VnReview
Hà Nội

Bộ TT&TT bắt đầu đo kiểm chất lượng mạng 4G của Viettel

Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, trong tuần này Cục sẽ thực hiện đo kiểm chất lượng mạng 4G của Viettel. Việc đo kiểm nhằm đánh giá mức độ tuân thủ cam kết của Viettel khi cấp phép băng tần 4G.

Bộ TT&TT bắt đầu đo kiểm chất lượng mạng 4G của Viettel

Theo ông Nguyễn Đức Trung: "Viettel đã sẵn sàng để Bộ TT&TT thực hiện đo kiểm chất lượng 4G của Viettel. Tuần này, Cục Viễn thông sẽ thực hiện đo kiểm chất lượng mạng 4G của Viettel. Việc đo kiểm nhằm đánh giá mức độ tuân thủ cam kết của Viettel khi cấp phép băng tần 4G". Trong khi đó, VinaPhone và MobiFone chưa sẵn sàng cho việc đo kiểm chất lượng 4G theo như cam kết trong hồ sơ xin cấp phép 4G.

Hiện Bộ TT&TT đã cấp phép cung cấp dịch vụ 4G cho 4 nhà mạng là Viettel, MobiFone, VinaPhone và Gtel trên băng tần 1800 MHz.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo Cục Viễn thông có kế hoạch đánh giá chất lượng 4G của các nhà mạng để công bố với khách hàng. Như vậy, các nhà mạng phải bảo đảm chất lượng 4G cung cấp cho người dùng.

"Để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng, Bộ TT&TT đã yêu cầu các nhà mạng cam kết trong giấy phép về lộ trình phủ sóng cũng như chất lượng trong vùng phủ sóng. Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo Cục Viễn thông có kế hoạch đánh giá chất lượng 4G của các nhà mạng để công bố với khách hàng nhằm bảo đảm đúng cam kết đưa ra. Cục Viễn thông sẽ thực hiện đo kiểm định kỳ và đo kiểm đột xuất khi có phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ 4G. Nếu nhà mạng nào vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định 174 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT tiếp tục thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nhà mạng, giúp người tiêu dùng được sử dụng dịch vụ chất lượng tốt nhất", Thứ trưởng Phan Tâm nói.

Mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhấn mạnh đến chỉ đạo của Thủ tướng rằng các nhà mạng phải đảm bảo chất lượng khi cung cấp dịch vụ 4G. "Thủ tướng khuyến cáo nhà mạng đã cung cấp 4G phải là 4G thực… 4G phải đúng là 4G chứ không phải là 3G+", ông Mai Tiến Dũng chuyển lời của Thủ tướng.

Khuyến cáo của Thủ tướng đưa ra trong bối cảnh các tổ chức độc lập của nước ngoài xếp hạng Việt Nam đứng cuối bảng về băng rộng di động. Chưa bàn đến độ chính xác của sự đánh giá này nhưng rõ ràng đây là vấn đề Việt Nam phải giải quyết khi phát triển 4G, tránh theo "vết xe đổ của 3G".

Hồi cuối năm 2016, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, xã hội đang rất kỳ vọng vào tốc độ mạng 4G, do đó các doanh nghiệp viễn thông cần quan tâm đầu tư quy hoạch mạng lưới, đo kiểm để đảm bảo chất lượng thực sự, tốc độ phải cao hơn 3G mới được thương mại hóa. Cần tránh cung cấp vội vàng sau đó gây phản cảm trong xã hội.

Bộ TT&TT đang hoàn tất thủ tục để đấu giá băng tần tần 2.6 GHz cho 4G. Theo đó, các doanh nghiệp trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm.; Theo thông tin từ Bộ TT&TT, yêu cầu tối thiểu tham gia đấu giá phải là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng theo quy định của pháp luật về viễn thông. Trường hợp 2 doanh nghiệp cùng đăng ký tham gia đấu giá nhưng sở hữu chéo giữa 2 doanh nghiệp này trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần kia thì chỉ 1 trong 2 doanh nghiệp được phép tham gia đấu giá. Doanh nghiệp tham gia đấu giá phải đáp ứng các yêu cầu về năng lực tài chính, đầu tư, năng lực kỹ thuật, nghiệp vụ và nguồn nhân lực. Doanh nghiệp căn cứ theo điều kiện và chiến lược kinh doanh, phương án triển khai cung cấp dịch vụ trên nền công nghệ 4G/LTE đề xuất cam kết tổng số eNode B triển khai, công nghệ triển khai, tỷ lệ truy nhập thành công dịch vụ, lớn hơn hoặc bằng 90%...

Thứ trưởng Phan Tâm cũng chỉ đạo Hội đồng trong thời gian tới cần tham vấn các doanh nghiệp viễn thông thuộc diện có giấy phép, đủ điều kiện tham gia đấu giá trên nguyên tắc công khai và minh bạch.

Theo ICTnews

Chủ đề khác