VnReview
Hà Nội

Chụp ảnh chân dung thuê bao di động - nhìn từ góc độ SIM rác

Chụp chân dung chủ thuê bao di động thể hiện quyết tâm loại bỏ nạn SIM rác của Bộ TT&TT và các nhà mạng. Nhưng điều này cũng gây không ít khó khăn và phiền phức cho người dùng. Đã mất tiền sử dụng dịch vụ, vậy mà nay người dùng còn phải gánh chịu những hậu quả từ vấn nạn SIM rác?

"Vai trò lịch sử" của SIM rác

Năm 2005, Viettel từ một nhà mạng non trẻ đã trở thành người đi đầu trong việc phát triển hình thức thuê bao trả trước, cùng chiến lược giá rẻ, nhắm tới đối tượng người tiêu dùng bình dân trong vài năm sau đó. Trước sự phát triển mạnh mẽ của Viettel, giai đoạn 2005 - 2010, cả VinaPhone và MobiFone cũng nhảy vào cuộc đua phát triển thuê bao mới bằng hình thức SIM trả trước.

Trong giai đoạn này, các nhà mạng đua nhau hút thuê bao mới bằng việc khuyến mại tặng tiền vào tài khoản khi kích hoạt SIM. Ví dụ như chỉ phải bỏ khoảng 50.000 đồng, khách hàng đã mua được SIM trả trước với tài khoản nội mạng nhiều gấp 5-6 lần, thời hạn sử dụng vài tháng tới nửa năm.

Sức ép cạnh tranh giữa các nhà mạng tác động tới cả cấp đại lý bán lẻ SIM. Vì muốn tận dụng giá trị khuyến mại, các điểm bán lẻ SIM đã tự kích hoạt SIM trả trước để dễ bán hơn. Khách hàng mua SIM vừa muốn hưởng khuyến mại, vừa muốn bỏ qua các thủ tục đăng ký thông tin thuê bao cho đỡ mất thời gian nên dễ dàng chấp nhận mua các SIM kích hoạt sẵn này (còn gọi là SIM rác) về dùng, hết tài khoản là vứt đi để mua SIM khác.

Một đại lý bán SIM điện thoại trên đường Trung Kính, Hà Nội.

Người dùng di động thay SIM liên tục để hưởng khuyến mại thay vì nạp thẻ cào, dẫn tới hậu quả là các nhà mạng bị "cháy kho số" di động 10 số, phải xin cấp thêm đầu số thuê bao 11 số, khiến việc quản lý đầu số di động trở nên phức tạp hơn. Và cũng chính các SIM 11 số kích hoạt sẵn này là nguồn gốc của vấn nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.

Thông thường, mỗi SIM nếu không phát sinh cước từ hơn 1.000 đồng/tháng thì sẽ bị khóa, và với những đại lý lớn nắm trong tay từ 10.000 tới 50.000 SIM, số tiền phát sinh để bảo quản hàng tháng là không nhỏ. Do đó, nhiều đại lý đã sử dụng các SIM kích hoạt sẵn để phát tán tin nhắn rác như một hình thức để thu hồi phần nào số tiền bảo quản SIM phải bỏ ra hàng tháng.

Tin nhắn rác cũng là một dạng dịch vụ quảng cáo cho các doanh nghiệp thông qua việc trực tiếp nhắn tin cho người tiêu dùng các sản phẩm dịch vụ. Tuy nhiên, tin nhắn rác đã thường xuyên "tấn công" người dùng với các nội dung dẫn dụ, lừa đảo, như các tin nhắn mời gọi chơi đỏ đen, tá lả online hay nhắn tin để có kết quả "soi cầu lô đề", "soi" trước kết quả xổ số…

Cơ quan chức năng từng "bắt tận tay" thủ phạm tung tin nhắn rác là các modem truy cập internet thông qua sóng di động GPRS. Từng có thời điểm thiết bị này được rao bán rất rộng rãi, bởi chỉ cần cộng thêm phần mềm gửi tin nhắn SMS hàng loạt và một SIM rác với tài khoản lớn là đã có thể phát tán tin nhắn rác với công suất 1.000 SMS/1 giờ. Dù vậy, việc ngăn chặn tin nhắn rác bằng cách thu giữ các thiết bị phát tán tin nhắn cũng gặp nhiều khó khăn bởi các công cụ này vẫn được rao bán công khai trên mạng Internet.

