VnReview
Hà Nội

Dư luận nói gì về sự “thấu cảm” trong bài thi môn ngữ Văn

Ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống là nội dung được dư luận quan tâm nhất trong đề thi môn Ngữ văn THPT Quốc gia năm 2017.

Đề thi Ngữ Văn sáng nay gồm năm nay gồm 2 phần Đọc hiểu và Làm văn với 6 câu hỏi. Trong đó, câu đầu tiên là phân tích đoạn văn về Thiện, Ác và Smartphone của tác giả Đặng Hoàng Giang và chỉ ra sự "thấu cảm" (theo tác giả) là gì? Đây là câu hỏi không quá khó bởi thí sinh chỉ cần sao chép lại phần mô tả của tác giả phía trên là được.

Sang tới phần Làm văn, chủ đề về sự "thấu cảm" tiếp tục với câu hỏi yêu cầu thí sinh trình bày những suy nghĩ về ý nghĩa của sự "thấu cảm" trong cuộc sống. Đây là câu hỏi được dư luận đánh giá là phải có sự trải nghiệm cuộc sống và lòng bao dung, biết chia sẻ, cảm thông thì mới làm được bài. Do đó, không ít ý kiến cho rằng học sinh sẽ khó đạt điểm cao vì chưa thực sự hiểu thấu cảm là gì.

Đề thi môn Ngữ văn THPT Quốc gia năm 2017 với điểm nhấn về sự "thấu cảm"

Trên VnExpress, bạn DanhND nhận định: "Khó nhỉ, nói thật hơn 30 tuổi đầu chứ nghe từ thấu cảm cũng không rõ là gì, chắc tại dốt bền vững môn văn". Đồng quan điểm, bạn Đi săn cũng cho rằng: "Khó quá. Thí sinh học tủ chắc không được điểm cao, chỉ có thí sinh học hiểu mới làm bài tốt dc", "Ngày xưa mà được ra đề như vầy chắc tôi không đứng bét lớp môn văn" (bạn Tony tran).

Có bạn đọc thậm chí còn làm thơ để nói về sự khó khăn của thí sinh khi trình bày ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống:

"Thấu là sâu đến tận cùng

Cảm là cảm xúc mông lung ở đời

Thấu cảm: hiểu rõ lòng người

Mong thầy cô hiểu cho mười"

Nhưng cũng có những ý kiến không đồng tình với chính định nghĩa về sự thấu cảm trong bài thi. "Tôi cho rằng thấu cảm không phải là khả năng nhìn nhận thế giới bằng con mắt của người khác, mà phải là khả năng của chính mình" (bạn trungbinh1954), "Nghe có vẻ ngược ngược, theo tôi sự thấu cảm có nguồn gốc từ lòng trắc ẩn, ai cũng có lòng trắc ẩn, chẳng ai không có cả. Vấn đề là làm sao để nó thể hiện ra ngoài, và biến thành hành động. Khi nó trở thành hành động, đó là biểu hiện của sự thấu cảm. Một tên giết người hàng loạt cũng có lúc run tay vì lòng trắc ẩn" (bạn Teppy Nguyen), "Tôi không đồng tình với ý kiến của Đặng Hoàng Giang. Theo tôi mệnh đó đó phải đảo ngược, lòng trắc ẩn mới là nguồn gốc của sự thấu cảm" (bạn Chiến Tạ)…

"Thấu cảm là khả năng hiểu được thân chủ đang cảm nghĩ gì, nói gì - hiểu như chính họ hiểu - đặt mình vào vị trí và hoàn cảnh của họ, đi vào thế giới của họ và truyền đạt lại cho họ là mình đang hiểu họ và họ đang được hiểu, quan điểm của họ đang được chú ý và chấp nhận", Carl Rogers, nhà tâm lý học người Mỹ đã đặt nền móng cho phương pháp tiếp cận nhân văn trong tâm lý học.

Bên cạnh những ý kiến không đồng tình về phần thi nói về sự thấu cảm, cũng có nhiều người cho rằng đề thi năm nay khá hay và không đánh đố thí sinh. "Cuộc sống càng gấp gáp, càng ngày càng ít sự thấu cảm. Bản thân ngẫm lại cũng thấy mình dần hời hợt với xã hội, đề hay" (bạn Trung), "Tôi thấy vài năm trở lại đây, đề thi môn Văn có sự thay đổi rất lớn, các câu hỏi có hướng mỏ hơn rất nhiều về các vấn đề quốc tế về các lĩnh vực âm nhạc, thể thao... Tôi thấy rất hay, vì bây giờ chúng ta đã hội nhập nên Bộ ra đề như vậy tôi rất thích. Nên phát huy những đề thi như vậy" (bạn Tân), "Đề thi rất hay, rất thực tế và thiết thực với cuộc sống, thí sinh nào tự bản thân mình hiểu và làm bài tốt, tức là bạn ý đã rất xuất sắc, rất hiểu về cuộc sống cần gì và ta cần học gì" (bạn Lê Thị Hồng Hải), "Đề thi hay. Nếu giàu cảm xúc, tâm hồn, nhạy cảm sẽ thấu hiểu nội dung, Ý tứ phong phú, sâu xa khi làm bài, trái tim mình rung động sẽ làm cho người đọc rung động, bài văn có sức truyền cảm" (bạn Phạm Văn Thắng).

Trên Vietnamnet, cô giáo Nguyễn Thị Xuân Mai, giáo viên Trường THPT Tháp Mười, Đồng Tháp cho rằng nội dung đề thi nằm trong chương trình Ngữ văn 12, không có tính chất đánh đố học sinh: "Nhưng nếu học sinh không có khả năng phân tích từ ngữ thì sẽ khó có bài làm sắc sảo vì từ "thấu cảm" là ghép giữa 2 từ: thấu hiểu và cảm thông (đồng cảm). Làm rõ hai khái niệm ấy học sinh sẽ dễ bàn luận về ý nghĩa của sự thấu cảm và bài viết mới có thể sâu sắc".

Cô giáo Nguyễn Hồng Hải, giáo viên Trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội cũng nhận định rằng đề thi rất hay, hướng đến phát triển nhân cách con người bởi nội dung thấu cảm là mảng nhiều vấn đề tuy nhiên, đề thi đã gợi ý rất rõ trong dẫn chứng của đề nên học sinh hoàn toàn có thể nhận thức được và làm tốt đề này, nó có tác động rất tích cực bởi đây là vấn đề hay được nói đến khi học trò đang ở lứa tuổi có sự trưởng thành hơn về quan niệm tình bạn, tình yêu, sự đối xử giữa con người với con người.

"Trong tình trạng mà bệnh vô cảm, lối sống ích kỉ đang trở thành một vấn đề nhức nhối cho xã hội thì vấn đề đặt ra trong văn bản phần Đọc hiểu và câu Nghị luận xã hội có ý nghĩa nhân văn và giá trị giáo dục sâu sắc", ThS. Hồ Tấn Nguyên Minh, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên, nhận định về đề thi Ngữ văn năm nay.

G.L

Chủ đề khác