VnReview
Hà Nội

Chân dung Ulbricht: kẻ đứng sau "chợ ma túy" lớn nhất Internet

Đã bao giờ bạn tự đặt ra câu hỏi: Lý tưởng sống và niềm khát khao của Ross Ulbricht, kẻ đứng đằng sau Silk Road, là gì hay chưa? Bài viết này sẽ phần nào giúp bạn hình dung một phần về kẻ tệ hại này.

Ông trùm ma túy ảo đã bị bắt giữ như thế nào?

Một buổi chiều bình thường tại San Francisco, một vài người đàn ông mặc thường phục bước vào Thư viện Glen Park, một thư viện khá bình thường nằm trên phố Diamond Street. Họ bước chân vào một cách chậm rãi, tiến đến khu vực sách khoa học viễn tưởng. Trong góc này, có một chàng trai trẻ với tóc màu nâu, mặc quần bò và áo phông có vẻ như đang ngồi chat với bạn bè.

Nhân viên tại thư viện Glen Park không quen mặt người thanh niên này. Tại thư viện Glen Park, mạng Wi-fi hoàn toàn không bị chặn, cho phép người dùng sử dụng Internet không bị giới hạn. Glen Park chỉ đưa ra yêu cầu tránh duyệt các thông tin phạm pháp "để tôn trọng" những người khác tại thư viện mà thôi.

chân dung ross ulbricht silk road trùm ma túy internet

Có một tiếng động lớn vang lên: ai đó đã ngã xuống sàn nhà – theo trí nhớ của các nhân viên thư viện. Khi chạy tới hiện trường, họ phát hiện ra nhiều người đàn ông đang dí sát mặt của chàng trai trẻ kia vào cửa sổ. Lúc đầu, mọi thứ trông giống như một cuộc ẩu đả.

Ít ai biết rằng chàng trai trẻ trông có vẻ rất bình thường kia là một ông trùm ma túy triệu đô đứng đằng sau sau Silk Road, chợ ma túy ảo lớn nhất thế giới. Chàng trai đã từng theo học đại học chuyên ngành vật lý và kỹ sư này không mở công ty khởi nghiệp như các bạn đồng môn, mà đang đứng đầu chợ đen ma túy và hàng cấm số 1 Internet, và cũng đã bị cáo buộc 2 lần ra lệnh giết người để bảo vệ đế chế của mình.

"Chúng tôi là FBI", những người đàn ông lạ mặt lên tiếng khẳng định. Sau khi áp giải Ulbricht ra khỏi thư viện, 2 người trong số họ trở lại thăm dò hiện trường. Họ không phát hiện ra bất cứ điều gì bất thường: người vừa chat cùng Ulbricht là một nhân chứng phối hợp với FBI.

Vụ bắt giữ Ulbricht là kết quả của hơn 1 năm "rượt đuổi công nghệ cao" cũng như những công tác điều tra "truyền thống" khác. Vào ngày 2/10/2013, FBI tuyên bố Ulbricht đã điều hành Silk Road từ năm 2011, và trong 1 năm trở lại đây hắn ta đã điều hành chợ ma túy ảo này từ nhà ở và một quán cà phê ở gần nhà mình. Tên gọi của Ulbricht trên mạng là Dread Pirate Roberts, một nhân vật từ bộ phim The Princess Bride. Ulbricht bị buộc tội buôn ma túy, rửa tiền và cố ý giết người.

Người đứng đầu vụ điều tra Silk Road chính là đặc vụ FBI lừng danh Christopher Tarbell, người đã lãnh đạo vụ bắt giữ Hector "Sabu" Monsegur, kẻ cầm đầu băng đảng hacker LulzSec nổi tiếng.

Đến ngày thứ năm của tuần đó, FBI đã đánh sập Silk Road. Những người truy cập vào Silk Road sẽ nhận được thông báo rằng trang web này đã bị các nhà cầm quyền kiểm soát. Tài khoản ảo chứa hàng nghìn Bitcoins (đơn vị tiền tệ được dùng trên Silk Road) cũng bị cảnh sát chiếm quyền kiểm soát. Tài khoản này có giá trị quy đổi 34,5 triệu đô la Mỹ, và có thể phần lớn số tiền mà Ulbricht sở hữu vẫn còn ở trên mạng. "Hoa hồng" mà Ulbricht nhận được cho các giao dịch trên Silk Road mỗi ngày lên tới 20.000 USD, tổng cộng là 80 triệu đô la. Một khoản lớn trong số này được dùng để duy trì hoạt động của Silk Road.

Tổng số giao dịch mua bán trên toàn bộ hệ thống Silk Road lên tới 1,2 tỉ USD, với gần 1 triệu người dùng ẩn danh. Đây là chợ ma túy lớn nhất trên Internet toàn cầu.