Một thiết bị phát tán tin nhắn rác được rao bán trên mạng

Một vấn đề nữa chính là việc quản lý thông tin thuê bao của các mạng di động. Bởi muốn phát tán được tin nhắn rác thì người gửi phải có thông tin về người nhận, ít nhất là số thuê bao. Do đó không loại trừ khả năng các cá nhân trong các công ty viễn thông lớn đã cố tình bán thông tin thuê bao để trục lợi.

Mới đây, Thanh tra Bộ TT&TT đã xử phạt 4 doanh nghiệp phát tán tin nhắn rác với số tiền 240 triệu đồng. Theo Thanh Niên, mức phạt được cho là vẫn còn quá nhẹ, trong khi lợi nhuận thu về từ dịch vụ nội dung cho di động là cực lớn. Minh chứng rõ nhất là trường hợp Công ty Sam Media Limited (có trụ sở tại Hồng Kông) sau 3 năm đã thu từ người dùng điện thoại số tiền gần 230,5 tỉ đồng mà họ không hề hay biết.

Thực tế có hơn 200 công ty cung cấp dịch vụ nội dung trên điện thoại di động, hầu hết là đối tác của nhà mạng. Với tỷ lệ ăn chia trung bình 50% - 50%, cứ một tin nhắn rác được gửi đi, cả hai bên đều hưởng lợi. Đó là lý do tin nhắn rác "quét" mãi không sạch. Chưa kể, chính nhà mạng cũng tham gia vào việc "khủng bố" khách hàng bằng các tin nhắn quảng cáo dịch vụ, sản phẩm với tần suất cao.

Chụp ảnh chân dung có ngăn chặn triệt để SIM rác?

Để ngặn chặn "vấn nạn" tin nhắn rác và SIM rác, khoảng 2 năm trở lại đây, Bộ TT&TT cùng các nhà mạng đã tăng cường công tác quản lý thuê bao di động trả trước, như việc yêu cầu 5 nhà mạng ký cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối từ ngày 1/11/2016. Trong đợt đầu tiên đã thu hồi 10,7 triệu SIM kích hoạt sẵn đã đưa ra thị trường, và hiện con số này đã tăng lên hơn 20 triệu SIM.

Mới đây, Bộ TT&TT đã ban hành nghị định số 49/2017/NĐ-CP trong đó có đề cập đến việc chụp ảnh chân dung chủ thuê bao di động để tăng cường biện pháp quản lý thuê bao. Theo đó, đối với thông tin thuê bao của thuê bao di động, nghị định đã yêu cầu bổ sung thêm ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu.

Lý giải về sự cần thiết của việc cung cấp ảnh chụp chân dung cho việc đăng ký SIM chính chủ, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông – Bộ TT&TT cho biết, ở nước ta, cơ sở dữ liệu căn cước chưa chính xác, chủ yếu dựa vào việc đăng ký thông tin thuê bao. Việc bổ sung một nội dung cho thuê bao phát triển mới là cung cấp ảnh chụp xác nhận giao dịch có thật nhằm tránh trường hợp nhân viên giao dịch hoặc đại lý dùng thông tin cá nhân của người khác để đăng ký thuê bao.

Quy định mới có giúp đẩy lùi nạn SIM rác?

Tuy vậy, nhiều người dùng lại cho rằng quy định mới chưa thật sự cần thiết và gây khó khăn, bất tiện cho họ. Anh Mạnh Hùng, hiện sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, nói: "Tôi thấy việc chụp ảnh thuê bao di động rất phiền phức và mất thời gian. Những giấy tờ kiểu như CMND hay thẻ căn cước tôi thấy là hoàn toàn đầy đủ tất cả các dữ liệu để chứng minh người sử dụng SIM là chính chủ, có cần thiết phải chụp thêm ảnh nữa không?".

