VnReview
Hà Nội

9 thói quen này sẽ khiến bạn khó được tăng lương

Trong công việc, bạn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và bạn nghĩ rằng cấp trên sẽ ghi nhận và xem xét tăng lương cho bạn. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng một phần mà thôi. Có thể bạn cho rằng bản thân là một nhân viên tốt nhưng có một thực tế phũ phàng là sếp của bạn lại suy nghĩ hoàn toàn khác.

Ở nơi làm việc, bạn có thể có những thói quen xấu mà ngay cả bản thân bạn cũng không biết. Mặt khác, với tư cách là một người quản lý, sếp của bạn lại rất giỏi trong việc nhận ra những thói quen không tốt đó. Những thói quen này có khả năng khiến bạn không được tăng lương hay tệ hơn là bị đuổi việc. Mặc dù vậy, nếu bạn nhận ra kịp thời và từ bỏ chúng thì mọi chuyện sẽ được giải quyết.

Dưới đây là danh sách 9 thói quen xấu ở nơi làm việc mà bạn cần tránh, theo tổng hợp của Business Insider:

1. Bạn luôn muộn giờ

Nếu bạn thường xuyên đi làm muộn, đặc biệt là khi bạn đến mà những đồng nghiệp khác đã ổn định vị trí và làm việc thì điều này gây ra không ít bất lợi cho bạn. Muộn giờ luôn là một vấn đề khá nghiêm trọng trong công việc bởi thời gian là thứ vô cùng quý báu. Sếp của bạn sẽ đánh giá bạn không nghiêm túc và tôn trọng công việc nếu bạn có thói quen "giờ cao su".

Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc đi làm muộn là bạn quá chủ quan vào khả năng sắp xếp thời gian của mình. Ví dụ, bạn biết chính xác mình cần bao nhiêu thời gian để tới chỗ làm nhưng lại tranh thủ mua một cốc cà phê hay đồ ăn sáng trên đường đi. Điều này khiến bạn tốn thêm thời gian chờ đợi và kết quả là bạn đến muộn. Lần tới, nếu muốn làm thêm điều gì trước khi đi làm, hãy đảm bảo rằng bạn dành ra thêm thời gian cần thiết.

Bên cạnh đó, việc bạn đi làm muộn cũng ảnh hưởng không nhỏ tới những người xung quanh. Họ cũng sẽ đánh giá bạn là một người thiếu chuyên nghiệp trong công việc. Còn nếu bạn thường xuyên chậm deadline thì tốt nhất bạn nên bắt tay vào làm ngay khi nhiệm vụ được giao, tránh tình trạng "nước đến chân mới nhảy". Ông Timothy Wiedman, một chuyên gia về quản lý nguồn nhân lực cho biết: "Những nhân viên trẻ thường không lường trước được việc thực hiện một dự án tốn thời gian như thế nào. Nguyên nhân là vì sẽ có không ít vấn đề phát sinh trong quá trình này và nếu bạn không chủ động ngay từ đầu thì hiệu quả công việc sẽ không được đảm bảo".

Bạn sẽ không được đánh giá cao nếu thường xuyên đi muộn.

 

2. Bạn không biết cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Những ông chủ hiện đại luôn khuyến khích nhân viên của mình làm việc chăm chỉ và vui chơi hết mình. Căng thẳng, áp lực đôi khi có thể khiến hiệu suất công việc giảm sút và việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống sẽ giúp giải quyết phần nào vấn đề này. Tuy nhiên, một lưu ý quan trọng là bạn không nên lạm dụng thời gian ở công ty để làm việc cá nhân như thường xuyên nghỉ ngơi quá giờ, buôn chuyện với bạn bè hay về sớm để đón con.

Nếu bạn đặt những việc cá nhân lên trên công việc thì một điều hiển nhiên là sếp của bạn sẽ dễ dàng nhận ra điều này. Và tất nhiên, cơ hội tăng lương hay thăng tiến của bạn cũng từ đó mà tan thành mây khói. Đối với những việc cần thiết như đón con, bạn có thể thẳng thắn trình bày và thương lượng với cấp trên để được về sớm thay vì tự ý bỏ về khi chưa hết giờ làm.

3. Bạn dành quá nhiều thời gian để dùng điện thoại và mạng xã hội

Điện thoại thông minh và các phương tiện truyền thông xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Theo một khảo sát mới đây, có tới 34% người được hỏi cho biết họ dùng mạng xã hội và thường xuyên kết nối với bạn bè và gia đình khi đang làm việc.

Tuy nhiên, sếp của bạn sẽ biết được điều này bằng một cách nào đó. 55% các ông chủ tin rằng năng suất lao động của nhân viên giảm xuống còn 5 giờ thay vì 8 giờ nếu họ thường xuyên sử dụng điện thoại di động và mạng xã hội. Chính vì vậy, nếu không muốn rơi vào "tầm ngắm" của cấp trên và sớm được tăng lương, tốt hơn hết bạn nên tập trung vào công việc của mình và ít bị phân tán bởi những yếu tố bên ngoài.

 
;

Nên hạn chế sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việc.

 

4. Bạn chia sẻ quá nhiều trên mạng xã hội

Nếu nghĩ rằng sếp của bạn quá bận rộn để lướt Facebook, Instagram hay Twitter thì bạn đã lầm. Những điều bạn chia sẻ trên mạng có thể ảnh hưởng tới sự nghiệp của bạn nhiều hơn bạn tưởng. Một chuyên gia cho biết các nhà tuyển dụng thường xuyên tìm trên mạng xã hội để có thêm thông tin cơ bản về ứng viên. Những bức ảnh nhạy cảm hay bình luận không phù hợp của bạn có thể chống lại bạn trong mắt nhà tuyển dụng hoặc cấp trên.