Chân dung của ông trùm trong mắt gia đình và bạn bè

Theo FBI, Ulbricht đã 2 lần ra lệnh giết những người có thể tiết lộ tên của khách hàng: một lần đối với "nhân viên" của Silk Road vào tháng 1/2013 và lần thứ 2 là đối với một mật vụ nằm vùng của FBI. Trong vụ đầu tiên, Ulbricht "trả giá" 40.000 USD, yêu cầu "bằng chứng xác nhận cái chết bằng video". Cảnh sát làm giả ảnh chụp vụ giết người này, và khi Ulbricht nhìn thấy chúng hắn ta nói "Tôi hơi sợ, nhưng không sao. Tôi mới bắt đầu quen với những thứ này". Hắn khẳng định:"Tôi không nghĩ mình đã làm sai".

chân dung ross ulbricht silk road trùm ma túy internet

Tranh vẽ trong tòa án Mỹ, vụ xử Ulbricht

Sau khi Ulbricht bị bắt, ảnh của hắn nhanh chóng bị lôi từ Facebook và Linkedln cá nhân lên rất nhiều trang tin và Twitter. Buổi sáng ngày thứ năm, một người dân San Francisco cầm tờ báo Examiner, nhìn trang nhất và gửi tin cho bạn cùng phòng: "Buồn cười thật. Trông hắn giống như người thuê phòng của chúng ta ".

"Không phải là giống, mà chính là hắn". Người bạn của anh này gửi lại bài báo nói về một sinh viên tốt nghiệp ngành Vật lý tại Đại học Texas với kinh nghiệm "trao đổi ngoại tệ".

2 người này, được Forbes gọi tên "Drew và Brandon", đã sống trong căn nhà mà Ulbricht thuê với giá 1.200 USD/tháng trên đường 15th Avenue, quận West Portal, San Francisco. 2 người này cho biết Ulbricht đã đăng tin tìm nhà trên Craiglist, và cũng chỉ là "một người đàn ông Texas có tính cách dễ chịu và rất sạch sẽ, ngăn nắp" mà thôi. Ulbricht không có điện thoại di động, và trả tiền bằng tiền mặt.

Những người sống cùng nhà với Ulbricht không mảy may nghi ngờ vì Ulbricht, với tên gọi giả là "Josh", vừa mới chuyển đến từ Sydney. Họ mô tả hắn "là một người bình thường". "Josh" rất lịch sự, dễ gần, và chỉ có rất ít đồ dùng: laptop, quần áo. Ulbricht dành phần lớn thời gian trong phòng ngủ, với lời giải thích rằng hắn đang tham gia trao đổi tiền tệ. Điều kì lạ nhất về "Josh" là hắn ta thích cởi trần đi lại trong nhà. "Josh" gần như không bao giờ đi ra ngoài, ngay cả trong ngày Quốc khánh Mỹ 4/7, và tự nấu món bít-tết ăn tại nhà. Với khoản tiền khổng lồ của mình, Ulbricht tiêu rất ít tiền.

Ulbricht có gia đình tại Austin, nhưng theo những người sống cùng căn nhà, hắn ta đã cắt đứt liên lạc với bạn bè. Bà ngoại của Ulbricht đã tỏ ra rất bất ngờ khi nghe tin cháu mình bị bắt và nói với Forbes rằng "Nó rất giỏi máy vi tính". Anh trai cùng cha khác mẹ của Ulbricht cho rằng em của mình "là một đứa bé rất giỏi và thông minh". Một người bạn thân từng sống cùng phòng với Ulbricht có tên gọi Rene Pinnell tuyên bố với The Verge rằng cảnh sát đã bị nhầm. "Tôi dám chắc không phải là Ulbricht".

"Sự nghiệp" tại Silk Road

"Sự nghiệp" của Ulbricht trên Silk Road hoàn toàn đối nghịch với khung cảnh thế giới thực xung quanh hắn ta. Tại San Francisco, buôn ma túy không phải là chuyện lạ. Bạn sẽ thường xuyên bắt gặp những người vô gia cư bán ma túy, thậm chí là ngay trước cửa thư viện nơi Ulbricht bị bắt.

Nhờ có Silk Road, bạn không phải bước vào những con phố vắng vẻ, không phải "làm quen" với những kẻ bán ma túy nghuy hiểm.