Tương tự, chị Thành Dung, nhân viên văn phòng của một công ty tại Hà Nội cho rằng khi khách hàng mua SIM, các nhà mạng đều yêu cầu xuất trình CMND để làm thủ tục. Như vậy về cơ bản đã nắm được đầy đủ thông tin của người sử dụng, nhưng nay lại yêu cầu chụp thêm ảnh thì hơi cứng nhắc: "Tôi vì tính chất công việc nên sử dụng 2 SIM của 2 nhà mạng khác nhau. Giờ quy định kiểu này tôi phải đến tận 2 nơi để chụp ảnh hay sao?".

Bạn Thanh Tùng, một du học sinh đã về nước, cho rằng hiện nhiều nước trên thế giới chỉ cần photocopy thẻ căn cước hoặc hộ chiếu khi đăng ký SIM là đủ. "SIM đăng ký không chính chủ là do nhân viên bán hàng đăng ký trước để lấy doanh số bán hàng. Nếu có chụp ảnh chân dung thì nhân viên bán hàng cũng có thể chèn ảnh không chính chủ để đối phó, chúng ta có kiểm tra được ảnh đó có phải là chính chủ hay không? Và có cần thiết phải chụp ảnh chân dung nữa không?", bạn Tùng nêu vấn đề.

Khi nhìn rộng ra bên ngoài thì hầu hết các quốc gia trong khu vực và trên thế giới không yêu cầu chụp ảnh chân dung thuê bao. Người dùng khi đăng ký SIM chỉ cần xuất trình được thẻ căn cước (hoặc hộ chiếu đối với người nước ngoài) hay bằng lái xe. Một số nhà mạng lớn (Lycamobile - Bỉ, Three - Anh…) còn cho phép đăng ký thông tin thuê bao trả trước qua hệ thống online, miễn là người dùng cung cấp đủ bản chụp các giấy tờ và số thuê bao, số trên SIM (ICCID). Riêng tại Trung Quốc và Campuchia, việc chụp chân dung thuê bao mới là bắt buộc, áp dụng ngay cả với khách du lịch đã cung cấp hộ chiếu. Ngoài ra, tại Trung Quốc du khách cũng được khuyến cáo rằng sử dụng VPN (mạng riêng ảo) ở Trung Quốc để truy cập các dịch vụ của Google, Facebook là phạm luật.

Quy định chụp ảnh chân dung chủ thuê bao di động một lần nữa thể hiện quyết tâm loại bỏ nạn SIM rác của Bộ TT&TT và các nhà mạng. Nhưng lâu nay SIM rác bị quản lý khá lỏng lẻo, nếu các nhà mạng quản lý chặt thuê bao di động theo CMND thì có lẽ đã ngăn chặn được nạn SIM rác, tin nhắn rác rồi, liệu có cần chụp thêm ảnh chân dung nữa không? Nhìn vào quá khứ, chẳng phải nguồn gốc SIM rác là từ tham vọng mở rộng thị trường của các nhà mạng? Hậu quả từ những chính sách sai lầm của các nhà mạng nay lại để người dùng gánh chịu sao?

Trường hợp Sam Media tự ý đăng ký dịch vụ và trừ tiền khách hàng hàng tháng chỉ là một trong nhiều trường hợp thông tin thuê bao của người dùng bị bán cho các đơn vị kinh doanh. Từ đó người dùng sẽ liên tục bị "quấy nhiễu" bằng các tin nhắn, cuộc gọi, hay thêm cài dịch vụ GTGT. Quy định chụp ảnh chân dung thuê bao có lẽ chưa thật cần thiết mà chỉ gây thêm phiền hà cho người dân. Quy định mới sẽ chỉ có ý nghĩa về mặt hình thức nếu SIM rác, tin nhắn rác vẫn được nhà mạng tiếp tay, và thông tin cá nhân của khách hàng vẫn là món hàng được mua bán với giá rẻ mạt mà không có chế tài nào kiểm soát.

NH

Chủ đề khác