VnReview
Hà Nội

Sức mạnh của Curiosity chưa bằng nửa iPhone 4S

Curiosity (Tò Mò) có thể là phi thuyền tinh vi nhất từng được cử đến một hành tinh khác nhưng chiếc xe tự hành nặng 900 kg này chạy trên một chiếc máy tính có sức mạnh chỉ như một chiếc smartphone.

Theo báo Stuff của New Zealand, chiếc máy vi tính chính sử dụng để điều khiển phần mềm chiếc xe tự hành Curiosity sau khi đáp xuống bề mặt Sao Hỏa hôm 5/8/2012 vừa qua có tốc độ xử lý chỉ là 200 megahertz, chưa bằng nửa sức mạnh xử lý của iPhone 4S.

Đây là một phần bức ảnh màu panorama do Curiosity gửi về được NASA công bố

Đây là một phần bức ảnh màu panorama do Curiosity chụp gửi về từ Sao Hỏa được NASA công bố. Ngọn núi bên tay trái, nơi Curiosity sẽ đến có tên là núi Sharp.

Cũng như để điều hướng Curiosity, chiếc máy tính này còn điều khiển 10 dụng cụ khoa học và 17 máy ảnh – những thiết bị sẽ chụp gửi về các bức hình chất lượng cao nhất về Hỏa tinh từ trước đến giờ.

Trong số này, NASA cho biết có 2 camera lớn nhất tên là Mastcam. Một chiếc có ống kính 34mm f/8, với góc nhìn khoảng 15 độ; chiếc còn lại dùng ống tiêu cự 100mm f/10, với góc nhìn 5,1 độ. Cả hai đều có cảm biến ảnh 2 MP.

Mastcam có thể quay phim độ phân giải 720p, chụp ảnh panorama 360 độ, và thậm chí có thể dùng cả hai ống kính để chụp ảnh 3D. Vì những hạn chế về đường truyền, ảnh chụp xong sẽ được lưu vào bộ nhớ 8GB và thu nhỏ lại để gửi về NASA. Sau đó sẽ đưa những ảnh gốc về Trái Đất nếu có yêu cầu.

Ngoài ra, có nhiều camera thực hiện các nhiệm vụ riêng biệt: Hazcam và Navcam nhằm định hướng và di chuyển, Chemcam giúp chụp các vật thể ở xa, trong khi Mars Hand Lens Imager (MAHLI) đặt trên những cánh tay robot dùng để chụp ảnh macro các viên đá, sỏi trên sao Hỏa.

"Nếu Curiosity được ghi nhớ về điều gì đó thì đó sẽ là những bức ảnh nó chụp được", ông Glen Nagle, người phát ngôn Canberra Deep Space Communication Complex, cơ quan quản lý 3 ăng-ten giao tiếp với máy tự hành Curiosity nói.

Các nhà khoa học Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) rất phấn khích khi nhận được hình ảnh do Curiosity gửi về.

Bức ảnh panorama Sao Hỏa đầu tiên do camera định vị của Curiosity gửi về Trái Đất

Bức ảnh panorama Sao Hỏa đầu tiên do camera định vị của Curiosity gửi về Trái Đất

Hôm qua, ngày 9/8, Curiosity đã gửi bức ảnh panorama đầu tiên về trái đất từ cặp camera định vị đen trắng NavCams. Cặp camera này giúp dẫn đường xe tự hành này khi nó bắt đầu di chuyển trên khắp bề mặt Sao Hỏa.

Curiosity hôm qua cũng đã sử dụng NavCams để chụp những bức ảnh độ phân giải cao đầu tiên. Hôm thứ Ba tuần này, Curiosity đã truyền về bức ảnh màu đầu tiên chụp bằng camera MAHLI.

Theo BBC, chiếc xe đồng thời là phòng thí nghiệm tự động Curiosity sẽ kiểm tra lại các dụng cụ khoa học trước khi bắt đầu công tác nghiên cứu trong thời gian ít nhất là 1 năm trên Sao Hỏa, bằng 687 ngày trên Trái Ðất.

Curiosity gửi dữ liệu, gồm hình ảnh, trở về Trái Đất qua nhiều ăng-ten của mình thông qua các tàu thám hiểm Sao Hỏa là Reconnaissance và Odyssey. Nó cũng có thể gửi thông tin trực tiếp về Trái Đất.

Hải Ninh

Chủ đề khác