VnReview
Hà Nội

Mỹ và Trung Quốc: Ai mới là người đang copy công nghệ?

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc thường được xem là một quốc gia chuyên đi sao chép công nghệ của nước khác. Tuy nhiên, đó chỉ là cái nhìn một chiều và không còn đúng nữa. Hiện nay, nhiều công ty Trung Quốc đang tạo ra những xu hướng toàn cầu về công nghệ và mô hình kinh doanh. Trong khi đó, các công ty của Mỹ lại đang phải cố gắng để học theo.

Theo Bloomberg, thật khó để thay đổi suy nghĩ của người Mỹ về hàng hóa của Trung Quốc là rẻ tiền và được bán tràn lan trên những góc phố. Và suy nghĩ của họ về các công ty công nghệ của Trung Quốc cũng như vậy. Nhiều năm qua, không ít người cho rằng các công ty của Trung Quốc đã được thành lập bằng cách sao chép eBay, Google, Apple và nhiều hãng công nghệ nước ngoài khác.

Tuy nhiên, sự thật là Trung Quốc đã vượt qua giai đoạn chỉ đi sao chép đơn thuần từ lâu. Hiện nay, nhiều công ty công nghệ của Trung Quốc đang tạo ra những xu hướng toàn cầu về sản phẩm công nghệ và mô hình kinh doanh trong các lĩnh vực đầy hứa hẹn như siêu máy tính, công nghệ giao thông, thanh toán điện tử và AI. Các công ty công nghệ của Trung Quốc và những ý tưởng của họ đang lan rộng ra khắp thế giới. Sẽ không quá khi nói, thế giới công nghệ đang xoay trục về hướng của Trung Quốc.

Ứng dụng Meitu tới từ Trung Quốc.

Có rất nhiều ví dụ cho thấy sức ảnh hưởng của những ý tưởng công nghệ tới từ Trung Quốc. Mới chỉ vài tháng trước, nhiều lập trình viên tại Mỹ và các quốc gia khác đã thi nhau tạo ra những ứng dụng lấy cảm hứng từ Meitu, một ứng dụng cho phép những bức ảnh "tự sướng" của bạn trở nên dễ thương hơn. Không ít start-up tại Mỹ hiện đang sao chép mô hình cho thuê xe đạp ở các thành phố lớn vốn rất phổ biến tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, ứng dụng nổi tiếng Tinder thật ra lại không khác gì phiên bản Mỹ của ứng dụng hẹn hò Momo tại Trung Quốc.

Ngoài ra, Apple và Facebook cũng đang cố gắng để biến ứng dụng nhắn tin của họ trở nên ngày càng giống với WeChat, ứng dụng nhắn tin số 1 Trung Quốc. Trong khi đó, tất cả công ty sản xuất drone tại Mỹ đều đang phải theo sau một công ty Trung Quốc có tên là SZ DJI Technology.

Ảnh hưởng của công nghệ Trung Quốc được biết tới lần đầu tiên bởi công ty thiết bị viễn thông Huawei. Sau khi mở chi nhánh đầu tiên tại châu Âu, Huawei đã buộc các ông lớn như Ericsson của Thụy Điển và Alcatel-Lucent của Pháp phải giảm giá để cạnh tranh và sao chép công nghệ cập nhật phần mềm cho các thiết bị đời cũ của họ. Một số quan chức châu Âu cáo buộc Huawei đã hưởng lợi từ trợ cấp không công bằng từ chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, cáo buộc này đã bị bác bỏ vào sau đó.

Cuộc cạnh tranh tại thị trường mới nổi Ấn Độ cũng cho thấy sự thắng thế của những thương hiệu Trung Quốc. Hai hãng smartphone đang dẫn đầu về doanh số bán hàng tại Ấn Độ hiện nay đang là Xiaomi và Vivo. Trong khi đó, Alibaba đang dẫn đầu thị trường thương mại điện tử và thanh toán số tại quốc gia này.

Sự đón nhận công nghệ Trung Quốc của người Mỹ

Mặc dù, các công ty Trung Quốc đang ngày càng mở rộng sức ảnh hưởng của họ trên thế giới, Mỹ vẫn luôn là một thị trường khó nhằn đối với họ. Nhiều tên tuổi của Trung Quốc đã phá sản hoặc chỉ hoạt động cầm chừng khi cố gắng phát triển tại Mỹ. Tuy nhiên, không ít start-up tại Trung Quốc lại đang có những thành công nhất định.

