VnReview
Hà Nội

Tại sao smartphone bây giờ có RAM tới 8GB?

Asus vừa cho ra mắt mẫu điện thoại thông minh ZenFone AR tại triển lãm CES 2017. Mẫu điện thoại này được trang bị nhiều tính năng ấn tượng. Đặc biệt, ZenFone AR là smartphone đầu tiên trên thế giới có bộ nhớ RAM lên tới 8GB. Bộ nhớ "khủng" này thừa sức gắn cho một chiếc PC hiệu suất cao hoặc một thiết bị chơi video game. Liệu chúng ta có cần đến bộ nhớ "khủng" như vậy trên điện thoại không?

Tất nhiên, các hãng chế tạo điện thoại thông minh luôn mong muốn cải thiện thông số kỹ thuật và là hãng đầu tiên ra mắt một thiết bị tiên tiến. Sự chạy đua về cấu hình đã diễn ra liên tục. Vài năm trước, chúng ta thấy có bộ vi xử lý đơn nhân, rồi đến 4 nhân, 8 nhân và gần đây là 10 nhân. Số "chấm" megapixel trên máy ảnh cũng vậy. Và bộ nhớ RAM của điện thoại di động cao cấp cũng được nâng lên một cách đều đặn, cho dù nó vượt quá nhu cầu sử dụng thông thường như truy cập Facebook và xem video Youtube.

Năm 2012, LG đã từng tự hào ra mắt Optimus LTE2, mẫu điện thoại đầu tiên có RAM 2GB. Thế rồi chẳng bao lâu sau, vào tháng 4 năm 2015, Asus ZenFone 2 đã trở thành điện thoại đầu tiên được trang bị RAM 4GB. Tháng 3 năm 2016 xuất hiện chiếc Vivo XPlay 5 với RAM 6B. Và chỉ một năm sau lại thế giới lại có điện thoại RAM 8GB. Như chúng ta đã thấy, số lượng RAM trong điện thoại cao cấp đã tăng lên đáng kể chỉ trong 2 năm qua. Vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu trong năm tới chúng ta bắt gặp điện thoại RAM 12GB.

Nguyên nhân chủ yếu của xu thế này chính là ở giá thành của RAM ngày một rẻ. Trong vài năm qua giá các hợp đồng RAM di động đã sụt giảm nhiều và tình trạng này tiếp tục diễn ra trong năm 2016. 1GB RAM hiệu suất cao chuẩn LPDDR4 có giá chỉ 6 USD. Giá trung bình cho mỗi GB RAM giảm xuống dưới 5 USD trong năm 2016, kể cả các loại RAM đắt tiền dành cho PC và RAM đồ họa chuyên dụng.

Chi phí để "gắn" RAM dung lượng lớn trên mỗi chiếc điện thoại di động cũng giảm nhờ công nghệ tích hợp bộ nhớ lưu trữ Flash và RAM trên một con chip. Thay vì phải mất tiền cho các thành phần bộ nhớ Flash và RAM riêng biệt, một gói duy nhất sẽ làm giảm giá thành sản xuất. Sự kết hợp của bộ nhớ flash 64GB cùng với RAM LPDDR4 3GB trong Samsung Galaxy S7 edge giúp chi phí cho bộ nhớ của mẫu điện thoại này chỉ còn 50 USD. Với giá thành ở mức thấp, chẳng có lý do gì để các hãng sản xuất điện thoại không nâng dung lượng RAM, vừa để họ "khoe khoang" cấu hình, vừa để cho các ứng dụng chạy nhanh và mượt hơn.

Bộ nhớ RAM 8GB có vẻ như nhiều hơn mức cần thiết, nhưng trong một đến hai năm nữa nó sẽ trở thành yêu cầu tối thiểu khi mà công nghệ thực tế ảo phát triển mạnh mẽ.

Trong vài năm trở lại đây các nhà sản xuất đã ngày càng thu nhỏ được kích thước của bộ nhớ nhờ những tiến bộ trong công nghệ chế tạo chip. Trong khi người tiêu dùng để ý nhiều đến việc cải thiện tốc độ của bộ vi xử lý, thì một điều quan trọng không kém là phải tích hợp được nhiều hơn nữa các bộ nhớ RAM vào trong một gói duy nhất, đồng thời phải giảm điện năng tiêu thụ. Chúng ta biết rằng điện năng tiêu thụ là một yếu tố quan trọng đối với điện thoại thông minh. Các gói bộ nhớ với hiệu suất làm việc cao, kích thước thu nhỏ và giá thành thấp sẽ giúp nhà sản xuất nâng được dung lượng RAM trong điện thoại. Samsung đã công bố mô đun RAM LPDDR4 8GB công nghệ 10 nanomet hồi tháng 10, sau khi cho ra mắt mô đun 6GB 10 nanomet đầu năm 2016.

ZenFone AR, mẫu điện thoại với RAM 8GB

Trong khi lượng RAM lớn như vậy dường như vượt quá nhu cầu sử dụng thông thường, nhưng người sở hữu điện thoại thông minh ngày nay đang muốn nhiều hơn thế. Những ứng dụng như game và thực tế ảo sẽ đòi hỏi nhiều bộ nhớ hơn. Không chỉ dung lượng mà hiệu năng cũng phải được nâng lên. Trong một thời gian dài, khả năng truyền tải dữ liệu của bộ nhớ (băng thông) luôn là "nút cổ chai" cản trở hiệu năng đồ họa trên điện thoại di động. Nhưng với sự xuất hiện của 2 chuẩn RAM LPDDR4 và LPDDR4X, được hỗ trợ bởi các con chip hàng đầu của Qualcomm (kể từ Snapdragon 810) đã giúp mở rộng "nút cổ chai này". Các loại chip Helio X30 của MediaTek, Kirin 960 của Huawei, Exynos 8890 của Samsung cũng hỗ trợ LPDDR4, với băng thông đạt 28,7 GB/s.

Nếu chúng ta muốn điện thoại thông minh của mình có sức mạnh ngang ngửa với laptop, máy tính cá nhân và các máy chơi game, cũng như hỗ trợ các công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, thì điện thoại không những cần nhiều bộ nhớ hơn mà còn cần bộ nhớ nhanh hơn và hiệu năng cao hơn. Hiện tại 8GB bộ nhớ có vẻ là nhiều, nhưng một hai năm nữa chúng cũng chỉ là "muỗi" so với nhu cầu chạy các ứng dụng thực tế ảo. Không phải ngẫu nhiên mà ASUS cho ra mắt điện thoại RAM 8GB hỗ trợ công nghệ thực tế ảo DayDream cũng như khả năng chụp hình đồ vật ba chiều công nghệ Tango của Google.

Đăng Khoa

Chủ đề khác