VnReview
Hà Nội

Dubai nuôi “tham vọng” bán nước ngọt từ... băng Nam Cực

Một công ty tại Dubai đang nuôi tham vọng khai thác băng trôi từ Nam Cực và kéo về biển Ả Rập để lấy nước ngọt phục vụ thị trường, giải quyết vấn đề thiếu nước ngọt và thu hút khác du lịch.

Những tảng băng trôi không còn nguyên vẹn là kết quả của hiện tượng Trái Đất dần ấm dần lên, ngược lại với National Advisor Bureau Limited (NABL), một công ty tại Dubai lại coi đó là một nguồn lợi nhuận khổng lồ đang trôi nổi. Công ty tin rằng, các tảng băng trôi này là một trong cách hiệu quả để cải thiện tình trạng thiếu nước ngọt do biến đổi khí hậu ngày càngkhắc nghiệt tại Vùng Vịnh hiện nay.

Theo hãng thông tấn AP, NABL đang lên kế hoạch sẽ kéo các tảng băng trôi nằm cách hơn 9,2 ngàn km ở phía nam Ấn Độ Dương và kéo chúng về Vùng Vịnh. Tại đây, công ty sẽ làm tan chảy khối băng để lấy nước ngọt, phục vụ thị trường và thu hút khách du lịch.

Giám đốc điều hành NABL, ông Abdullah al-Shehi chia sẻ với hãng tin AP cho biết: "Các tảng băng trôi đang xuất hiện trên biển Ấn Độ Dương. Chúng trôi nổi và khá dễ lấy về". Ông dự kiến sẽ bắt đầu "thu hoạch" các tảng băng trôi bắt đầu từ năm 2019.

Bài toán nước ngọt và các "khối nước ngọt" đang trôi nổi ngoài đại dương

Không có gì ngạc nhiên khi ý tưởng "kỳ lạ" này lại xuất phát từ Dubai, một thành phố vốn nổi tiếng với khí hậu nắng nóng quanh năm của vùng Trung Đông, nơi có khu trượt truyết trong nhà khổng lồ, đảo nhân tạo hay một trong những tòa nhà cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, khí hậu khắc nghiệt tại Dubai và nhiều quốc gia thành viên khác trong UAE đang tạo ra nguy cơ thiếu nước ngọt ngày càng trầm trọng. Các nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt là nguồn cung cấp nước chủ yếu tại UAE nhưng so với tốc độ tiêu thụ, tiêu tốn điện năng và công nghệ đắt đỏ là những rào cản dễ nhận thấy.

Theo kế hoạch, NABL sẽ cử các đoàn tàu hộ tống xuống đảo Heard (thuộc lãnh thổ Úc), một khu bảo tồn thiên nhiên nằm ở phía nam Ấn Độ Dương. Tại đó, họ có thể quây các tảng băng khổng lồ, tìm kiếm các điểm thuận lợi để neo giữ. Các công nhân sẽ đảm bảo độ ổn định và chắc chắn bằng các tấm lưới. Sau đó, những khối băng khổng lồ này sẽ phải thực hiện một cuộc hành trình kéo dài tới một năm để trở về Fujairah, một trong 7 tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

NABL tin rằng, do hầu hết khối lượng, chiếm tới 80% thể tích tảng băng khổng lồ ở dưới nước nên chúng sẽ không bị tan trong suốt chuyến hành trình. Theo tính toán, khối lượng băng bị hao hụt khi di chuyển thành công về chỉ khoảng 30%. Al-Shehi cho biết, mỗi tảng băng trôi có thể chứa tới 75 tỷ lít nước ngọt mà không cần phải trải qua các quá trình khử muối phức tạp như hiện nay.

Al-Shehi nhận định đây là một dự án tư nhân khá táo bạo. Ông đang hy vọng sẽ nhận được sự chấp thuận từ phía Chính phủ sau khi công ty hoàn thành các nghiên cứu tiền đề mang tính khả thi. Mặc dù vậy, Al-Shehi từ chối chia sẻ các chi phí ước tính, đồng thời khẳng định công ty vẫn chưa tiến hành các nghiên cứu tác động môi trường.

Rất nhiều thách thức thách thức đang chờ đón

Dù khả dĩ nhưng kế hoạch trên của NABL đang vấp phải các rào cản pháp lý, tài chính cũng như hậu cần.

Thách thức đầu tiên bắt đầu tại Đảo Heard, nơi chính phủ Úc nghiêm cấm chặt chẽ mọi tác động ở đây để bảo vệ hệ sinh thái phong phú gồm các loài chim di cư, hải cẩu, chim cánh cụt. Hơn hết bản thân Nam Cực nói chung đã trở thành một nơi được cộng đồng quốc tế hết sức bảo vệ và cấm mọi hoạt động khai thác, hoạt động quân sự tại đây. Nếu không có sự chấp thuận từ nhiều chính phủ, việc thực hiện gần như là không thể.

Theo Christopher Readinger, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Nam Cực tại Trung Tâm băng quốc gia Mỹ cho biết: "Có hàng ngàn các tảng băng đang trôi dạt xung quanh và chúng thể di chuyển mà không hề được cảnh báo trước. Nếu các cơn bão biển đổ xuống, sẽ thật khó để trợ giúp cho đoàn hộ tống".

Đã có nhiều điển hình thành công

Trước Dubai cũng đã có rất nhiều ý tưởng kéo băng từ các vùng cực để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, ví dụ như một nhà kinh doanh tại Mỹ đã đưa ra ý tưởng kéo băng từ Nam Cực lên Ấn Độ để bán vào những năm giữa thế kỷ 19.

Cho đến nay, Canada là một trong những nước đi tiên phong khai thác băng ở vùng cực một cách hiệu quả. Người khai thác sử dụng súng trường để phá hủy các tảng băng trôi, và bán cho các nhà máy rượu vang, bia hay vodka.

Cần cân nhắc nhiều hơn tới các tác động môi trường trước khi thực hiện

Không đưa ra ý kiến ủng hộ nhưng các nhà môi trường trường đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu tại Trung Đông, đó là áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt, sữa chữa các điểm rò rỉ và có kế hoạch bảo tồn nguồn nước.

Hoda Baraka, người phát ngôn của nhóm khí hậu 350.org cho biết: "Khu vực này là trung tâm của ngành công nghiệp dầu mỏ thế giới và cũng là nơi trải qua các đợt nóng khủng khiếp. Và để tránh điều này, cách tốt nhất nên giảm phát thải và hạn chế tận thu nhiên liệu hóa thạch".

Về phần Charlotte Streck, giám đốc công ty tư vấn Climate Focus tin rằng, sẽ không có tổ chức tư vấn môi trường nào đồng ý tài trợ cho dự án này. Bà tin rằng, dự án này khá "vô ích và tốn kém" để giải quyết các vấn đề liên quan đến nước, đồng thời, dự án cũng chống lại các nỗ lực nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu của các quốc gia trên thế giới hiện nay.

Theo NASA, Nam Cực chứa tới 60% lượng nước ngọt trên thế giới dưới dạng băng đá, tuy vậy lượng băng này đang dần bị mất đi với tốc độ 1,2 ngàn tỷ tấn băng trôi mỗi năm. Biến đổi khí hậu và sự ấm dần lên của Trái Đất là nguyên nhân hàng đầu khiến các tảng băng trôi bị tách ra khỏi các sông băng vĩnh cửu ngày càng nhiều hơn.

Tiến Thanh

Chủ đề khác