩm được chứng nhận Australian Certified Organic chứa ít nhất 95% thành phần được chứng nhận hữu cơ. 5% thành phần còn lại phải là thành phần thực vật được sản xuất tự nhiên và nếu có chất bảo quản/ phụ gia phải là tự nhiên được cho phép, hoàn toàn không độc hại.

 Chứng nhận BFA (Biological Farmers of Australia) (nay đổi thành Australian Organic)

BFA là tổ chức cung cấp chính và lớn nhất đại diện cho các tổ chức nông nghiệp hữu cơ ở Australia và vùng phía Nam Thái Bình dương. BFA duy trì nhiệm vụ là nhà cải tiến và lãnh đạo việc ban hành các luật lệ hữu cơ.

 NSF (Mĩ - 2009) NSF là một trong những tiêu chuẩn hữu cơ đầu tiên tại Mĩ xuất hiện sau USDA dành cho các nhà sản xuất mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân hữu cơ. NSF yêu cầu các sản phẩm phải chứa ít nhất 70% thành phần (trừ nước) là hữu cơ mới được công bố là "made with organic" (làm từ thành phần hữu cơ). NSF cho phép các nhà sản xuất sử dụng danh mục chất bảo quản và các chất hóa học trong quá trình sản xuất, rộng hơn so với USDA.

 OASIS (Mĩ -2008) Oasis được xây dựng bởi rất nhiều các nhà sản xuất mỹ phẩm và cạnh tranh với tiêu chuẩn NSF. Oasis yêu cầu các sản phẩm phải chứa 85% thành phần nông nghiệp mới được gọi là hữu cơ. Và Oasis lại cho phép sử dụng danh mục các chất bảo quản rộng hơn so với NSF, và danh mục các hóa chất dùng trong sản xuất giống với NSF. Chứng nhận OASIS cũng được sử dụng cho các thực phẩm hữu cơ và hàng tiêu dùng hữu cơ.

 Natrue (EU -2008) Natrue là tiêu chuẩn phi lợi nhuận mới xuất hiện từ Châu Âu bởi các hãng sản xuất mỹ phẩm hữu cơ của Đức, chuyên chứng nhận cho mỹ phẩm hữu cơ. Natrue tạo ra hệ thống tiêu chuẩn 3 sao để phân biệt "mỹ phẩm tự nhiên" với "mỹ phẩm tự nhiên chứa thành phần hữu cơ" và với "mỹ phẩm hữu cơ". Natrue Organic Cosmetics yêu cầu sản phẩm phải chứa 95% các thành phần nông nghiệp nuôi hữu cơ thì được chứng nhận là "Mỹ phẩm hữu cơ". Natrue Natural Cosmtics with Organic Portion yêu cầu sản phẩm phải chứa 70% thành phần từ nông nghiệp nuôi hữu cơ và các thành phần còn lại phải là tự nhiên. Tối đa 5% -15% (tùy thuộc vào dòng sản phẩm) thành phần có thể là các chất tổng hợp nằm trong danh mục cho phép của Natrue. Natrue Natural Cosmetics yêu cầu toàn bộ thành phần phải là tự nhiên nhưng không bắt buộc phải có thành phần là hữu cơ thì được chứng nhận là "Mỹ phẩm tự nhiên".

 Soil Association (Anh -2002) Soil Association yêu cầu tất cả các sản phẩm được chứng nhận của tổ chức này phải thể hiện tỉ lệ hữu cơ trên nhãn sản phẩm. Một sản phẩm được gọi là hữu cơ khi sản phẩm đó phải chứa 95% thành phần hữu cơ. Sản phẩm được ghi là "made with organic X" (làm từ hữu cơ X) phải chứa tối thiểu 70% thành phần hữu cơ. Soil Association không tính thành phần nước trong sản phẩm nhưng nếu nước được dùng để tạo ra 1 thành phần nào đó (chẳng hạn như nước gốc thực vật floral water) thì trọng lượng của nước  so với trọng lượng của loại thực vật được sử dụng sẽ quyết định tỉ lệ hữu cơ . Phương pháp này nhằm ngăn ngừa việc các nhà sản xuất làm tăng tỉ lệ thành phần hữu cơ trong sản phẩm của mình bằng nước gốc thực vật.

 Cosmebio (Pháp - 2002) Cosmebio yêu cầu các sản phẩm phải chứa 95% thành phần từ nông nghiệp mới được công nhận là hữu cơ. 10% tổng trọng lượng của sản phẩm (bao gồm cả nước) phải là hữu cơ. Cho phép nhiều nhất 5% là thành phần tổng hợp. Cosmebio chỉ dành riêng cho các nhà sản xuất của Pháp và được chứng nhận bởi Eco-cert. Chứng nhận của Eco-cert có giái trị đối với các nhà sản xuất trên toàn thế giới.

Organic Food Chain OFC là chứng nhận hữu cơ được công nhận bởi chính phủ Úc, đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất hữu cơ và nông nghiệp sinh học sạch National Standard for Organic and Bio-Dynamic Produce , đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng về sản phẩm hữu cơ của người tiêu dùng. Sản phẩm được dán nhãn Organic hoặc Bio-Dynamic phải đáp ứng tiêu chí: ít nhất 95% các thành phần bên trong là hữu cơ hoặc quy trình sản xuất sinh học sạch và các thành phần còn lại có nguồn gốc từ thực vật theo tiêu chuẩn.

 Bio-Dynamic Research Institute (BDRI) Viện nghiên cứu Sinh học sạch, Úc (1957). Các sản phẩm đáp ứng chính xác Các tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia về Sản xuất Hữu cơ và Nông nghiệp sinh học sạch, trong đó 95% thành phần là hữu cơ, các thành phần còn lại có nguồn gốc từ nông nghiệp sinh học sạch thời đáp ứng các tiêu chuẩn của Australian DEMETER Bio-Dynamic Standard sẽ được dùng dấu chứng nhận danh giá của DEMETER.

