VnReview
Hà Nội

Cách bảo mật sinh trắc học nào tiện nhất trên Galaxy S8?

Ngoài cảm biến vân tay khá quen thuộc, chiếc điện thoại mới nhất của Samsung còn hỗ trợ nhiều phương pháp bảo mật sinh trắc học độc đáo, đem lại cho người dùng nhiều lựa chọn.

Cảm biến vân tay là phương pháp bảo mật quen thuộc trên smartphone, xuất hiện trên cả những smartphone tầm trung. Trên chiếc Galaxy S8, ngoài cảm biến vân tay thì Samsung còn trang bị thêm 2 phương pháp bảo mật sinh trắc học khá độc đáo: cảm biến mống mắt và mở khóa bằng khuôn mặt.

Cảm biến mống mắt đã từng được Samsung trang bị trên chiếc điện thoại "yểu mệnh" Galaxy Note 7 và tiếp tục được sử dụng trên Galaxy S8, S8+. Ngoài ra, chiếc điện thoại này cũng có tính năng mở khóa bằng khuôn mặt. Đây là tính năng trước đây đã từng xuất hiện trên nhiều laptop và cả một số smartphone, đến nay mới được trở lại trên một chiếc smartphone đầu bảng.

Vậy những hình thức mở khóa này có ưu, nhược điểm gì và sử dụng hình thức nào là tiện nhất? Hãy cùng VnReview tìm hiểu.

Cảm biến vân tay

Đây là phương thức mở khóa quen thuộc trên smartphone, với cách thiết lập và sử dụng đơn giản. Tuy nhiên trên S8 thì cảm biến vân tay được đặt ở vị trí không thuận tiện, ngay cạnh camera mặt sau. Cả camera và cảm biến vân tay đều nằm chung trên một mặt phẳng, nên dễ khiến cho người dùng đặt ngón tay nhầm vào camera, làm bẩn camera. Trên chiếc S8+ thì cảm biến vân tay còn khó quẹt hơn do máy dài, khó vươn ngón tay đến.

Ngoài vị trí thiếu hợp lý thì cảm biến vân tay trên S8 vẫn hoạt động tốt, với tốc độ nhân vân tay rất nhanh. Việc thiết lập vân tay rất đơn giản và ngoài tác dụng mở khóa thì nó còn có thể dùng để kéo/đóng thanh thông báo. Cảm biến vân tay cũng là lựa chọn duy nhất nếu muốn dùng để xác nhận thanh toán Samsung Pay hay trên các ứng dụng quản lý mật khẩu như Lastpass.

Ưu điểm: Nhận diện nhanh, có thể dùng để mở khóa Samsung Pay và quản lý mật khẩu.

Nhược điểm: Vị trí đặt không hợp lý, khó với trên S8+, dễ chạm nhầm và làm bẩn camera.

Cảm biến mống mắt

Đây có vẻ là một lựa chọn mang tính "viễn tưởng" nhất, thường chỉ xuất hiện trên các bộ phim khoa học hay dùng trong quân đội nhưng giờ đã được áp dụng vào sản phẩm tiêu dùng. Đây có thể coi là phương pháp sinh trắc học có độ bảo mật cao nhất trên S8 và S8+ vì ít ra để lấy được hình ảnh của cả 2 mắt cũng khó hơn bị người khác cầm tay hay lấy bức ảnh khuôn mặt để mở khóa.

Trên Galaxy Note 7, cảm biến mống mắt có tốc độ quét và nhận khá nhanh, nhưng phiền ở chỗ bạn phải bấm mở màn hình, rồi gạt 1 lần thì máy mới vào chế độ nhận mống mắt, do đó thời gian mở lâu hơn vân tay. Ở S8 thì Samsung mới đây đã bỏ qua bước gạt vào màn hình, chỉ cần ấn nút nguồn hoặc nút Home ảo là máy sẽ bật sáng và quét mống mắt luôn.