Ví dụ, nếu bạn là một người Mỹ và có một đứa con tuổi teen, bạn chắc chắn sẽ biết tới Musical.ly, một ứng dụng cho phép lồng các video tự quay từ smartphone vào những bài hát nổi tiếng. Đây là sản phẩm do một start-up tới từ Thượng Hải tạo ra và lấy ý tưởng từ những ứng dụng vốn đã nổi tiếng tại Trung Quốc nhưng chưa hề được biết tới tại Mỹ. Một nhà đầu tư cho biết là Musical.ly sẽ không thể cạnh tranh tại Trung Quốc. Tuy nhiên, tại một thị trường như Mỹ, ứng dụng này sẽ thành công nhờ sự mới mẻ mà nó mang lại.

Không chỉ có các start-up, nhiều ông lớn công nghệ cũng đang lấy những ý tưởng đã được kiểm chứng thành công tại Trung Quốc để áp dụng vào Mỹ. Một tin đồn gần đây cho biết ứng dụng iMessage của Apple sẽ được trang bị tính năng cho phép người dùng gửi tiền cho bạn bè và người thân thông qua các tin nhắn, một tính năng phổ biến trên các ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc.

Youtube muốn mang ngành công nghiệp livestream của Trung Quốc tới Mỹ.

Trong khi đó, Youtube đã cho phép người dùng kiếm được tiền bằng cách livestream những hành động của họ như chơi game. Người xem tại Mỹ có thể trả một vài USD để khiến cho bình luận của họ về video trở nên nổi bật hơn bằng cách viết ra được chữ có màu sắc. Nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng nhiều người sẵn sàng trả tiền để được chú ý như vậy và tại Trung Quốc, có hẳn một ngành công nghiệp livestream. Youtube chắc chắn cũng rất muốn tạo ra được một ngành công nghiệp tương tự tại Mỹ.

Tương lai công nghệ Mỹ-Trung Quốc?

Thật khó để tóm tắt nhưng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đến với thế giới công nghệ đang tới từ hai yếu tố chính. Đầu tiên, với hơn 730 triệu người thường xuyên sử dụng smartphone, Trung Quốc là một môi trường tuyệt vời để thử nghiệm những ý tưởng mới. Tuy nhiên, sẽ không dễ dàng gì để đạt được thành công tại đây. Sau khi một công ty cho thuê xe đạp nổi lên, nhiều công ty khác đã bắt chước theo nhưng chỉ có những ai giỏi nhất mới trụ lại được. Có thể nói, một ý tưởng thành công tại Trung Quốc sẽ có khả năng thành công cao tại những nơi khác.

Tiếp theo, chính phủ Trung Quốc đã chi rất nhiều tiền cũng như ra các chính sách để hỗ trợ cho ngành công nghiệp trong nước và sự bành trướng của các công ty công nghệ nằm trong kế hoạch của họ. Một số CEO nổi tiếng cho rằng công nghệ xe không người lái sẽ trở nên phổ biến đầu tiên tại Trung Quốc vì chính phủ có xu hướng chấp nhận công nghệ này trên đường giao thông công cộng.

Tất nhiên, không phải công nghệ nào của Trung Quốc cũng có thể thay đổi được phần còn lại của thế giới. Thanh toán bằng smartphone là một phương thức phổ biến tại Trung Quốc nhưng chưa được dùng nhiều tại Mỹ vì thanh toán bằng thẻ tín dụng vẫn đang rất dễ dàng. Tuy nhiên, kể cả khi không có nhiều người Mỹ sử dụng điện thoại của Xiaomi hay Vivo, các công ty Trung Quốc vẫn đang cố gắng định hình lại thế giới công nghệ từng chút một.

Hãy cùng nhớ lại cách mà một nhà sản xuất tới từ Nhật Bản là Honda đã mang tới những mô hình xe hơi đáng tin cậy vào năm 1970 và vĩnh viễn làm thay đổi tư duy của cả ngành công nghiệp xe hơi Mỹ. Rất có thể, những ý tưởng tới từ Trung Quốc cũng sẽ làm thay đổi cả ngành công nghệ Mỹ theo một cách tương tự. ; 

Nguyễn Long

Chủ đề khác