Tại Mỹ, luật lệ về một số loại ma túy giữa các bang là hoàn toàn khác biệt, do đó bạn có thể dễ dàng "lách luật" trên Internet. Chưa kể, khi mua hàng từ đường phố, bạn không biết đó là "hàng tốt" hay hàng rởm.

chân dung ross ulbricht silk road trùm ma túy internet

Trên Silk Road, bạn có thể mua tất cả các loại ma túy, từ ecstasy cho tới LSD (những biến thể ma túy gây ảo giác mạnh). Quan trọng hơn hết, "gian hàng" trên Silk Road cũng có hệ thống xếp hạng giống như Amazon và eBay. Trong 3 tháng đầu 2013, có tổng cộng hơn 10.000 món hàng được bày bán, trong đó 70% là ma túy. 159 "dịch vụ" khác cũng được trưng dụng, cho phép hack vào tài khoản Twitter, Facebook. Silk Road cũng có tới 800 đơn hàng mua tài khoản Amazon, Netflix đã bị hack, các nội dung bị xâm phạm bản quyền. Bằng lái xe giả, hộ chiếu giả, hóa đơn giả, sao kê thẻ tín dụng giả… tất cả đều được bày bán trên Silk Road.

Khách hàng của Silk Road được bảo đảm an toàn vì trang web này sử dụng giao thức Tor cho phép xóa đi mọi dấu vết trực tuyến. Bạn không phải trả bằng thẻ tín dụng hay PayPal trên Silk Road. Đơn vị tiền duy nhất được chấp nhận là Bitcoin – đồng tiền ảo "không có một dấu vết nào và cũng không bị bất cứ chính phủ hay ngân hàng nào kiểm soát". Bitcoin được sản sinh bởi một hệ thống máy vi tính và về bản chất chỉ là một chuỗi số khổng lồ.

Số lượng các trang web bán ma túy là không nhỏ, song Silk Road lại trở nên thành công nhờ có giao diện dễ sử dụng và hệ thống chi trả bằng Bitcoins. Các luật lệ được Tên cướp biển Khét tiếng Roberts (Dread Pirate Roberts, tên tài khoản của Ulbricht) đặt ra cũng được các "thượng đế" tán thưởng.

Lý tưởng của Tên cướp biển Khét tiếng Roberts

Trong 2 năm vừa qua, Dread Pirate đã trả lời phỏng vấn báo chí một vài lần. Trong một cuộc phỏng vấn với Kotaku, một blog chuyên về game nổi tiếng, hắn ta tuyên bố lý tưởng của mình đến từ triết lý tự do hỗn loạn của thuyết Agorism (chống chính phủ một cách hòa bình): "Ngừng trả tiền cho chính phủ bằng tiền thuế và hãy dành nguồn năng lượng làm việc của bạn cho thị trường đen".

Đến năm 2013, Dread Pirate tuyên bố với Forbes rằng "vai trò chủ yếu của Silk Road" là "một cách để vượt qua các luật lệ của chính phủ". Hắn ta cũng gợi ý rằng Silk Road có thể sẽ bán cả vũ khí: "Súng ống và đạn dược đang bị chính phủ kiểm soát tại quá nhiều nơi trên thế giới".

Ngay cả nước Mỹ, với hệ thống luật pháp vững mạnh và bộ luật kiểm soát quyền sử dụng súng cũng đã hỗn loạn vô số lần vì súng ống. Nếu Ulbricht thực hiện tham vọng của mình, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều: tội phạm có tổ chức sẽ được "chắp cánh bay trên Internet".

chân dung ross ulbricht silk road trùm ma túy internet

Ulbricht là một người "cuồng" tư tưởng tự do xã hội, là một thành viên của Nhóm Chủ nghĩa Tự do khi còn theo học tại Đại học Penn State. Bài blog duy nhất mà hắn đăng lên Facebook có tên "Suy nghĩ về Tự do", một bài viết thể hiện lý tưởng tự do của Ulbricht. Hắn đăng bài này vào ngày 5/7/2010, sau ngày Quốc khánh Mỹ 1 ngày, và đúng 3 năm trước khi bị bắt.

Có thể nói, trong một thế giới hoàn toàn trái ngược với thế giới của chúng ta, "sự nghiệp" của Ulbricht là một minh chứng hoàn hảo cho lý tưởng của các kỹ sư tại Thung lũng Silicon: Chỉ cần sử dụng đúng thuật toán, đúng công nghệ, bạn sẽ thay đổi cả xã hội. Trên đường phố Bay Arena, California, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều kỹ sư trẻ tuyên bố rằng mình có thể thay đổi hệ thống an sinh xã hội, hệ thống giáo dục, rằng có thể dùng GPS để giảm tỉ lệ phạm pháp v…v… Các công ty như Airbnb đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của nhiều ngành công nghiệp lâu đời, và các nhà sáng lập của họ về bản chất cũng chỉ là một hacker như Ulbricht. Họ không chỉ "trộn" một vài dòng code lại với nhau mà còn xáo trộn cả hệ thống kinh tế và tư tưởng của toàn xã hội.