Quá trình cài đặt mống mắt còn nhanh hơn cả vân tay, bạn chỉ cần để mắt trước cảm biến khoảng vài giây là máy đã đăng ký xong. Trong thử nghiệm thực tế của VnReview, cảm biến mống mắt có thể dùng cả khi trời sáng và trong bóng tối (vì có hồng ngoại). Tuy nhiên trong một số trường hợp áng sáng mạnh, gắt chiếu vào mắt thì cảm biến sẽ nhận lâu hơn hoặc không nhận được.

Samsung cảnh báo cảm biến mống mắt sẽ khó dùng đối với người dùng đeo kính, dù là kính áp tròng. Khi sử dụng thực tế, chúng tôi nhận thấy khi người thử nghiệm đeo kính cận không màu, dùng ngoài trời hoặc trong nhà có ánh sáng tốt thì cảm biến vẫn nhận và mở khóa màn hình khá nhanh. Thậm chí khi đeo kính râm, cảm biến mống mắt vẫn nhận tốt nhưng tốc độ chậm hơn so với bình thường một chút.

Ở Note 7, màn hình mở khóa mống mắt hiển thị hình ảnh kiểu hồng ngoại nên có thể hơi ghê sợ với nhiều người. S8 đã cải thiện điều này bằng cách hiển thị hình quét mống mắt giống như khi bạn đang dùng camera trước nên thân thiện hơn. Các tùy chọn hiện "mặt nạ", tức là các biểu tượng vui nhộn trong khung hình để màn hình quét mống mắt trở nên vui mắt hơn tiếp tục xuất hiện.

Ngoài mở khóa màn hình, cảm biến mống mắt còn dùng được để xác thực Samsung Pass (lưu password trên các ứng dụng hay trang web) và Samsung Account. Nhìn chung ngoại trừ một số trường hợp như đeo kính râm, kính cận, áp tròng hay bị ánh sáng chiếu vào mắt, cảm biến mống mắt là một phương thức sinh trắc học tiện dụng, hiệu quả để mở khóa trên Galaxy S8.

Ưu điểm: Thiết lập dễ dàng, nhận mống mắt nhanh. Độ bảo mật cao, dùng được trong bóng tối, đeo kính vẫn có thể nhận được nếu ánh sáng tốt.

Nhược điểm: Khó nhận khi đeo kính râm, kính màu, vẫn phải ấn mở màn hình trước khi quét mống mắt.

Mở khóa bằng khuôn mặt

Phương pháp mở khóa bằng khuôn mặt không hề mới và thậm chí đã từng bị loại bỏ trên smartphone do thiếu bảo mật. Sử dụng khuôn mặt để mở khóa trên S8 rất tiện, nhưng bạn cũng cần cân nhắc về độ bảo mật vì nhiều người đã có thể vượt qua phương thức bảo mật này chỉ với một bức ảnh tự sướng thông thường bằng điện thoại.

Quá trình thiết lập khuôn mặt trên S8 cũng tương tự mống mắt, nhanh và đơn giản. Phương pháp này có hạn chế là khi môi trường sáng thì mở rất nhanh, nhưng lại khó dùng trong tối. Nếu bạn bật mức sáng màn hình lên tối đa và đưa điện thoại vào gần mặt thì máy vẫn nhận được, nhưng phần lớn trường hợp dùng buổi tối sẽ không hiệu quả hoặc mất nhiều thời gian để máy có thể nhận diện và mở khóa.

Tính bảo mật là điểm yếu của phương pháp này. Chúng tôi đã thử mở khóa bằng khuôn mặt của một người đang ngủ hoặc khi đeo kính râm thì máy vẫn mở bình thường. Do không phải là phương pháp bảo mật tối ưu nên Samsung cũng hạn chế, chỉ cho phép dùng cách này để mở khóa màn hình chứ không xác thực được các dịch vụ khác.

Ưu điểm: Nhận diện nhanh, thiết lập dễ dàng.

Nhược điểm: Khi dùng trong tối thì máy nhận chậm hoặc không nhận, độ bảo mật kém nhất.

 

Tuấn Anh

Chủ đề khác