VnReview
Hà Nội

Những người phụ nữ đang phải trả giá cho thế giới kĩ thuật số của chúng ta

Chùm ảnh của phóng viên Anastasia Taylor-Lind sẽ khiến bạn thay đổi cái nhìn về những chiếc smartphone hào nhoáng mà bạn cầm trên tay.

Theo Bloomberg, những người công nhân trong các nhà máy ở khu vực châu Á vẫn còn đang phải sống chung với các chất hóa học đã bị cấm ở Mỹ 25 năm trước.

Dưới đây là một số trong những người phụ nữ của Banolim, một tổ chức hiện tại đang làm việc với những người công nhân đã và đang chế tạo chất bán dẫn ở Hàn Quốc, giúp đỡ họ trong các vụ tố tụng đền bù thiệt hại và nếu cần thiết, phản biện lại các tuyên bố bác bỏ bồi thường từ các công ty. Tổ chức được thành lập với mục đích ủng hộ Hwang Sang-ki, một tài xế taxi đã kiện Samsung sau khi con gái ông và một đồng nghiệp làm việc tại một khu nhà máy của Samsung tử vong vì một loại bệnh bạch cầu ác tính hiếm gặp vào năm 2007.

Banolim đã hỗ trợ các nhà nghiên cứu ghi chép lại các trường hợp ung thư xảy ra trong ngành công nghiệp này. Những người đại diện của tổ chức cũng đang giúp đỡ những người phụ nữ trong công cuộc đòi quyền lợi về sức khỏe sinh sản, lĩnh vực nhiều khả năng sẽ nổi lên sau quyết định của chính phủ trong tháng Ba. Đó cũng là khi Kim Mi-yeon được dư luận biết tới là công nhân chế tạo chất bán dẫn đầu tiên mắc bệnh liên quan đến sức khỏe sinh sản do môi trường làm việc.

Park Min-sook ở nhà với cô con gái Ju-hyun ở Danyang, Hàn Quốc. Cô Park, 44 tuổi, đã làm việc tại nhà máy chế tạo chất bán dẫn của Samsung trong 7 năm. Cô bị bệnh ung thư vú, vô sinh và từng một lần bị sảy thai.

Bức ảnh của Park Min-sook ở nhà máy chế tạo chất bán dẫn.

Các miếng bán dẫn bị loại bỏ từ Samsung. Park Min-sook mang chúng về nhà trong những năm 1990. "Tôi thậm chí còn không muốn chạm vào chúng", cô nói.

Kim Shinyeo giúp đỡ con gái cô Han Hye-kyung ra khỏi xe tại một trung tâm phục hồi sức khỏe. Han, 39 tuổi, từng làm việc ở nhà máy sản xuất tấm nền LCD của Samsung; căn bệnh ung thư não làm giảm tầm nhìn, khả năng nói và vận động của cô.

Han Hye-kyung thực hiện vật lý trị liệu tại Bệnh viện Lão khoa Chuncheon.

Han Hye-kyung được mẹ mình giúp đỡ ngồi lên xe lăn sau đêm biểu tình bên ngoài trụ sở Samsung ở Seoul. Bên phải là Hwang Sang-ki, cha của Hwang Yu-mi, một công nhân từng làm việc tại Samsung, tử vong do bệnh bạch cầu năm 2007

Han Hye-kyung và Kim Shinyeo ở nhà tại Chuncheon.

Kim Mi-yeon ru con ngủ trưa tại nhà cô ở Suwon,nơi còn được biết đến với cái tên Samsung City vì số lượng các nhà máy của công ty này ở đây. Cô Kim, 38 tuổi, sau khi làm việc tại Samsung trong 15 năm, cô bị vô sinh và ung thư tử cung. Vào tháng Ba, cô được dư luận biết đến là công nhân chế tạo chất bán dẫn đầu tiên mắc bệnh liên quan đến sức khỏe sinh sản do môi trường làm việc.

Han Hye-kyung nằm ngủ sau đêm biểu tình bên ngoài trụ sở Samsung ở Seoul.

Góc tưởng nhớ Hwang Yu-mi tại nơi diễn ra biểu tình bên ngoài trụ sở Samsung ở Seoul.

Văn Hoàn

Chủ đề khác