VnReview
Hà Nội

9 kinh nghiệm trước khi mua máy ảnh số

Trước khi đi mua máy ảnh, hẳn bạn cũng tìm kiếm các thông tin tư vấn mua máy ảnh số có khá nhiều trên mạng. Bài viết của vnReview là sự tổng kết các thông tin chung nhất, nhằm giúp bạn tiết kiệm thời gian tự tìm hiểu.

Cân nhắc khi chọn mua máy ảnh DSLR hay compact

1. Xác định nhu cầu của bạn

Rất nhiều người dùng khi chọn mua máy ảnh không thực sự hiểu đâu là chiếc máy họ cần, nên đôi khi họ bỏ ra khá nhiều tiền cho một chiếc máy cao cấp mà không dùng hết tính năng của nó. Hãy thử trả lời các câu hỏi dưới đây trước khi bạn đi mua máy ảnh số:

•;          Bạn cần máy ảnh để làm gì?

•           Loại ảnh mà bạn sẽ chụp là gì? (chân dung, phong cảnh, ảnh macro, ảnh thể thao…)

•           Điều kiện chụp ảnh chủ yếu (trong nhà, ngoài trời, thiếu sáng, độ sáng cao…)

•           Bạn sẽ chụp chủ yếu ở chế độ tự động, hay bạn muốn học hỏi nghệ thuật chụp ảnh?

•           Kinh nghiệm chụp ảnh của bạn (cho đến thời điểm mua máy)?

•           Bạn tìm kiếm những tính năng gì trên máy ảnh? (zoom được xa, độ ổn định hình ảnh tốt, có màn hình LCD lớn, chụp được thiếu sáng tốt...)

•           Kích thước và trọng lượng máy có ý nghĩa như thế nào với bạn?

•           Khoản tiền bạn định dành ra cho máy ảnh?

Nếu chỉ là để lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ của gia đình, những hình ảnh của cuộc sống xung quanh, thì hầu hết các máy ảnh số trên thị trường đã đáp ứng được nhu cầu của bạn, trong đó có nhiều model máy chỉ chưa đến 2 triệu đồng. Các máy ảnh này đều cho chất lượng ảnh tương đối tốt với các kiểu chụp ảnh chân dung, phong cảnh, trong nhà, ngoài trời…, mà người chụp chỉ cần giơ máy lên "ngắm và chụp". Nếu bạn muốn máy ảnh chụp được cả trong những điều kiện thiếu sáng, hoặc độ sáng cao, zoom được xa… thì bạn cần tới những máy ảnh cao cấp hơn, giá có thể từ trên 2,5 triệu đồng cho đến 9-10 triệu đồng. Đa số các mục đích chụp ảnh có thể đạt được với các dòng máy compact cao cấp, hơn nữa chúng lại gọn nhẹ, ngoài khả năng chụp tự động tốt (một số máy có chế độ tự động thông minh iA), các chế độ chỉnh tay cũng được cung cấp khá phong phú, cho phép người dùng tự mày mò học hỏi trong quá trình chụp ảnh.

Máy ảnh DSLR dành riêng cho những người đam mê nhiếp ảnh và có kiến thức nhất định về nhiếp ảnh. Nhiều người nói rằng nhiếp ảnh là một thú chơi xa xỉ và tốn kém, vì ngoài tiền mua máy ảnh (có thể lên tới vài chục triệu đồng), bạn sẽ phải tốn thêm khá nhiều khoản không nhỏ khác, như ống kính các loại, kính lọc các loại, đèn flash, giá đỡ, tủ chống ẩm, ba lô chuyên dụng… và cả những chuyến đi xa tìm đề tài mới, góc ảnh mới. Những "đồ nghề" lỉnh kỉnh này cũng rất nặng nề và hầu như bạn phải tự mình mang vác chúng khi đi chụp ảnh. Nếu bạn mới bị ai đó truyền cho niềm đam mê nhiếp ảnh, hãy xác định bạn có thực sự đủ đam mê, thời gian, sức lực, tiền bạc… cho môn nghệ thuật này, trước khi quyết định mua một chiếc DSLR.

Dòng máy ảnh không gương lật có thể là lựa chọn tốt nếu bạn mới bước vào "nghiệp ảnh", với giá máy và ống kính rẻ hơn, kích thước máy gọn nhẹ hơn.

