VnReview
Hà Nội

Nghe nhạc chất lượng cao, định dạng nhạc có thực sự quan trọng không?

Hiện nay bên cạnh nguồn nhạc từ các đĩa CD truyền thống sử dụng với đầu đĩa CD chuyên nghiệp và đĩa than thì việc sử dụng các file nhạc kỹ thuật số chất lượng cao đã trở nên rất phổ biến. Các file nhạc kỹ thuật số chất lượng cao phổ biến hiện nay là FLAC, ALAC, WAV,... hay các file nhạc lossy có định dạng MP3, AAC,...

Trước tiên, chúng ta cần biết rằng điều quyết định chất lượng file nhạc sẽ phụ thuộc vào các thiết bị dùng để thu âm, hòa âm (mix) và xử lý nhạc, và quan trọng hơn cả sẽ phụ thuộc vào trình độ của người xử lý âm thanh. Những yếu tố này ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh của file nhạc nhiều hơn là định dạng hay độ phân giải của file nhạc sau khi đã thu âm.Ví dụ như một bản thu âm vốn đã rất tệ, thì dù là file nhạc lossy MP3 320kbps hay lossless FLAC 24bit/192kHz; thì cũng vẫn tệ. Thay vào đó, nếu ngay từ đầu quá trình thu âm đã tốt thì file nhạc MP3 cũng có thể hay hơn rất nhiều so với file nhạc FLAC thu âm tệ.

Nếu nói về chất lượng, độ phân giải của âm thanh có thể sẽ hơi trừu tượng, thì ta sẽ lấy một ví dụ đơn giản và dễ hình dung hơn, đó là hình ảnh từ các video. Ví dụ một bộ phim cũ và mờ, kể cả khi được chuyển qua thành chất lượng 4K hay 1080p đi chăng nữa thì chất lượng hình ảnh vẫn tệ. Thay vào đó, một bộ phim mới có chất lượng thu hình tốt, thì chỉ với độ phân giải 720p, hình ảnh đã rất đẹp, nét và sống động.Vậy nếu một bộ phim được thu hình mờ và xấu, thì chuyển sang độ phân giải cao hơn cũng không làm nó đẹp, sắc nét hơn.

Tỷ lệ lấy mẫu (sample rate ) của một file nhạc chất lượng cao chính là số lượng mẫu thu được trong một giây khi sóng âm thanh analog được chuyển đổi thành một file kỹ thuật số. Tỷ lệ lấy mẫu 192kHz sẽ gấp đôi tỷ lệ 96kHz. Vậy tức là tỷ lệ lấy mẫu của một file nhạc 192kHz sẽ gấp 4 lần so với file nhạc được ghi trên đĩa CD ở 44.1kHz. 

Tiếp theo bạn sẽ thắc mắc về các file nhạc 24bit hay 16bit, 8bit... Bit đơn giản chỉ là những mã nhị phân dùng để tạo nên các file nhạc. 24bit hay 16bit... gọi là bit depth (độ sâu của bit); các con số này sẽ cho biết số lượng các bit được sử dụng để lưu trữ tín hiệu âm thanh ở dạng kỹ thuật số. Vậy có nghĩa là càng nhiều bit hơn thì âm thanh được ghi lại chính xác hơn, chi tiết hơn và các chi tiết nhỏ cũng được ghi lại rõ ràng hơn, ví dụ như tiếng lấy hơi, tiếng thở của ca sĩ... Tuy lợi ích của việc tăng số bit, tăng số lần lấy mẫu âm thanh là vậy nhưng trong quá trình xử lý nhạc và quá trình hòa âm, có thể các lợi ích này sẽ bị mất. Sau đó thì dù có xuất ra file nhạc có bit depth, số lần lấy mẫu lớn thì các thông tin trong bản vẫn không thể khôi phục lại được.

Ngoài ra, chúng ta có thể đi tìm hiểu một chút về việc tại sao các bản thu lại được xử lý lại trong khi có thể khiến giảm các chi tiết trong bản nhạc. Thứ nhất là khi xử lý người kỹ sư sẽ hướng tới cái hay về mặt ''nhạc tính'', ví dụ xử lý bản thu có thể sẽ khiến giọng hát của ca sĩ nghe hay hơn,... Thứ hai là khi người kỹ sư tạo ra bản thu, sau đó họ được nghe lại bản thu này ở bên ngoài, trong môi trường phổ thông chứ không phải trong studio. Việc nghe lại bản thu ở bên ngoài ảnh hưởng đến các sản phẩm tiếp theo của họ. Vào những năm 50 của thế kỉ trước người ta thường nghe nhạc với dàn Hi-fi hay trên radio, vì vậy lúc đó các kỹ sư có xu hướng tạo ra bản thu có chất lượng tốt nhất khi nghe trên hai công cụ này. Ngày nay thì đa số người sử dụng đều nghe nhạc trên các thiết bị di động như tai nghe, máy nghe nhạc,... nên các file thu âm ngày nay nghe trên các thiết bị này cũng tốt hơn.

