VnReview
Hà Nội

Nhân viên Facebook sống trong ga-ra để xe nhắn gửi Zuckerberg: Thách thức ở ngay ngoài cửa

Khi Giám đốc điều hành của Facebook đang thực hiện chuyến đi vòng quanh nước Mỹ để "tìm hiểu về những hi vọng và thách thức của người dân", thì những nhân viên làm việc tại căng tin của công ty đang phải vật lộn để mưu sinh.

Theo báo Anh TheGuardian, chuyến du hành khắp nước Mỹ của Mark Zuckerberg là để hoàn thành "thách thức cá nhân" của anh trong năm 2017 để "tìm hiểu về những hi vọng và thách thức của người dân". Người ta đã thấy anh lái máy kéo, gặp gỡ những người nghiện heroin đang trong quá trình hồi phục, đội mũ bảo hộ lao động và lên tiếng chống lại sự bất bình đẳng giàu nghèo và khối tài sản trị giá 69 tỷ USD của anh là minh chứng rõ ràng nhất.

Victor, Nicole và ba con đã phải sinh sống trong ga-ra để xe trong suốt 3 năm qua, tại Menlo Park, California (ảnh: The Guardian)

Nicole, nhân viên của một trong số các căng tin của Facebook, cũng đã đặt ra một câu hỏi quan trọng: "Liệu anh ấy có đến đây không?"

"Đây" là nơi chỉ cách dinh thự của Zuckerberg tại Palo Alto có vài dặm và cách trụ sở Menlo Park của Facebook vài khu nhà. Ở đây, trên một con phố yên tĩnh với những ngôi nhà bằng gỗ khiêm tốn, Nicole và chồng mình, Victor, người cũng làm việc tại căng tin của Facebook, sống trong một ga-ra để xe với ba đứa con mới chỉ lần lượt 9, 8 và 4 tuổi.

Nicole nói: "Anh ấy không nhất thiết phải đi khắp thế giới. Thay vào đó, anh nên tìm hiểu những gì đang xảy ra ở thành phố này".

Gia đình 5 thành viên này đã sống trong căn nhà chật hẹp bên cạnh nhà của bố mẹ Victor trong ba năm qua. Ba chiếc giường được đặt ở tường phía sau, trong khi một bộ ghế và một chiếc bàn cà phê tạo thành một khu vực để tiếp khách. Quần áo được treo gọn gàng ở lối vào ga-ra. Nếu muốn dùng phòng tắm và nhà bếp, họ sẽ phải sang nhà hàng xóm. Victor chia sẻ: "Nó không dễ dàng một chút nào, đặc biệt là khi trời mưa".

Nicole nói thêm: "Con gái chúng tôi liên tục hỏi rằng khi nào nó mới có phòng riêng của mình, và chúng tôi không biết phải trả lời nó thế nào nữa".

Một trong những căng tin của Facebook tại trụ sở Menlo Park, California, nơi nhiều nhân viên đang phải vật lộn để mưu sinh

Vào ngày 21/7 vừa qua, cặp đôi này đã nằm trong số 500 nhân viên căng tin của Facebook được chọn tham gia vào một liên minh mang tên Unite Here Local 19. Họ là nhóm dịch vụ công nghiệp công nghệ cao mới nhất với mục tiêu gia nhập vào công đoàn và có được một mức sống tốt hơn.

Cả Facebook lẫn nhà cung cấp dịch vụ ăn uống Flagship Facility Services đều không phản đối việc thành lập liên minh này.

Làm việc tại căng tin của Facebook là một công việc tuyệt vời theo nhiều cách khác nhau. Nicole kiếm được 19,85 USD (khoảng 450.000 VND) mỗi giờ do làm trưởng ca, trong khi Victor kiếm được 17,85 USD (khoảng 400.000 VND) – cao hơn mức lương tối thiểu 15 USD (340.000 VND) mà Facebook cam kết cho các nhân viên làm hợp đồng.

Nhưng ở một khu vực mà các kỹ sư phần mềm đang kiếm được gấp 4 lần con số đó vẫn phàn nàn về việc phải "cố gắng để trang trải", thì gia đình của Nicole đang phải vật lộn để sinh sống.

