VnReview
Hà Nội

Xử lý những lỗi phần cứng hay gặp trên iPhone

Ngoài sự cố rơi vỡ màn hình như chúng tôi đã có bài viết gần đây, người dùng iPhone có thể sẽ phải đối mặt với một số phần cứng khác trong quá trình sử dụng.;

Nếu ịPhone của mình có lỗi và sản phẩm còn thời gian bảo hành thì nên mang đến các trung tâm bảo hành uỷ quyền của Apple. Lưu ý là không chỉ iPhone chính hãng mà cả iPhone mua xách đều có thể được bảo hành tại các trung tâm bảo hành uỷ quyền của Apple nếu sản phẩm còn thời gian bảo hành và lỗi sản phẩm là lỗi của nhà sản xuất.

Nếu hết thời gian bảo hành, Apple không cung cấp dịch vụ sửa chữa hoặc bán linh kiện như các hãng khác nên bạn chỉ có cách mang máy đến các trung tâm sửa chữa điện thoại. Bạn nên chọn nơi uy tín để được tư vấn sửa chữa và thay thế linh kiện tốt nhất.

Lỗi phím Home

Việc bấm phím Home như một thói quen của người dùng iPhone, đôi khi chỉ để xem giờ hoặc thông báo. Tuy nhiên, phím Home cũng có tuổi thọ, nếu bấm phím Home quá nhiều sẽ gây ra lỗi liệt phím Home. Đặc biệt trên các dòng iPhone từ 5S trở lên có thiết kế đặc thù là cáp nằm ở dưới phím Home, do vậy nếu bấm phím Home quá nhiều lần sẽ gây hỏng hóc thành phần này. Hiện nay tính năng Assisive Touch đã được tính hợp trong phần cài đặt của thiết bị, nhiều người dùng cũng đang dần tạo được thói quen sử dụng phím Home ảo này. Đây cũng là điều mà kỹ thuật viên tư vấn cũng như khuyến khích các bạn sử dụng để tăng tuổi thọ phím Home.

Nếu như phím Home của bạn đã hỏng, bạn hãy mang tới các trung tâm sửa chữa uy tín để thay thế. Hãy lưu ý một số điểm dưới đây. 

Từ sản phẩm iPhone 5S trở đi, Apple đưa công nghệ cảm biến vân tay lên thiết bị. Đặc điểm của tính năng này là mỗi phím Home sẽ đi theo cùng số IMEI của sản phẩm. Do vậy một khi đã hỏng cảm biến vân tay trên thiết bị thì bạn sẽ không còn cách nào để thay thế, sửa chữa.

Đối với các đời máy iPhone 5 trở xuống, việc thay thế phím Home cũng rất đơn giản, giá thành cũng dao động từ 150-300.000 đồng. Các linh kiện thay thế cũng có nhiều loại như phím Home bóc ra từ máy zin hoặc phím Home từ bên thứ 3 sản xuất.

Pin chai

Bất cứ thiết bị nào cũng vậy không riêng gì iPhone, sau một thời gian sử dụng đều xảy ra hiện tượng chai pin, hỏng pin cũng như vỏ ngoài móp méo, xước nhiều.

Nếu bạn đang sử dụng mà thiết bị của bạn bị hao pin nhanh chóng, hoặc sập nguồn liên tục thì rất có thể viên pin của bạn đã bị chai hoặc hỏng. Lúc này bạn nên kiểm tra viên pin của mình bằng phần mềm iBackupBot. Thông tin hiển thị cho bạn dung lượng thực của viên pin, số lần sạc đầy. Dựa vào đó bạn có thể biết được pin của mình đã bị chai, hỏng hay chưa và tiến hành sửa chữa, thay thế. 

Khi đã xác định được cần phải thay pin, bạn cũng nên mang tới các trung tâm uy tín để thay thế sửa chữa. Hiện nay trên thị trường cũng có nhiều loại pin dành cho iPhone, cả pin mới do bên thứ 3 sản xuất và pin bóc máy. 

Chất lượng của các viên pin do bên thứ 3 sản xuất cũng tương đương 90% so với pin zin. Do vậy bạn nên cân nhắc khi yêu cầu kỹ thuật viên thay thế pin cho mình, bởi pin zin theo máy thường cũng đã được sử dụng một thời gian và đôi khi không còn đủ dung lượng như pin mới.

Thay vỏ

Đối với vỏ máy, cũng có nhiều loại như vỏ zin bóc từ máy khác sang hoặc vỏ fake. Với vỏ zin bóc từ máy khác sang, sẽ đảm bảo được chất lượng về thu bắt sóng tốt hơn do các vị trí bắt vít của ăng-ten bên trong máy sẽ trùng khớp với vị trí của vỏ. Nhưng nhược điểm là IMEI trong máy và bên ngoài vỏ sẽ không trùng khớp. Đối với vỏ fake, chất lượng về màu sắc có phần kém hơn so với vỏ zin, đôi khi khả năng bắt sóng sẽ kém hơn nhưng bạn có thể khắc lại imei trên vỏ trùng với imei của máy.

Giá thay vỏ cho các thiết bị iPhone 5 cho tới iPhone 6S giao động khoảng 500 nghìn tới 1 triệu đồng.