2. Số "chấm" của máy ảnh

Đã qua rồi cái thời các nhà sản xuất đua tranh nhau về số megapixel của máy ảnh số, hiện nay bạn khó mà tìm thấy máy ảnh nào dưới 10 megapixel, ngay cả các dòng máy giá rẻ chưa tới 2 triệu đồng. Do đó, số "chấm" của máy ảnh không còn quan trọng nữa.

Máy ảnh Samsung NX200 có độ phân giải lên tới 20 "chấm"

Tuy nhiên, để phân biệt giữa các dòng máy khác nhau, bạn nên để ý đến thông số "độ phân giải hiệu dụng" cùng các chế độ lưu ảnh, ví dụ máy có cho bạn chụp ảnh RAW hay không, cảm biến có kích thước như thế nào, chất lượng của ống kính, cách sắp xếp các pixel... Nhiều máy ảnh số dạng compact có số pixel rất lớn nhưng kích thước bộ cảm biến lại nhỏ nên kích thước của mỗi pixel quá nhỏ, nhỏ hơn khả năng ống kính có thể phân biệt được, nên độ nét của ảnh không thật sự bằng số pixel đó. Quá nhiều pixel có khi còn làm giảm chất lượng của ảnh theo một cách khác. Do pixel quá nhỏ, nó nhận được quá ít ánh sáng nên tín hiệu nó sinh ra quá yếu dễ bị lẫn với nhiễu của mạch điện tử. Kết quả là bức ảnh không rõ, nhất là ở những vùng chuyển màu.

3. Những phụ kiện cần có

Khi tìm mua máy, bạn nên để ý xem các phụ kiện kèm theo máy đã có những gì, và bạn cần mua thêm những gì.

•           Bao đựng máy (thường các nơi đều đã có bán hoặc tặng kèm bao đựng máy, tuy nhiên có thể bạn cần một chiếc bao đựng máy chuyên nghiệp hơn để bảo vệ tốt hơn máy ảnh của bạn)

•           Thẻ nhớ: các máy ảnh trên thị trường đều không bán kèm thẻ nhớ, nhưng hầu hết các siêu thị, cửa hàng sẽ tặng kèm bạn một thẻ nhớ, tối thiểu 2GB. Tuy nhiên, có thể model bạn mua không được tặng kèm thẻ nhớ, hoặc bạn muốn thẻ nhớ dung lượng lớn hơn, thì cần cộng thêm vào giá máy tiền mua thẻ nhớ (giá thẻ nhớ tùy dung lượng và hãng sản xuất, có giá khoảng 120.000đ cho thẻ 2GB, 160.000đ cho thẻ 4GB và 280.000đ cho thẻ 8GB, 650.000đ cho thẻ 16GB, giá thẻ nhớ của chính hãng máy ảnh sản xuất có thể cao hơn). Với nhu cầu chụp ảnh gia đình và phong cảnh thông thường, thẻ nhớ 2GB được tặng kèm cũng khá đủ cho bạn, nhưng nói chung bạn cũng phải thường xuyên "đổ" ảnh ra máy tính để giải phóng thẻ nhớ, nếu không muốn đang chụp thì thẻ nhớ bị đầy.

•           Pin/Sạc phụ: Hầu hết người dùng không cần mua pin và sạc phụ cho máy ảnh. Nhưng nếu bạn thường xuyên đi dã ngoại chụp ảnh, hoặc bạn đang muốn mua máy ảnh DSLR, thì một bộ pin/sạc phụ là cần thiết.

•           Ống kính (dành cho người mua máy DSLR): Ống kính dành cho máy ảnh DSLR rất phong phú và có nhiều loại, tuy nhiên nếu là lần đầu mua máy ảnh loại này, bạn nên sử dụng ống kính bán kèm theo máy, hoặc một bộ lens kit EF-s 18-55 f3.5-5.6 II (loại lens kit được đóng bộ cho nhiều loại máy, có giá rẻ do cấu tạo bằng nhựa, giá khoảng 60 - 80 USD) để dùng thử trong thời gian "học hỏi" ban đầu với máy DSLR, sau đó bạn có thể bán lại và nâng cấp lên các bộ lens kit cao cấp hơn như Lens kit EF 28-135 f3.5-5.6 IS USM hoặc Lens kit EF-s 17-85 f4-5.6 IS USM… Xem thêm bài Hướng dẫn chọn mua ống kính cho máy DSLR.

