VnReview
Hà Nội

Mua theo nhóm: website chủ “deal” là lợi nhất

Mô hình mua theo nhóm trên mạng đúng ra phải mang lại lợi ích cho cả ba bên: website, nhà cung cấp và người tiêu dùng nhưng thực tế, không chỉ người dùng bị thiệt mà có trường hợp cả doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ cũng thiệt. Xem ra, chỉ có website "nhà cái" là hưởng lợi nhất.

Đánh vào tâm lý thích mua hàng giảm giá, hàng loạt trang web bán theo nhóm đua nhau ra đời. Đặc điểm chung của các trang này là bán tổng hợp các loại sản phẩm từ thượng vàng hạ cám như kim chỉ, giày dép, quần áo, nữ trang, bút, USB, máy tính bảng… Tuy nhiên, việc một số DN đưa sản phẩm, dịch vụ lên tham gia chỉ nhằm quảng cáo mà không đảm bảo chất lượng đang làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Tiền nào tất của đó!

Kinh tế khó khăn, các trang web bán theo nhóm trở thành sự lựa chọn của nhiều DN. Cơ sở massage mặt Như Ngọc (phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) là một địa điểm kinh doanh mới, lại nằm trong hẻm nên việc tìm kiếm khách khá khó khăn. Chị Phạm Như Huyền, phụ trách kinh doanh, cho biết đã quảng cáo trên Facebook và các blog cá nhân nổi tiếng vẫn không ăn thua, trong khi không dễ để quảng cáo được trên báo, cái khó nhất chính là chi phí quá khả năng. Theo chị, sau khi triển khai trên Hotdeal thì bắt đầu có nhiều khách hàng hơn.

Anh Đỗ Tuấn Hùng Mạnh, Giám đốc điều hành khu du lịch Mỏm Đá Chim Lagi (Bình Thuận), cũng chọn giải pháp bán tour trên Hotdeal. Dù doanh thu không cao do giảm phí bán phòng nhưng anh đã giải quyết được vấn đề chi phí cho nhân viên trong lúc thấp điểm.

Ngoài các DN kinh doanh đàng hoàng, muốn tận dụng trang web mua chung để tăng hiệu quả kinh doanh thì không ít DN lại đưa sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng lên đây.

Chị Huỳnh Thị Tố Nga (quận Phú Nhuận) kể, sau khi sử dụng phiếu mua trên Hotdeal đi điều trị mụn thì ngày hôm sau mặt chị bị ngứa và sưng tấy. Xem xét lại, với giá 70.000 đồng cho một lần spa thì chất lượng như thế có lẽ cũng tương xứng. Các sản phẩm phụ kiện thời trang, đồ gia dụng, quần áo… tràn lan trên các website bán theo nhóm cũng có giá rất rẻ như túi xách khoảng 100.000 đồng/chiếc. Không chỉ vậy, mức giảm giá cũng rất "khủng", mức giảm hơn 50% xuất hiện khá nhiều.

Đại diện một trang web bán hàng theo nhóm cho biết dịch vụ/sản phẩm có tốt hay không phụ thuộc vào nhà cung cấp và khả năng thẩm định, quan điểm kinh doanh của mỗi website. Theo vị này, rất nhiều nhà cung cấp không xem trọng chất lượng dịch vụ hoặc thiếu khả năng cung ứng cho số đông gây ra quá tải, giảm chất lượng.

Như vậy, sự lỏng lẻo, vô trách nhiệm với người tiêu dùng của các bên đang khiến cho các "deal" kém chất lượng ngang nhiên có mặt tràn lan trên các website này.

Nhà cung cấp cũng thiệt

Tùy theo sản phẩm và mối quan hệ với nhà cung cấp, phần hoa hồng website bán hàng theo nhóm nhận được sẽ từ 5% đến 30%. Sau đó, website phải xuất ngược lại 10% VAT trên mức hoa hồng cho nhà cung cấp. Tuy nhiên, không phải website nào cũng thực hiện đúng như vậy.

Một DN xuất khẩu túi xách (quận Tân Bình) cho hay, mấy tháng trước DN còn ít hàng lỗi tồn kho nên đăng trên một website bán theo nhóm. Sau khi bán hết sản phẩm, trang web này lại không chịu xuất hóa đơn. "Các website này thường thu lợi nhuận gấp 20 lần so với nhà sản xuất. Chẳng hạn, với mỗi túi xách giá 150.000 đồng, họ "ăn" 29.000 đồng. Với số lượng 500 túi xách, website phải xuất hóa đơn 10% trên 29.000 đồng cho mỗi sản phẩm nhưng họ lại không chịu làm. Đó là chưa kể họ không chỉ làm việc với một nhà cung cấp, một sản phẩm" - vị này nói.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử, cho biết mức hoa hồng là do hai bên thỏa thuận, còn việc không xuất hóa đơn ngược trở lại thì cơ quan chức năng phải xử lý. "Để giảm rủi ro, ngay từ đầu DN phải có điều khoản rõ ràng trong hợp đồng, đánh giá về điều kiện kinh doanh, thương hiệu… của đối tác" - ông Quý nhấn mạnh.

Trả lời về tình trạng nhiều sản phẩm có mức giảm giá hơn 50%, ông Dũng nói thanh tra các sở Công Thương địa phương đang kiểm soát nhưng không phải lúc nào cũng "rình mò" để xử phạt được. Mặt khác, nhiều sản phẩm đăng bán trên các website này là hàng không chính hãng. Các website phải chịu trách nhiệm đầu tiên, đơn vị cung cấp chịu trách nhiệm liên đới.

Thiếu quản lý, chế tài

Theo ông Trương Văn Quý, Giám đốc Trường Đào tạo Marketing EQVN (TP.HCM), mô hình website bán hàng theo nhóm tại Việt Nam đang phát triển méo mó so với thế giới. Trước hết, bản thân DN mới ra đời chưa biết làm marketing mà muốn có lợi nhuận ngay nên xem các website mua theo nhóm là kênh phân phối chính. Tuy nhiên, việc cứ "lang thang" hết trang này đến trang khác thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của DN. Bên cạnh đó, người tiêu dùng thêm thói quen chờ đợi giảm giá mới mua, nếu không thấy giảm họ không đến cửa hàng mua trực tiếp nữa. Thêm nữa, nhiều website dạng này "liên kết" với DN cung cấp để nâng giá cao lên rồi đưa ra mức giảm lớn thì người tiêu dùng càng thiệt…

Trong khi đó, ông Quý cho biết ở nước ngoài, DN làm theo dạng cho người tiêu dùng trải nghiệm dịch vụ trước hoặc thông qua các kênh này giải quyết hàng tồn kho, bán số lượng lớn lấy lời thấp. Do đó, kênh này chỉ để kinh doanh có lợi tức thì chứ không lâu dài được. Một mô hình bán hàng theo nhóm trên mạng đúng phải mang lại lợi ích cho cả ba bên: website kinh doanh, nhà cung cấp và người tiêu dùng.

Trước tình trạng trên, bà Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng văn phòng đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tại TP.HCM, cho biết mô hình này đang phát triển khá nhanh trong khi nhân sự quản lý hạn chế cùng sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng nên việc quản lý chưa tốt. "Hy vọng vào năm 2013, khi dự thảo nghị định thương mại điện tử được ban hành sẽ đủ chế tài để xử phạt mạnh cũng như quản lý chặt chẽ hơn" - bà nói.

Theo Pháp luật TPHCM

Chủ đề khác