Chân sạc, jack tai nghe

Lỗi chân sạc hay lỗi jack cắm tai nghe cũng là một trong những lỗi nhiều khách hàng mang tới trung tâm bảo hành để sửa chữa. Thường trước khi bảo hành, kỹ thuật viên sẽ hỏi bạn là bạn có để thiết bị ở những nơi có nhiều bụi, ẩm thấp hoặc để gần chất lỏng hay không. Bởi đôi khi nguyên nhân thiết bị không nhận sạc là do bụi bẩn hoặc do môi trường ẩm thấp tác động lên chân sạc. Trước hết, với những trung tâm bảo hành uy tín, kỹ thuật viên sẽ sử dụng dung môi để lau chùi, vệ sinh chân sạc để kiểm tra có phải do nguyên nhân bụi bẩn hoặc do ẩm thấp tác động lên hay không. Trong trường hợp đã vệ sinh xong mà thiết bị vẫn không nhận chân sạc, kỹ thuật viên mới yêu cầu bạn thay thế chân sạc hoặc jack cắm tai nghe khác. 

Lý do để tới những trung tâm uy tín bảo hành sửa chữa những lỗi này bởi tại nhiều cửa hàng nhỏ lẻ, họ sẽ thay luôn chân sạc zin, jack cắm tai nghe zin của bạn bằng phụ kiện mới từ bên thứ 3 sản xuất. Đôi khi những lỗi của bạn chưa đến mức phải thay thế và ở những trung tâm uy tín, họ sẽ miễn phí việc lau chùi lại chân sạc hay jack tai nghe. Nếu trong trường hợp phải thay thế thiết bị, những trung tâm lớn cũng sẽ trả lại linh kiện đã hỏng cho khách hàng để đối chiếu. 

Một lời khuyên nữa từ các kỹ thuật viên là bạn không nên sử dụng linh kiện chân sạc hay jack cắm tai nghe bóc máy từ sản phẩm khác để thay thế, bởi vì trong quá trình rút những chi tiết này ra khỏi máy cũ, hỏng, những vị trí này luôn có những chân cáp. Nếu không cẩn thận thì khi lắp vào thay thế, thiết bị của bạn hoạt động cũng không được ổn định.

Mức giá cho việc thay thế linh kiện cho từng đời iPhone trong khoảng từ 400-600 nghìn đồng.

Lỗi Wi-Fi, sóng di động

Biểu hiện của lỗi này là thiết bị của bạn bắt sóng Wi-Fi và sóng di động kém hơn trước rất nhiều hoặc hoàn toàn không bắt được sóng. 

Trong trường hợp thiết bị bắt sóng kém, có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới hiện tượng trên như do thay vỏ hoặc sửa chữa ở ngoài, người thợ khi lắp đặt lại thiết bị bắt ốc ở điểm tiếp xúc kém, không đúng kỹ thuật hoặc cũng có thể do bạn đang dùng vỏ fake khiến cho khả năng bắt sóng kém hơn rất nhiều. Lúc này bạn nên mang ra trung tâm bảo hành để kỹ thuật viên có thể kiểm tra lại do nguyên nhân gì và hướng dẫn bạn khắc phục, thường là miễn phí.

Đối với trường hợp mất hoàn toàn khả năng bắt sóng di động cũng như Wi-Fi, có thể do thiết bị của bạn đã chết chip thu phát sóng. Lúc này bắt buộc bạn cần phải mang thiết bị ra cửa hàng để thay thế. Tuy nhiên việc thay thế những linh kiện này cũng cần phải đòi hỏi người thợ có tay nghề cao, cẩn thận mới đảm bảo. Việc thay thế cũng rất nhanh chóng và bạn có thể chờ để nhận lại thiết bị của mình ngay lập tức.

Mức giá thay thế chip thu phát sóng cho các đời iPhone giao động từ 300-600 nghìn đồng.

Lỗi loa và camera

Đây là một trong những lỗi gây khó chịu cho người sử dụng, bởi bạn không thể nghe được âm thanh phát ra từ loa khi nghe gọi, hoặc không thể khởi động camera để chụp ảnh.

Đối với loa, cũng như chân sạc và jack cắm tai nghe, khi đến những trung tâm bảo hành uy tín các kỹ thuật viên sẽ lau chùi bằng dung môi để vệ sinh cho bạn trước. Nếu vẫn không được thì mới tiến hành thay thế linh kiện. Với loa thì dù bạn có thay linh kiện zin bóc máy hay linh kiện mới được sản xuất từ bên thứ 3 thì chất lượng cũng tương đương nhau.

Còn đối với camera, bạn cũng có thể yêu cầu kỹ thuật viên thay thế camera được bóc máy từ thiết bị cũ khác sang, tuy nhiên theo tư vấn thì bạn nên thay thế hoàn toàn camera mới. Bởi đối với iPhone, khi thiết bị cũ, hỏng bị rơi, va đập thì camera sẽ dễ gặp lỗi không lấy nét được. Và hơn nữa là hiện tượng này sau một thời gian sử dụng mới xảy ra. Do vậy bạn nên yêu cầu thay thế một camera mới để đảm bảo tính ổn định khi sử dụng sản phẩm, tránh phải mang bảo hành lại nhiều lần.

Kết luận

Thiết bị đang sử dụng bị hỏng là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên nếu gặp phải một trong những hiện tượng trên, bạn hãy mang thiết bị của mình tới các trung tâm bảo hành lớn, có uy tín để kiểm tra sửa chữa. Tại đây sẽ có nhiều trang thiết bị phục vụ cho việc sửa chữa chuyên nghiệp, nguồn linh kiện thay thế cũng sẽ có nhiều hơn so với các cửa hàng nhỏ lẻ. Chất lượng thì đi đôi với giá thành, hãy cân nhắc lựa chọn khi thay thế, sửa chữa iPhone của mình

Minh Thành

Chủ đề khác