•           Kính lọc Filters (và các dụng cụ kèm lens khác): Khi bạn mua máy ảnh DSLR, người bán sẽ thường tư vấn cho bạn nên mua thêm kính lọc kèm theo để bảo vệ ống kính và tạo một số hiệu ứng chụp ảnh nhất định. Một số filter phổ biến là: UV (Ultra Violet), dùng để cản tia cực tím tác động làm ảnh bị mù, dùng trong những trường hợp muốn chụp ảnh trong, rõ trong sương mù; MC (Multicoating), kính được tráng lớp hóa chất chống lóe, chống chói để giúp bạn chụp những bức ảnh ngược sáng không bị lóe; MCUV: kết hợp cả 2 tác dụng trên; Sky light: kính giúp lọc hiện tượng áp sắc xanh bầu trời; ND: kính xám trung tính, có tác dụng cản bớt cường độ ánh sáng...; Polarizing: Lọc bớt bóng phản chiếu do ánh sáng mặt trời; CPL: Dùng để chụp bầu trời xanh (hơn), giảm bớt độ phản xạ (chói) của kính và nước; GND: Dùng để giảm tốc độ chụp (để ảnh không chói khi chụp mặt trời, chụp dòng nước chảy như lụa, cản ánh sáng để bầu trời và mặt đất sáng gần như nhau…). Nếu không có nhu cầu chụp các hiệu ứng đặc biệt như lọc màu, star…, thì bạn vẫn nên mua bộ lọc UV hoặc Sky Light gắn thường trực trên ống kính để bảo vệ ống kính trong trường hợp va chạm, cọ quẹt, bụi, nước...

•           Giá đỡ máy ảnh (Tripods/Monopods): Giá đỡ máy ảnh giúp bạn cố định máy ảnh để tránh bị rung máy, hoặc dùng khi cần chụp dạng "hẹn giờ"… Giá đỡ máy ảnh rất cần thiết với người chụp ảnh, nhất là khi bạn cần chụp ảnh với các ống tele rất nặng tay, tuy nhiên bạn có thể mua sau nếu chưa có đủ kinh phí, hơn nữa thời gian đầu bạn cần làm quen với việc cầm giữ và nâng máy ảnh khi chụp.

•           Đèn flash phụ: Phụ kiện này có lẽ phù hợp với "thợ ảnh" chuyên nghiệp hơn là người dùng nghiệp dư.

•           Tấm hắt sáng (Reflectors): thường dành cho những người hay chụp ảnh chân dung, tấm hắt sáng sẽ giúp bạn tạo ánh sáng tản đều trên chủ thế, hoặc ánh sáng lấp đầy chủ thể, ánh sáng ven mái tóc… Tùy nhu cầu có thể bạn sẽ phải dùng vài tấm hắt sáng để đạt hiệu quả mong muốn.

4. Bạn đã có sẵn một số thiết bị tương thích chưa?

Bạn có thể tiết kiệm được kha khá tiền nếu bạn đã có các phụ kiện từ những chiếc camera cũ đã dùng trước đây. Chúng có thể tương thích với chiếc máy ảnh mới bạn định mua.

Những thứ có thể tận dụng lại gồm: thẻ nhớ, pin, ống kính (một số ống kính của máy ảnh chụp phim cũng có thể dùng trên máy ảnh DSLR của cùng nhà sản xuất), đèn, kính lọc…

5. Bạn muốn mua máy DSLR hay máy Point and Shoot?

Mặc dù máy ảnh số ống kính rời (DSLR) đã có giá ngày càng rẻ hơn và có thể bạn hoàn toàn mua được, nhưng đây là loại máy ảnh chuyên nghiệp và không dành cho tất cả mọi người. Chúng có kích thước lớn hơn, nặng hơn, phải mất công chăm sóc giữ gìn hơn, và nhất là việc vận hành sử dụng không hề đơn giản như dòng máy "ngắm và chụp".

