VnReview
Hà Nội

Đọ hiệu năng Galaxy J5 Prime và Oppo A39: Samsung đuối hơn

Không có nhiều bất ngờ, sản phẩm có cấu hình mạnh hơn đã chiến thắng với độ chênh lệch rõ rệt.

Samsung của Hàn Quốc và Oppo của Trung Quốc hiện là hai thương hiệu có thị phần đứng đầu ở thị trường smartphone Việt Nam. Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi hai hãng này luôn có những cặp sản phẩm cạnh tranh trực diện với nhau trên thị trường. Ở tầm giá 6 triệu đồng, hai hãng đang có cặp sản phẩm cạnh tranh nổi bật trên thị trường là J7 Prime - Oppo F1s và mới đây nhất là cặp sản phẩm J5 Prime và Oppo A39 cùng có giá bán 4,99 triệu đồng.

J5 Prime là phiên bản rút gọn của J7 Prime, hiện mới cho người mua đặt hàng trước và dự kiến bán ra vào ngày 23/12 tới. Điện thoại này có kích cỡ nhỏ hơn và được kế thừa thiết kế thân kim loại cùng cảm biến vân tay từ đàn anh. Tuy vậy, Samsung lại rút gọn hơi nhiều sức mạnh bên trong của sản phẩm: RAM chỉ còn 2GB, bộ nhớ trong 16GB và đặc biệt là chip xử lý Exynos 7570 lõi tứ 1.4GHz.

Trong khi đó, chiếc Oppo A39 có thể coi là phiên bản rút gọn của Oppo F1s. Cách rút của Oppo lại hơi khác Samsung một chút. Nếu so với Oppo F1s, chiếc Oppo A39 bị rút gọn về kích cỡ từ 5.5 inch còn 5.2 inch, camera trước từ 16MP còn 5MP và không còn cảm biến vân tay. Tuy vậy, toàn bộ sức mạnh bên trong của Oppo F1s đều được đưa nguyên vẹn xuống Oppo A39: vi xử lý 64-bit Mediatek MT6750 tám lõi 1.5GHz, RAM 3GB và bộ nhớ trong 32GB.

Đọ hiệu năng trên phần mềm

Trước tiên, chúng ta cùng cho hai máy đo nhau trên các phần mềm đánh giá hiệu năng quen thuộc gồm Antutu để đánh giá hiệu năng tổng thể, Geekbench để đánh giá khả năng xử lý của CPU và GFX Bench ở bài đo Manhattan để đánh giá khả năng xử lý đồ hoạ của GPU.

Với sức mạnh xử lý mạnh hơn và nhiều lõi hơn, không nhạc nhiên khi Oppo A39 trội hơn khá nhiều ở cả sức mạnh tổng thể, CPU và đặt biệt là sức mạnh xử lý đồ hoạ.

Ở bài đo hiệu năng trên Antutu, Oppo A39 đạt điểm cao hơn khá nhiều so với J5 Prime.

Trong bài đo sức mạnh xử lý của CPU trên phần mềm Geekbench, hai máy chênh nhau khá nhiều, đặc biệt là điểm xử lý đa nhân do chiếc Oppo sử dụng chip nhiều lõi hơn.

Ở bài đo khả năng xử lý đồ hoạ của GPU trên phần mềm GFX Bench, sự chênh lệch giữa hai máy thực sự là rất rõ rệt. Với bài đo này, hai máy sẽ đọ nhau về khả năng xử lý đồ hoạ ở độ phân giải của máy (Manhattan oncreen - cả 2 máy đều có độ phân giải HD) và độ phân giải Full-HD (Manhattan offcreen). Chiếc Oppo A39 đạt điểm gấp đôi sản phẩm của Samsung ở cả hai bài đo.

Đọ hiệu năng thực tế

Ở hiệu năng sử dụng thực tế, hai máy không chênh nhau đáng kể ở những trải nghiệm cơ bản trên điện thoại như tốc độ đóng mở những ứng dụng cài sẵn trên máy hay độ mượt mà khi di chuyển giữa các màn hình chủ. Tuy vậy, khi đo tốc độ đóng mở và đa nhiệm thực tế với 6 game (3 game nặng và 3 game nhẹ), chiếc Oppo có tốc độ mở nhanh hơn 5/6 game, chỉ thua một game nhẹ và khả năng đa nhiệm cũng tốt hơn nhờ có RAM lớn hơn.

Nhưng sự khác biệt rõ rệt nhất giữa hai máy nằm ở trải nghiệm chơi game. Với các game nặng như N.O.V.A 3 hay Asphalt 8, chiếc Oppo A39 chơi mượt mà ở chế độ đồ hoạ máy tự nhận (trung bình với game Asphalt 8), trong khi đó chiếc J5 Prime giật lag, mang lại trải nghiệm chơi game không hề dễ chịu.

Video đọ hiệu năng giữa J5 Prime và Oppo A39

Thời gian pin

Xét trên thông số, Oppo A39 có pin 2900 mAh, nhỉnh hơn về dung lượng so với pin của J5 Prime (2.400 mAh). Nhưng trên thực tế, hai máy có sự khác biệt về cấu hình nên sản phẩm có dung lượng lớn hơn chưa chắc đã có thời lượng pin dài hơn. Liên quan đến việc tiêu hao pin, hai máy có một điểm giống nhau là cùng có độ phân giải HD, tuy vậy khác nhau về sức mạnh xử lý và kích cỡ màn hình của chiếc Oppo lớn hơn chút (5.2 inch và 5 inch).

Trong kết quả thực tế với 3 bài test pin quen thuộc của VnReview là thời gian pin lướt web, xem phim và game, hai có kết quả chênh nhau ít ở hoạt động lướt web và xem phim, còn game thì lệch nhau nhiều.

Bài đo thời gian lướt web thực hiện trên mạng Wi-Fi thông qua chương trình giả lập việc sử dụng trong thực tế, tự động mở lần lượt và lặp lại 3 trang web phổ thông, giả lập thao tác cuộn trang để tính thời lượng pin từ 100% đến 10% với độ sáng màn hình 70%.

Xem bộ phim HD trên phần mềm MX Player, chạy lặp và tính thời gian từ lúc pin đầy 100% đến khi còn 10%. Độ sáng và âm lượng đặt ở mức khoảng 70%.

Chơi game giả lập trên phần mềm GFX Bench với độ sáng màn hình khoảng 70% cũng tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10% thì dừng.

Với kết quả trên, các bạn có thể sẽ băn khoăn tại sao J5 Prime với dung lượng pin ít hơn nhiều lại có thời gian pin không thua kém Oppo A39, thậm chí trội hơn ở thời gian chơi game? Điều này có thể là do chip Exynos 7570 dựa trên tiến trình 14nm mang lại khả năng tiêu hao điện năng thấp hơn so với chip MT6750 dựa trên tiến trình 28nm. Còn ở thời lượng pin chơi game, thông thường máy xử lý game mượt mà với tốc độ khung hình cao sẽ tốn pin hơn. Chính vì vậy, chiếc A39 dù có pin lớn hơn nhưng do GPU mạnh nên hao pin hơn so với GPU yếu của chiếc J5 Prime. Đổi lại chiếc Oppo sẽ có được trải nghiệm game thoải mái và dễ chịu hơn.

Sau phần so sánh hiệu năng và thời lượng pin, trong thời gian tới, VnReview sẽ tiếp tục gửi cập nhật so sánh về camera cũng như chi tiết tổng thể giữa hai điện thoại này để bạn đọc tham khảo, nhằm đưa ra được lựa chọn phù hợp.

TA

Chủ đề khác