Ulbricht đã mang tư tưởng đó (và cả thái độ chống đối điển hình của Internet) đi thêm một bước và "bôi đen" nó: hắn thể hiện quan điểm rằng đạo đức cá nhân của con người không phải là việc của chính phủ, đặc biệt là với ma túy và mại dâm. Nhiều người bị sốc khi biết Ulbricht không thèm bỏ chạy sang Mỹ Latin mà điều hành chợ ma túy của mình ngay tại San Francisco, và rằng hắn ta còn trả lời phỏng vấn với báo chí chính thống. "Việc một tên trùm ma túy trả lời phỏng vấn như thể hắn là một CEO của một công ty thành công là không đúng đắn một chút nào hết", Pavel Durov, người đứng đầu của VK.com, "Facebook của Nga" khẳng định.

Thành công bậc nhất trong số tất cả những doanh nhân tại St. Petersbug, Durov cũng đã từng chạm trán với pháp luật. "Tôi tin rằng các xã hội phải nới lỏng ra một chút", Durov khẳng định.

Tuy vậy, trái ngược hẳn với các doanh nhân/kỹ sư chân chính, Ulbricht có vẻ quan tâm tới việc ẩn danh hơn là mang tới thay đổi cho xã hội. Hắn ta cố gắng quá sức để che giấu bản thân, lúc nào cũng sẻ dụng Tor và chỉ liên lạc qua hệ thống chat của Silk Road.

"Các cấp chính phủ cao nhất đang gây tổn hại cho tôi. Tôi không thể đánh cược với bất kì khả năng nào".

Liều mạng và sa lưới

http://www.theguardian.com/technology/2013/nov/10/silk-road-internet-market-illegal-drugs-ross-ulbricht

Thực tế là Ulbricht đã đánh cược danh tính của mình rất nhiều lần. Vào tháng 1/2011, một người dùng có tên "altoid" đăng tải lên một trang bán ma túy trực tuyến (không phải Silk Road) rằng: "Ai biết Silk Road không? Giống như là amazon ẩn danh vậy".

Bài viết này kèm đường dẫn tới địa chỉ Tor của Silk Road, và một bài hướng dẫn tham gia. Sau đó, bài viết này bị copy đem gửi lên các diễn đàn khác. Cuối cùng, "altoid" mắc một sai lầm chết người: hắn thông báo với người dùng tại một diễn đàn Bitcoin hãy liên lạc với "rossulbricht@gmail.com".

Đến tháng 7, Ulbricht bị hải quan và cục quản lý xuất nhập cảnh Hoa Kỳ ghé thăm do họ đã bắt được một bộ hộ chiếu giả từ Canada, sử dụng nhiều tên khác nhau với ảnh của Ulbricht. Ulbricht không bị bắt, song cũng đã hiên ngang tuyên bố ai cũng có thể lên một trang web có tên Silk Road và mua giấy tờ giả tại đây.

Những cuộc điều tra sau đó giúp cảnh sát phát hiện thêm 6 máy chủ của Silk Road, và qua đó theo dõi người mua, người bán trong nhiều tháng liền.

Cơ quan Chống tội phạm Quốc gia Anh cho biết các cuộc bắt giữ sẽ tiếp tục. Ít lâu trước khi Ulbricht bị bắt, FBI đã bắt được một tên trùm ma túy khác vào tháng 7, sau đó thả hắn ra làm mồi nhử. Kẻ giúp đỡ cho FBI là Steve Sadler, cư trú tại Seattle. Hắn đã từng bán heroin, cocaine và methamphetamine trên Silk Road, nhưng cuối cùng lại giúp FBI truy bắt mục tiêu lớn nhất.

Khi bị bắt, Ulbricht tuyên bố không dính dáng tới Silk Road, và cũng không phải là người điều hành chợ ma túy ảo này. Song, vụ bắt giữ Ulbricht và việc các máy chủ bị thu giữ cho thấy khả năng 960.000 người dùng trên Silk Road bị cảnh sát sờ gáy là rất lớn.

"Cách tốt nhất để thay đổi một chính phủ là thay đổi tư tưởng của những kẻ bị thống trị", Ulbricht tuyên bố trên trang Linkedln của mình, nơi mà hắn mô tả mình là một doanh nhân. "Tôi đang tiến hành giả lập nền kinh tế, nơi mọi người có thể trải nghiệm cuộc sống nơi không có hệ thống vũ trang là như thế nào". Điều đáng nói là, "doanh nhân" mang tư tưởng tự do này đã không đem lại được bất cứ giá trị tích cực nào cho xã hội, và cuối cùng cũng đã sa lưới luật pháp.

Lê Hoàng

Theo The Guardian

Chủ đề khác