VnReview
Hà Nội

Công nghệ làm chữ "E" thất sủng và qua đời

Chữ cái "E", một nguyên âm đầy quyền lực và cũng là một trong những chữ cái được sử dụng nhiều nhất trong tiếng Anh, đã qua đời. Chữ E hưởng thọ 2.800 năm tuổi.

cáo phó chữ e thế giới số flickr tumblr

Nguyên nhân dẫn tới cái chết của chữ E là do bị "thất sủng" trong môi trường công nghệ hiện đại – chữ F, người em ruột của chữ E, cho biết.

Một thời từng được coi là chữ cái có ảnh hưởng lớn nhất trong bảng chữ cái Latin, sang thế kỉ 21 chữ A đã được coi là chữ cái đại diện cho thế giới số. Song, trong những năm gần đây, chữ E đã phải trải qua rất nhiều sự kiện đau buồn gắn liền với sự trỗi dậy của các dịch vụ online. Chữ E chết vào ngày 20/5/2013.

Mới chỉ cách đây 15 năm, vào năm 1998, Hiệp hội Ngôn ngữ Hoa Kỳ ADS đã bầu chọn chữ cái E là "Từ của Năm" và "Từ Có khả năng Thành công cao nhất" (chữ E đánh bại cụm từ "quan hệ tình dục" với tỉ số sát sao 31 – 28). Khi trao giải cho chữ E, Hiệp hội này đã chỉ rõ vai trò quan trọng của chữ E trong việc mô tả các công nghệ số đang bùng nổ như e-mail, e-commerce (thương mại điện tử) và e-tailing (bán lẻ điện tử).

Thế nhưng, vào năm 2004, Stewart Butterfield và Caterina Fake sáng lập ra Flickr, một dịch vụ chia sẻ ảnh có tên thiếu mất chữ E. "Lý do khiến chúng tôi bỏ chữ E", theo bà Fake, "là chúng tôi không thể mua được tên miền Flicker.com (Flicker - tạm dịch: nhấp nháy, rung qua rung lại)…Các thành viên còn lại của đội chúng tôi muốn sử dụng các tùy chọn như FlickerIt (tạm dịch: 'vẩy' nó đi) hoặc FlickerUp (tạm dịch: "vẩy" ảnh lên) nhưng bằng cách nào đó, thông qua biện pháp thuyết phục bằng… vật tay, tôi đã thắng". Một năm sau, Flickr được Yahoo mua lại với giá 35 triệu USD. Đây là tin tốt cho công ty, song lại là tin xấu với chữ E.

Ngay sau đó, các dịch vụ online mới thành lập bắt đầu từ bỏ chữ E như thể đó là một loại rác thải độc hại vậy. Vào năm 2009, Grindr, một mạng xã hội dành cho người đồng tính tiếp bước Flickr loại bỏ chữ E. "Câu lạc bộ loại bỏ chữ E" tiếp tục mở rộng với những cái tên như Blendr, Gathr, Pixlr, Readr, Timr, Viewr, Pushr…

Dĩ nhiên, sự ra đời của dịch vụ blog Tumblr vào năm 2007 chính thức đánh dấu sự ra đi của chữ E. "Có rất nhiều lý do vì sao Tumblr không có chữ E, từ cân nhắc về thương hiệu cho tới yếu tố môi trường (sử dụng ít chữ cái hơn có nghĩa rằng máy chủ sẽ tiêu thụ ít điện hơn)", Christopher Price, biên tập viên chính của Tumblr khẳng định. "Nhưng đến cuối cùng, mọi thứ đều chỉ là do một sự thật đơn giản, tuyệt đối đúng: Tumbler.com (Tumbler: người nhào lộn) là một cái tên ngu ngốc".

Sự đi xuống của "Cái E" cũng đã được tăng tốc bởi mô hình đầu tư mạo hiểm. "Nếu bỏ chữ E khỏi tên công ty của bạn, bạn sẽ tăng giá trị cho nó thêm hàng triệu USD" – Lockart Steele, người sáng lập của Curbed, một nhà xuất bản lớn cho biết. "Việc loại bỏ được chữ E giúp bạn tách hẳn ra khỏi cái thế giới tầm thường bị nhiễm 'đại dịch nguyên âm'", Esther Dyson, một nhà đầu tư mạo hiểm đã từng tham gia đầu tư vào Flickr trong giai đoạn đầu cho biết.

Theo các nhà ngôn ngữ học, cái chết của chữ E là điều đã được báo trước trong nhiều năm liền. "Điều bạn đang thấy là một quá trình hoàn toàn tự nhiên: sự loại bỏ của các chữ cái nằm trước âm /r/, và cũng là một đặc điểm của tiếng Anh từ thời Anglo-Saxon", giáo sư David Crystal, tác giả cuốn Ngôn ngữ học Internet cho biết. Ông chỉ ra rằng từ "Gather" (Hái, lượm, thu thập) trong tiếng Anh đã từng được viết là cả "gaderian" và "gadrian". Nói cách khác, định luật "loại bỏ những gì thừa thãi" đã báo trước cái chết của chữ E trong Flicker, Tumbler và cả thế giới số.

Chữ E được sinh ra vào cuối thế kỷ thứ 8 trước công nguyên tại Athen, Hy Lạp. Cha của chữ cái E, chữ "E" trong bảng chữ Phoenicia, đã qua đời trong khoảng thời gian từ năm 323 TCN cho tới 31 TCN. Chữ cái E ra đi để lại 4 người anh em A, I, O, U và rất nhiều con cái, như é, ẻ, ě, ẹ…

Lê Hoàng

Theo Wired

Chủ đề khác