VnReview
Hà Nội

Hà Nội muốn thu phí phương tiện đi vào nơi ùn tắc

Để giảm tải ùn tắc giao thông, Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT sớm ban hành phí phụ thu ô nhiễm môi trường và phí phương tiện xe cơ giới đường bộ vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Hà Nội đề xuất nhiều phương án giám tải tắc đường. Ảnh minh họa: Internet

UBND TP. Hà Nội và Bộ GTVT vừa tổ chức hội nghị đánh giá về công tác phối hợp giữa hai bên.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết: với tốc độ phát triển dân số, phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố như hiện nay, trong khi nhiều công trình giao thông quan trọng đang trong giai đoạn đầu tư theo quy hoạch, ý thức của một bộ phận doanh nghiệp vận tải và người dân tham gia giao thông chưa cao. Tình hình ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, các vi phạm trật tự an toàn giao thông, xe dù bến cóc, xe quá khổ quá tải đã được tập trung chỉ đạo giải quyết nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp…

Ngoài việc kiến nghị đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt công cộng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng đề nghị Bộ GT-VT báo cáo Chính phủ bổ sung và Nghị định 86/NĐ-CP quy định chặt chẽ hơn xe hợp đồng nói chung và thống nhất với Hà Nội trong việc đưa ra các quy định cụ thể nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của taxi truyền thống; quy định xe kinh doanh vận tải hành khách đến 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ thông tin phải được quản lý tương tự như taxi; phối hợp với thành phố xây dựng và ban hành quy chế quản lý xe taxi nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của taxi truyền thống, góp phần giảm ùn tắc giao thông và đủ sức cạnh trạnh với taxi công nghệ.

Ngoài ra, thành phố cũng đề nghị Bộ GT-VT cùng thống nhất kiến nghị Quốc hội bổ sung và ban hành Luật phí, lệ phí mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện; phí phương tiện xe cơ giới đường bộ vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông; quản lý xe đạp điện tương tự như xe máy; quy định chủ xe ô tô phải lắp đặt thiết bị thu phí tự động và mở tài khoản để phục vụ công tác thu phí và xử lý vi phạm.

Các đề xuất này cũng đã từng được UBND Hà Nội đưa ra trong Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030" (hồi tháng 8 năm ngoái) với hàng loạt biện pháp hành chính và biện pháp kinh tế được đưa ra nhằm quản lý phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có giải pháp quản lý phương tiện tham gia giao thông và giải pháp quản lý chất lượng phương tiện tham gia giao thông.

Theo ICTnews

Chủ đề khác