VnReview
Hà Nội

Bộ TT&TT sẽ sửa Luật CNTT để phù hợp với định hướng phát triển

Hôm nay, ngày 15/8/2017, Bộ TT&TT tổ chức tọa đàm "Luật CNTT và định hướng phát triển trong thời gian tới". Đây là dịp để Bộ TT&TT tham khảo ý kiến đánh giá toàn diện, đa chiều của các chuyên gia, các doanh nghiệp về Luật CNTT và định hướng phát triển trong tương lai.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật CNTT, tình hình quốc tế, sự phát triển của Việt Nam và bản thân ngành CNTT đã có nhiều thay đổi. Tại Việt Nam, năng lực quản lý, nhu cầu ứng dụng, phát triển CNTT và trình độ dân trí cũng được nâng cao. Luật CNTT hiện nay đã bộc lộ một số bất cập và tồn tại nhiều vấn đề, do đó Bộ TT&TT muốn lắng nghe những kiến nghị, đề xuất các nhà quản lý, các Hiệp hội, các doanh nghiệp, các chuyên gia trong việc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT.

"Qua 10 năm thi hành Luật CNTT, những suy nghĩ, quan điểm của chúng ta về CNTT;đã có nhiều thay đổi, do sự thay đổi nhanh chóng về khoa học công nghệ. Ví dụ như, khi triển khai Luật CNTT, chúng ta dựa trên nền tảng về hạ tầng, dịch vụ, công nghiệp và nguồn nhân lực. Ngay về hạ tầng, trước đây chúng ta nghĩ nhiều đến hạ tầng viễn thông, nhưng ngày nay ta đặt vấn đề về hạ tầng thiết bị và các hạ tầng khác như hạ tầng kết nối qua các thiết bị, hạ tầng thanh toán cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nội dung số… Đó là những vấn đề nảy sinh, phát sinh chưa được thể hiện rõ trong nội hàm các văn bản pháp luật. Do vậy, trong quá trình triển khai còn gặp khó khăn", Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhận định.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Ông Nguyễn Thành Hưng cũng chỉ ra rằng một số vấn đề còn tồn tại trong Công nghiệp CNTT như các chính sách ưu đãi, giảm thuế cho doanh nghiệp… Ngoài ra, nguồn nhân lực cũng là vấn đề rất quan trọng cần được ưu tiên phát triển. Còn vấn đề ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, chúng ta cần hiểu mở rộng ra là hướng đến xây dựng một xã hội kết nối, thể hiện các mối quan hệ giữa Chính phủ, người dân, doanh nghiệp… Vì vậy, trước thực trạng này đặt ra chúng ta phải rà soát, hoàn thiện lại các chính sách, pháp luật về CNTT để phù hợp với thực tế phát triển. Hiện Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT chủ trì, xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Luật CNTT.

Nói về những mặt còn tồn tại của Luật CNTT, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc FPT, cho rằng các văn bản, chính sách muốn thúc đẩy một ngành công nghiệp phát triển thì phải tạo ra Cung và Cầu cho thị trường. Trong khi đó thì các văn bản, thể chế hiện nay của mình về mặt tạo ra Cầu rất yếu. Ví dụ Nghị quyết 36a đặt mục tiêu về chính quyền điện tử, giao thông thông minh thì chỉ vài năm sau là nước ta có thể sánh ngang với Singapore về ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước. Nhưng có một thực tế là về tính hiệu lực thì rất yếu, thậm chí có những nơi còn chả làm gì cả.

Ông Ngọc cũng thẳng thắn cho rằng khi nhà nước xây dựng văn bản thì cần có tính khả thi, chú trọng tính hiệu lực và có chế tài đi kèm nếu không thực hiện. Ngoài ra, Bộ cần gỡ bỏ những chính sách quy định cản trở, hạn chế, ví dụ như chính sách về phí với dịch vụ Internet. Hiện Nghị định 102 hướng dẫn lập dự án CNTT sử dụng vốn nhà nước quá phức tạp. Vì Nghị định 102 được xây dựng dựa trên cách thức của làm dự án xây dựng cơ bản. Nhưng đây lại là cách thức không hợp lý khi áp dụng cho chi phí CNTT trí tuệ.

Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc FPT

Còn ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC cho hay có nhiều văn bản đôi khi thậm chí trái lại tinh thần của Luật, rất nhiều Thông tư, Nghị định đưa ra gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp: "Ví dụ ngay như với Nghị quyết 36a cũng bị vướng câu chuyện là có sự phân biệt giữa các thành phần nhà nước, tư nhân. Tôi tin các doanh nghiệp nhà nước cũng không thích bị phân biệt đối xử. Họ cũng thích một môi trường, một thể chế, một luật chơi cho các thành phần. Nhà nước mong muốn được các điều kiện như tư nhân, còn ngược lại tư nhân cũng mong muốn những gì rào cản, mình không được tiếp cận thì rất khó khăn".

Vị Chủ tịch CMC cho biết mức độ khó khăn của văn bản dưới luật rất nhiều và điều này ông đã liệt kê trong bản kiến nghị. Còn làm thế nào để thúc đẩy nền kinh tế số phát triển thì theo ông Chính, các dịch vụ Internet, thoại, kết nối, dữ liệu… phải phát triển, phải làm thế nào để ngày càng rẻ để có khả năng tiếp cận dễ dàng, bình đẳng cho tất cả các đối tượng liên quan.

G.L

Chủ đề khác