Số tiền họ kiếm được quá nhiều để đủ điều kiện tham gia chương trình chăm sóc sức khỏe của tiểu bang, nhưng lại không đủ để chi trả cho bảo hiểm y tế mà chủ của họ cung cấp. Họ thường xuyên phải xoay sở để có đủ tiền cho những vật dụng cơ bản như thực phẩm và quần áo cho con cái. Victor gần đây đã phải vay tiền của mẹ để tổ chức sinh nhật cho một đứa con gái của anh, và vay một người bạn để có thể đến gặp nha sĩ.

Victor nói: "Ngày trước, mức lương này sẽ là con số rất lớn. Nhưng kể từ khi Facebook chuyển tới đây, mọi thứ đều trở nên đắt đỏ. Tôi thỉnh thoảng phải vay tiền và xin ứng lương. Chúng tôi chỉ suýt soát đủ trang trải cuộc sống mà thôi".

Đôi khi, những thách thức khiến cho cặp đôi này hoài niệm về những ngày mà Facebook chưa chuyển đến Menlo Park. Khi Victor đang ở tuổi thiếu niên, bố của anh đã có thể mua một căn nhà nhỏ với thu nhập của một người xây dựng vườn hoa và công viên. Trước đây, Nicole và Victor cũng đã từng kiếm được 12 USD (khoảng 270.000 VND) mỗi giờ khi làm quản lý tại Chipotle và cũng dư dả để mua một căn hộ của riêng họ.

Nicole chia sẻ: "Tôi cảm thấy an tâm hơn khi làm công việc cũ. Không ai nhìn bạn bằng ánh mắt coi thường cả". Giờ cô làm việc tại căng tin, được gán những biệt danh như "Epic" (anh hùng) hay "Living the Dream" (Người Mỹ gốc và nhập cư thường có khái niệm "American Dream", khi ước mơ của họ là kết hôn, có con, có nhà cửa xe cộ và công ăn việc làm ổn định từ hai bàn tay trắng. "Living the Dream" ở đây có nghĩa mỉa mai những người không thể thực hiện được ước mơ ấy), và khoảng cách giữa hai tầng lớp nhân viên của Facebook trở nên lớn hơn bao giờ hết.

Nicole nói về các nhân viên của Facebook rằng: "Họ nhìn chúng tôi như thể chúng tôi là những người thấp hèn và không đáng bận tâm. Chúng tôi không sống trong mơ mộng, nhưng họ thì có".

Những sự sỉ nhục nhỏ hơn thì đầy rẫy. Tại cuối ca làm việc, Nicole nhìn thấy một lượng lớn thức ăn thừa bị vứt đi – lượng thức ăn mà cô không được mang về nhà. Các nhân viên căng tin cũng không được sử dụng các dịch vụ y tế từ các phòng khám của Facebook. Sự kiện "Mang con đến chỗ làm" của Facebook cũng mới được tổ chức, nhưng các nhân viên căng tin lại không được phép đưa con của mình đến công ty.

Một phát ngôn viên của Facebook cho biết, các nhân viên hợp đồng của công ty không được phép sử dụng các cơ sở vật chất như phòng khám, phòng tập thể hình hay tham gia sự kiện mang con đến chỗ làm. Các chính sách khác là thỏa thuận giữa nhà thầu và nhân viên làm việc. "Chúng tôi cam kết sẽ cung cấp một môi trường làm việc an toàn, công bằng cho tất cả mọi người đang giúp Facebook hoàn thành mục tiêu đưa thế giới lại gần nhau hơn, kể cả các nhân viên hợp đồng".

Victor nói: "Mọi người nghĩ rằng, ồ, anh làm ở Facebook, tốt thật đấy. Tôi là trụ cột của gia đình, và phải đưa ra những lời hứa hẹn cho các con – mua thức ăn hay quần áo mới. Cả hai chúng tôi đều làm việc nhưng vẫn không thể cung cấp đủ cho gia đình".

Nicole tiếp lời: "Mục đích của chúng tôi không phải là hạ thấp công ty nào cả. Chúng tôi làm vì gia đình mình. Tại sao chúng tôi phải sống như thế này, trong khi công ty mà chúng tôi làm việc có đủ nguồn lực để làm cho nó tốt hơn?".

"Chúng tôi không yêu cầu hàng triệu USD. Tôi chỉ muốn rằng mình không còn phải lo sợ mỗi khi đi gặp bác sĩ. Đó là lí do mà chúng tôi sẽ đoàn kết lại với nhau".

Văn Hoàn

Chủ đề khác