VnReview
Hà Nội

"Kẻ phản quốc" Edward Snowden xin tị nạn tại 21 nước

Edward Snowden, người hé lộ kế hoạch theo dõi người dùng Internet và thuê bao di động của cơ quan an ninh Mỹ đã gửi đơn xin tị nạn đến 21 nước, theo một tuyên bố từ trang Wikileaks.

Hôm nay, BBC đưa tin những quốc gia này bao gồm Trung Quốc, Pháp, Ireland và Venezuela. Trong khi đó Nga và Na Uy cũng xác nhận họ đã nhận được đơn của Snowden.

Hiện nay Snowden - cựu nhân viên CIA đang trú ẩn tại sân bay Moscow - vẫn đang nằm dưới sự truy lùng của Mỹ bởi cáo buộc tiết lộ bí mật.

Snowden

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông John Kerry đang đàm phán với người đồng cấp của Nga, ông Sergei Lavrov bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN tại Brunei. Hai ông được hy vọng sẽ bàn bạn về vụ việc của Snowden.

Thông cáo báo chí của Wikileaks cho rằng hầu hết các đơn xin tị nạn, bao gồm cả đối với Nga, đã được chuyển đến lãnh sự quán của Nga ở sân bay Sherremetyevo vào cuối ngày Chủ nhật 30/6 vừa qua. Sau đó các đơn này sẽ được chuyển đến đại sứ quán của các nước liên quan có tại Moscow.

Người nhận nhiệm vụ chuyển các đơn xin tị nạn này là Sarah Harrison, một thành viên người Anh của đội pháp lý thuộc Wikileaks. Đội này hiện đang hoạt động với tư cách làm đại diện cho Snowden, bản tuyên bố cho hay.

Một quan chức Nga xác nhận rằng họ đã nhận được đơn, nhưng cho đến giờ điện Kremlin vẫn chưa đưa ra bình luận nào.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định Moscow "không bao giờ giao nộp ai đi bất cứ đâu và không hề có ý định nào như vậy". Ông Putin còn ra điều kiện rằng Snowden sẽ được ở lại Nga nhưng phải dừng ngay các hoạt động tiết lộ thông tin làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác Nga – Mỹ.

Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết đại sứ quán của họ tại Moscow đã nhận được một đơn tị nạn qua đường fax, "có thể là của anh ta (Snowden)".

Trước đó, Snowden cũng đã gửi đơn tị nạn đến Ecuador và Iceland. Hiện tại, Julian Assange – ông chủ Wikileaks cũng đang trú trong đại sứ quán của Ecuador tại London trước yêu cầu bị dẫn độ trở về Thụy Điển.

Tổng thống Ecuador Rafael Correa thông báo với tờ Agence France-Presse vào ngày thứ Hai vừa qua rằng đất nước của ông sẽ xử lý yêu cầu tị nạn của Snowden nếu anh này đến được một đại sứ quán của Ecuador.

Tuy nhiên, ông cũng bổ sung thêm rằng nếu anh ta có thể hoàn thiện yêu cầu tị nạn trên lãnh thổ Nga, "tình huống có thể được xử lý và giải quyết xong xuôi tại đó".

Chi tiết bức thư của Snowden gửi đến Tổng thống Correa đã được tiết lộ. Trong đó, cựu nhân viên CIA gửi lời cảm ơn đến Ecuador vì đã đảm bảo "quyền lợi của tôi được bảo vệ khi rời Hồng Kông – tôi không thể mạo hiểm rời đi đâu nếu không có điều đó".

Các nguồn tin đều cho biết Snowden đang trú ở khu vực quá cảnh tại sân bay Sheremetyevo kể từ khi đặt chân xuống đây sau chuyến bay xuất phát từ Hồng Kông ngày 23/6.

"Người không quốc tịch"

Phát biểu tại Tanzania vào thứ Hai, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết Moscow và Washington đã có những cuộc bàn luận cấp cao về trường hợp của Snowden, người được cho là đã tới Moscow mà không có đầy đủ giấy tờ cần thiết.

Snowden tự nhận mình là "người không quốc tịch", cáo buộc chính quyền Mỹ đã cản trở anh ta thực hiện "quyền cơ bản để xin tị nạn".

"Tổng thống đã yêu cầu Phó tổng thống phải đặt sức ép lên các quốc gia tôi đang xin tị nạn để khiến họ từ chối yêu cầu của tôi", Wikileaks dẫn lời Snowden.

"Kiểu lừa dối từ một nguyên thủ quốc gia như vậy không hề là công lý, và kể cả hình phạt tha hương ngoài vòng pháp luật. Đây là những thủ đoạn chính trị cũ kĩ và tồi tệ. Mục tiêu của họ là đe dọa, không phải tôi, mà là những người sẽ giúp đỡ tôi".

Vụ việc tiết lộ hàng nghìn tài liệu tình báo tuyệt mật đã khiến chương trình thu thập thông tin từ điện thoại và dữ liệu duyệt web một cách có hệ thống của Mỹ bị bại lộ.

21 quốc gia mà Snowden muốn xin được tị nạn gồm:

Áo, Bolivia, Brazil, Trung Quốc Cuba, Ecuador, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, Ấn Độ, Italy, Ireland, Hà Lan, Nicaragua, Na Uy, Ba Lan, Nga, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Venezuela.

Việt Dũng

Chủ đề khác