 AUS-QUAL được chứng nhận bởi Bộ Nông Nghiệp Úc nhằm kiểm tra việc thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia về Sản xuất hữu cơ và nông nghiệp sinh học sạch, Úc (95% thành phần được chứng nhận hữu cơ, các thành phần còn lại có nguồn gốc từ nông nghiệp sinh học sạch). Khi được chứng nhận này, các sản phẩm sẽ có cơ hội xuất khẩu ra nhiều thị trường trên thế giới. AUS-QUAL kiểm tra và chứng nhận việc tiến hành hữu cơ thay mặt Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ USDA, chương trình hữu cơ quốc gia NOP, mục 205 Quy định số 7 của Chương trình quốc gia.

 PGS Vietnam: Tổ chức chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam, cung cấp chứng nhận cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như: rau hữu cơ, thịt lợn hữu cơ. Vào năm 2004, Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) chấp nhận PGS là một hệ thống đảm bảo có giá trị cho các sản phẩm hữu cơ đặc biệt là cho thị trường nội địa.  IFOAM  sau đó đã lập ra một ban chuyên trách để phát triển phương pháp PGS cụ thể hơn. Với sự hỗ trợ của các thành viên trong ban chuyên trách này, dự án ADDA- VNFU đã giới thiệu ý tưởng PGS tới các nhà sản xuất, thương lái, người tiêu dùng mà dự án đang cùng làm việc cũng như với một số nhà nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ tại địa phương. Các đối tác đã đồng thuận chấp nhận thực hiện hệ thống PGS làm hệ thống đảm bảo cho sản phẩm hữu cơ của họ vào tháng 10/2008.

Các tiêu chuẩn hữu cơ của PGS Vietnam:

1. Nguồn nước được sử dụng trong canh tác hữu cơ phải là nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm (theo quy định trong tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn của TCVN 5942-1995)

2. Khu vực sản xuất hữu cơ phải được cách ly tốt khỏi các nguồn ô nhiễm như các nhà máy, khu sản xuất công nghiệp, khu vực đang xây dựng, các trục đường giao thông chính…

3. Cấm sử dụng tất cả các loại phân bón hóa học trong sản xuất hữu cơ.

4. Cấm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

5. Cấm sử dụng các chất tổng hợp kích thích sinh trưởng.

6. Các thiết bị phun thuốc đã được sử dụng trong canh tác thông thường không được sử dụng trong canh tác hữu cơ

7. Các dụng cụ đã dùng trong canh tác thông thường phải được làm sạch trước khi đưa vào sử dụng trong canh tác hữu cơ.

8. Nông dân phải duy trì việc ghi chép vào sổ tất cả vật tư đầu vào dùng trong canh tác hữu cơ.

9. Không được phép sản xuất song song: Các cây trồng trong ruộng hữu cơ phải khác với các cây được trồng trong ruộng thông thường.

10. Nếu ruộng gần kề có sự dụng các chất bị cấm trong canh tác hữu cơ thì ruộng hữu cơ phải có một vùng đệm để ngăn cản sự xâm nhiễm của các chất hóa học từ ruộng bên cạnh. Cây trồng hữu cơ phải trồng cách vùng đệm ít nhất là một mét (01m).

Nếu sự xâm nhiễm xảy ra qua đường không khí thì cần phải có một loại cây được trồng trong vùng đệm để ngăn chặn bụi phun xâm nhiễm. Loại cây trồng trong vùng đệm phải là loại cây khác với loại cây trồng hữu cơ. Nếu việc xâm nhiễm xảy ra qua đường nước thì cần phải có một bờ đất hoặc rãnh thoát nước để tránh bị xâm nhiễm do nước bẩn tràn qua.

11. Các loại cây trồng ngắn ngày được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ trọn vẹn một vòng đời từ khi làm đất đến khi thu hoạch sau khi thu hoạch có thể được bán như sản phẩm hữu cơ.

12. Các loại cây trồng lâu năm được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ trọn một vòng đời từ khi kết thúc thu vụ trước cho đến khi ra hoa và thu hoạch vụ tiếp theo có thể được bán như sản phẩm hữu cơ.

13. Cấm sử dụng tất cả các vật tư đầu vào có chứa sản phẩm biến đổi gen GMOs.

14. Nên sử dụng hạt giống và các nguyên liệu trồng hữu cơ sẵn có. Nếu không có sẵn, có thể sử dụng các nguyên liệu gieo trồng thông thường nhưng cấm không được xử lý bằng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trước khi gieo trồng.

15. Cấm đốt cành cây và rơm rạ, ngoại trừ phương pháp du canh truyền thống.

16. Cấm sử dụng phân người.

17. Phân động vật lấy vào từ bên ngoài trang trại phải được ủ nóng trước khi dùng trong canh tác hữu cơ.

18. Cấm sử dụng phân ủ được làm từ rác thải đô thị.

19. Nông dân phải có các biện pháp phòng ngừa xói mòn và tình trạng nhiễm mặn đất.

20. Túi và các vật đựng để vận chuyển và cất giữ sản phẩm hữu cơ đều phải mới hoặc được làm sạch. Không được sử dụng các túi và vật đựng các chất bị cấm trong canh tác hữu cơ.

21. Thuốc bảo vệ thực vật bị cấm trong canh tác hữu cơ không được phép sử dụng trong kho cất trữ sản phẩm hữu cơ.

22. Chỉ được phép sử dụng các đầu vào nông dân đã có đăng ký với PGS và được PGS chấp thuận.

Vân Hà

Chủ đề khác