Bây giờ câu hỏi đặt ra là file nhạc độ phân giải cao có thật sự hay hơn đĩa CD hay các file nhạc lossy thông thường? Vấn đề này cũng đã được tranh cãi khá nhiều tại khắp các diễn đàn âm thanh tại Việt Nam hay trên thế giới. Rõ ràng trên lý thuyết thì âm thanh độ phân giải cao với chất lượng thu âm tốt sẽ hay hơn là một file nhạc độ phân giải thấp hơn với cùng chất lượng thu âm. Tuy nhiên, việc bạn có nhận ra được sự khác biệt giữa file nhạc độ phân giải cao (Hi-res) và CD, file nhạc lossy hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Đầu tiên là chất lượng của dàn âm thanh bạn đang sử dụng, nếu bạn đang nghe nhạc với những chiếc máy nghe nhạc, tai nghe, hay dàn loa giá Hi-end thì rất đáng thời gian bỏ ra để đầu tư tìm kiếm chất lượng nguồn nhạc tốt nhất. Còn nếu bạn đang sử dụng bộ loa cỏ, hay với smartphone thì việc tìm kiếm file nhạc Hi-res sẽ cần phải xem xét kĩ hơn. Vì thiết bị âm thanh không tốt rất khó có thể tạo ra sự khác biệt giữa âm thanh Hi-res với các chuẩn thông thường. Hơn nữa những thiết bị như điện thoại, dung lượng bộ nhớ khá hạn chế so với dung lượng file nhạc Hi-res có thể lên đến 500-600MB. Chỉ với vài file nhạc như vậy đã chiếm hết không gian bộ nhớ mà chưa chắc tạo ra được sự khác biệt so với mp3 lossy.

Thứ 2 là khả năng thẩm âm của bản thân người nghe. Kể cả khi bạn nghe nhạc với dàn âm thanh Hi-end đã được tối ưu hóa từ dây dẫn đến nguồn điện, và nguồn nhạc Hi-res chất lượng cao liệu bạn có thể cảm nhận được thật sự bài hát đó có hay hay không?

Thứ 3, thực tế thì file nhạc lossless được chia sẻ khá nhiều trên các diễn đàn, tuy nhiên với các file nhạc có độ phân giải cao 24bit/192kHz hay 32bit/384kHz  hay DSD thì tương đối khó tìm được những bản nhạc mà mình mong muốn. Nếu bạn muốn các bản nhạc đó thì phải mua nhạc bản quyền, với giá tầm 5-10 USD/ 1 track. Liệu sự đầu tư này có đủ xứng đáng? hay có thể dùng số tiền bỏ ra để nâng cấp dàn âm thanh?

Thứ 4 là với các bản nhạc, album đã được thu âm không tốt thì sự khác biệt có thể là không nhiều. Chất lượng thu âm của bản nhạc liệu có đủ để có được ảnh hưởng tốt từ âm thanh Hi-res? Chúng tôi từng thử qua một vài album cũ vài chục năm về trước của các ban nhạc như Metallica, Megadeth,... chất lượng âm thanh giữa độ phân giải cao và chuẩn thấp hơn thông thường khác nhau thật sự không quá nhiều.

Hiện nay, hầu hết smartphone Android đều đã có thể đọc được các file nhạc Hi-res. Tuy nhiên, đa số smartphone đều xử lý nhạc thông qua CPU thay vì sử dụng chip DAC chuyên dùng cho âm thanh như trên máy nghe nhạc chuyên nghiệp hay thiết bị DAC rời. Với các file nhạc có sample rate quá lớn, smartphone không thể giải mã được thì sẽ sử dụng CPU/phần mềm để down sample rate xuống mức thông thường, việc sưu tầm nhạc Hi-res lúc này trở nên vô nghĩa.

Điều này cũng xảy ra tương tự trong trường hợp bạn dùng trên máy tính với soundcard không hỗ trợ nhạc Hi-res. Với điện thoại, máy nghe nhạc, PC thông thường, các bạn nên sử dụng các file nhạc M4A code AAC ở 256kbps, đây là một chuẩn nén lossy của Apple, có chất lượng nén rất tốt, tốt hơn nhạc MP3 320kbps.

Nếu thực sự các bạn muốn trải nghiệm âm thanh chất lượng cao, hãy đầu tư vào những thiết bị âm thanh chuyên dụng như máy nghe nhạc cao cấp, hay DAC/AMP cao cấp. Máy nghe nhạc Hi-end hiện nay đã có nhiều mẫu có chất lượng rất tốt với mức giá phải chăng như Hidizs AP100, iBasso DX50/DX90, Sony A15, Iriver AK100,... Mẫu máy nghe nhạc hi-end đắt nhất thế giới hiện nay là Iriver AK240, theo đại diện của cửa hàng âm thanh Xuân Vũ Audio phiên bản thường có giá tầm 55 triệu đồng, phiên bản đặc biệt màu xanh có giá lên tới 135 triệu đồng.

Minh Hoàng

Theo Cnet

Chủ đề khác