Tuyệt đối đừng phàn nàn về công việc hay cấp trên trên mạng xã hội, kể cả bạn không kết bạn với họ. Rất có thể đồng nghiệp của bạn thấy được và sẽ nói không tốt về bạn với sếp. Chính vì thế, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đăng tải hay chia sẻ bất cứ điều gì lên mạng.

5. Bạn dùng từ lóng quá nhiều trong công việc

Khi cấp trên gửi email hỏi về dự án bạn đang đảm nhiệm và nhận được thư trả lời với những kí tự viết tắt hay từ lóng, họ sẽ không hài lòng. Có thể bạn đã quen với việc này khi nhắn tin với bạn bè nhưng trong công việc, bạn nên sử dụng ngôn ngữ chính thống.

Thông thường, mỗi nơi đều có quy ước nhất định về văn phong khi trao đổi thư từ với khách hàng cũng như nội bộ công ty. Nếu không muốn trở thành người mất lịch sự và thiếu tôn trọng người khác thì bạn hãy bỏ ngay thói quen này. Hãy chứng tỏ bạn là một nhân viên chuyên nghiệp và xứng đáng được tăng lương ngay từ những việc nhỏ nhất.

6. Bạn bảo thủ và không bao giờ nhận lỗi

Không thừa nhận sai lầm là một trong những lỗi lớn nhất mà bạn mắc phải trong công việc. Có thể bạn có năng lực làm việc nhưng bạn sẽ vô tình làm tổn hại đến sự nghiệp của mình nếu không tiếp thu ý kiến đóng góp hay luôn đổ lỗi cho người khác. Các chuyên gia cho biết đây là hành vi khiến cấp trên không hài lòng nhất về cấp dưới.

Thói quen xấu này cho thấy bạn không sẵn lòng lắng nghe người khác, không muốn chịu trách nhiệm hay sửa chữa sai lầm. Dưới góc độ của nhà quản lý, họ sẽ không bao giờ cân nhắc một người như vậy để được tăng lương hay thăng chức. Dẫu biết là không dễ dàng gì nhưng bạn hãy học cách chấp nhận phản hồi từ những người xung quanh bởi chúng có thể giúp bạn nhận ra được nhiều vấn đề. Thay vì nổi điên lên chứng minh rằng bạn không sai hay đổ lỗi cho người khác, hãy thừa nhận rồi sửa sai và bạn sẽ được cấp trên đánh giá cao hơn đấy!

7. Bạn không mấy để ý đến cách ăn mặc nơi công sở

Một số người có thói quen đi tập gym trước khi đi làm và đôi khi họ quên không tắm gội rồi cứ thế đến thẳng chỗ làm. Và hệ quả là những người đồng nghiệp phải "hứng chịu" mùi cơ thể của họ suốt một ngày làm việc. Điều này thể hiện sự không chuyên nghiệp. Bạn nên ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng và không để cơ thể quá "nặng mùi" khi đi làm. Sẽ chẳng ai góp ý với bạn điều này bởi đây là một vấn đề khá nhạy cảm nhưng ít nhất bạn cũng nên hiểu rõ về cơ thể mình một chút, tránh gây khó chịu cho người xung quanh.

Hãy học tập dần cách ăn mặc của cấp trên bởi một khi ở vị trí cao hơn, bạn sẽ phải chú trọng hơn đến vẻ bề ngoài của mình. Các chuyên gia khuyên rằng nếu muốn được thăng chức, hãy ăn mặc và cư xử như những người ở vị trí mà bạn mong muốn. Việc này giúp bạn trở nên tự tin và chuyên nghiệp hơn trong mắt cấp trên.

 

Nếu tập thể dục, bạn hãy tắm gội sạch sẽ rồi mới đến chỗ làm.

8. Bạn có thái độ không tốt

Trong cuộc sống, ai cũng có lúc tâm trạng không tốt nhưng nếu bạn lúc nào cũng ở trong tình trạng đó thì sếp của bạn sẽ "để ý" ngay đấy. Có thể bạn là một nhân viên nhanh nhẹn và có năng lực nhưng nếu bạn thường xuyên truyền năng lượng tiêu cực hay làm giảm sút tinh thần của đồng nghiệp hoặc ít giao thiệp với người khác thì tên của bạn nhiều khả năng sẽ bị loại khỏi danh sách được tăng lương hay thăng chức.

Công ty nào cũng cần những người có thể truyền năng lượng tích cực cho người khác. Một tập thể vui vẻ, tích cực sẽ làm việc hiệu quả hơn và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của công ty. Chính vì vậy, dù tâm trạng có không tốt đến đâu thì bạn cũng nên tiết chế lại khi đi làm, tránh ảnh hưởng đến người xung quanh, công việc và triển vọng trong tương lai của bạn.

9. Bạn không cố gắng để được quý mến

Bạn không nhất thiết phải trở thành người nổi bật nhất công ty nhưng ít ra bạn cũng nên được nhiều người quý mến. Có một thực tế là có khá nhiều người tuy giỏi giang trong công việc nhưng lại không mấy được lòng người khác. Và những người nãy sẽ khó được cân nhắc để thăng chức.

Khi cấp trên cân nhắc các cấp dưới vào một vị trí cao hơn, họ thường đánh giá cả về mặt này. Một người có năng lực nhưng không mấy ai ưa thường sẽ không được đánh giá cao bằng một người kém hơn một chút nhưng hòa đồng và được nhiều người quý mến. Bạn không nhất thiết phải sống dối lòng mình để được người khác yêu mến nhưng ít nhất hãy tỏ ra là một nhân viên dễ chịu và hòa đồng.

 

Hãy hòa đồng hơn với đồng nghiệp.

Gia Vũ

Chủ đề khác