Nếu bạn đang phân vân xem nên mua máy DSLR hay máy compact "ngắm và chụp", đọc thêm bài "Nên mua máy ảnh DSLR hay máy compact?"

6. Chọn mua máy theo số zoom quang

Khi mua máy ảnh số, bạn cần phân biệt thông tin "zoom quang" và "zoom số". Zoom số thường chỉ phóng đại các điểm ảnh trong bức ảnh của bạn để khiến chủ thể trông lớn hơn, nhưng nó khiến bức ảnh bị nhiễu hơn – giống như khi bạn đứng gần TV.

Hãy chọn máy ảnh có số zoom quang lớn. Hiện tại máy ảnh cấp thấp nhất cũng có zoom quang 3x – nghĩa là máy sẽ phóng đại chủ thể lên 3 lần so với kích thước thật. Đa số máy ảnh trên thị trường có zoom quang nằm trong khoảng 4x - 6x, một số có zoom quang 6 – 10x, loại máy ảnh "siêu zoom" có zoom quang lớn nhất hiện nay là 36x.

7. Đọc các bài đánh giá máy ảnh

Trước khi mua một chiếc máy ảnh số, hẳn bạn sẽ dành một thời gian để tìm hiểu các mẫu máy ảnh xem chiếc nào phù hợp. Không nên chỉ dựa vào lời người bán hàng, bởi đa số họ không biết sâu về máy ảnh, và có thể họ đang muốn "đẩy" một mẫu máy nào đó.

Các tạp chí, website và diễn đàn công nghệ trực tuyến luôn có các bài đánh giá về máy ảnh, hãy khoanh vùng mẫu máy ảnh bạn muốn, sau đó đọc bài đánh giá về những mẫu máy ảnh bạn quan tâm. Nếu mẫu máy ảnh bạn thích chưa được VnReview đánh giá, hãy Gửi yêu cầu đánh giá cho chúng tôi, chúng tôi sẽ giúp bạn nhanh nhất có thể.

8. Tự cảm nhận máy

Một khi bạn đã có trong tay một số mẫu máy ưng ý, hãy đi tới một cửa hàng bán máy ảnh số và đề nghị được xem xét các mẫu máy đó. Chỉ khi bạn cầm máy trong tay và thử dùng các chức năng của nó, bạn mới thấy nó có thực sự phù hợp với bạn không.

Bạn nên đến một vài cửa hàng, và ở mỗi cửa hàng bạn hỏi han thật nhiều những người bán hàng xem họ tư vấn thế nào về mẫu máy bạn định mua, bạn chụp thử vài kiểu ảnh ở các góc và thông số khác nhau và yêu cầu họ cho xem trên máy tính. Càng những mẫu máy đắt tiền thì người bán càng nhiệt tình tư vấn cho bạn, nên bạn có thể nghe ngóng và quan sát trước khi quyết định.

9. Khảo giá

Khi bạn đã chọn được mẫu máy phù hợp thì đến lúc bạn tìm nơi có giá bán tốt nhất. Hãy bắt đầu bằng việc tìm kiếm trên mạng. Khi bạn có thông tin về giá của một số điểm bán, bạn có thể mặc cả để có giá tốt hơn. Thông thường các cửa hàng bán lẻ mới cho mặc cả giá, còn các shop lớn thì không. Nên gọi điện mặc cả giá trước rồi mới đến.

Đừng quên hỏi về các phụ kiện kèm theo, hoặc quà khuyến mãi, như bao đựng máy, thẻ nhớ, pin phụ, kính lọc, tấm dán màn hình, bộ dụng cụ vệ sinh máy… Một số cửa hàng còn cung cấp các buổi học miễn phí về máy ảnh và cách chụp ảnh, và bạn có thể đăng ký tham gia. Một số cửa hàng cũng nhận mua lại các máy ảnh và phụ kiện cũ của bạn.

10. Kinh nghiệm mua máy ảnh của bạn

Các kinh nghiệm trên đây chỉ là những chỉ dẫn cơ bản, tổng hợp từ các bài viết trên mạng. Tuy nhiên, chắc chắn là vẫn có những kinh nghiệm hữu ích khác, nếu bạn có gợi ý gì, hãy chia sẻ với các độc giả khác ở phần Bình luận bên dưới.

Thanh Huyền

Chủ đề khác