VnReview
Hà Nội

Khảo sát: Bạn thích kiểu camera kép nào trên smartphone hiện nay?

Camera kép đang là xu hướng công nghệ được quan tâm nhất trong lĩnh vực smartphone hiện nay. Nhưng mỗi hãng điện thoại lại có cách tiếp cận camera kép hoàn toàn khác nhau.

Camera kép đã xuất hiện trên smartphone từ khá lâu. Năm 2011, LG và HTC đã sử dụng camera kép trên các smartphone của họ để thu hình ảnh 3D. Đó là mẫu LG Optimus 3D và HTC Evo 3D. Nhưng mô hình camera kép này đến nay đã biến mất cùng với thất bại của các điện thoại 3D.

Sau thất bại với camera kép 3D đầu tiên, HTC tiếp tục đưa mô hình camera kép trở lại trên chiếc HTC One M8 vào năm 2014. Trào lưu camera kép trên smartphone trở nên phổ biến sau khi được các hãng lớn đưa lên những sản phẩm chủ đạo của họ như chiếc G5 của LG, P9 của Huawei, iPhone 7 Plus của Apple và gần đây là Oppo, Vivo áp dụng cho camera selfie.

1) Camera kép hỗ trợ chụp góc rộng

Đánh giá camera LG G5

Chiếc LG G5 ra mắt năm 2016 là smartphone đầu tiên sử dụng kiểu camera kép phía sau hỗ trợ chụp góc rộng bao gồm một camera chính 16MP góc chụp thông thường khoảng 75 độ (tương đương tiêu cự 28mm trên máy fullframe) và một camera phụ 8MP góc rộng tới 135 độ, tương đương ống kính 9mm trên máy fullframe và rộng hơn cả góc nhìn của mắt người (khoảng 110 độ, nhưng tầm nhìn rõ phía trước mặt chỉ khoảng 60 độ). Chiếc camera góc rộng hữu tích với ảnh chụp ở bối cảnh chật hẹp hoặc chụp phong cảnh. Các ảnh chụp ra từ camera này có một chút hiệu ứng mắt cá. Sau LG G5, LG tiếp tục trang bị mô hình camera kép được nâng cấp trên các sản phẩm khác của hãng là LG V20 và mới đây là LG G6.

>> Đánh giá camera LG G5: thêm ấn tượng nhờ camera góc rộng

2) Camera kép để zoom và tạo ảnh xoá phông

 

Khác hẳn với kiểu camera kép của LG, Apple lại sử dụng mô hình camera kép trên chiếc iPhone 7 Plus gồm một camera góc thông thường và một camera với ống kính để zoom xa. Camera kép trên iPhone 7 Plus cùng có độ phân giải 12MP, hỗ trợ chống rung quang học nhưng chúng lại có tiêu cự khác nhau. Camera thông thường (khẩu f/1.8 và tiêu cự 23mm) vẫn chụp hình góc rộng, còn chiếc camera thứ hai (khẩu f/2.8 và tiêu cự 56mm) có tiêu cự phù hợp để chụp chân dung. Đặc biệt, camera kép của iPhone 7 Plus cũng có thể chụp chân dung xóa phông (làm mờ hậu cảnh) nhờ sự kết giữa camera góc cận và thuật toán phần mềm.

Ý tưởng của Apple cho phép người dùng zoom để chụp xa hơn mà vẫn duy trì được chất lượng hình ảnh tốt. Với camera điện thoại thông thường, nếu bạn zoom số ở khoảng cách tương tự như ống kính 56mm của iPhone 7 Plus thì chất lượng ảnh sẽ bị suy giảm đáng kể. Bên cạnh việc zoom xa, Apple cũng áp dụng chiến thuật tương tự HTC và Huawei là sử dụng camera kép để tạo ra bức ảnh chân dung xoá phông.

Một hãng điện thoại khác từ Trung Quốc là Xiaomi mới đây cũng sử dụng mô hình camera kép tương tự iPhone 7 Plus trên chiếc Mi 6 của họ.

Hai góc ảnh xa/gần trên iPhone 7 Plus

Ảnh chụp với chế độ chân dung xóa phông của iPhone 7 Plus

>> Đánh giá iPhone 7 Plus: khẳng định giá trị đích thực

 

3) Camera kép để chụp ảnh đen trắng và xoá phông

Nói đến mô hình camera này, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến Huawei P9 và mới đây là P10. Chiếc Huawei P9 ra mắt tháng 4/2016 sử dụng camera kép phía sau gồm một camera màu thông thường và một camera đen trắng, cùng có độ phân giải 12MP.

Mô hình camera kép của Huawei không phải để thu độ sâu hình ảnh như HTC hay chụp góc rộng như LG hoặc zoom xa như Apple. Camera đen trắng của Huawei có hai nhiệm vụ: một là chụp ảnh đen trắng với chất lượng tốt và hai là hỗ trợ thu thập độ chi tiết để bổ trợ cho camera màu thông thường. Bên cạnh đó, Huawei cũng sử dụng thêm thuật toán phần mềm để cho phép chụp ảnh xóa phông từ cụm camera kép này.

Ảnh chụp xóa phông từ camera kép của Huawei P9

Sau thành công từ P9, Huawei tiếp tục đưa mô hình camera kép này lên các sản phẩm đầu bảng của năm nay là P10 và P10 Plus nhưng được cải thiện hơn. Trên P10 và P10 Plus, chiếc camera đen trắng được nâng độ phân giải lên 20MP còn camera màu thông thường vẫn là 12MP. Xiaomi cũng có chiếc Mi 5s Plus sử dụng camera kép đen trắng gần tương tự Huawei nhưng không có khả năng xóa phông.

>> Đọ camera đen trắng của Huawei P9 và Xiaomi Mi 5s Plus

4) Camera kép để xử lý hậu kỳ sau khi chụp

Mô hình camera kép này do HTC khởi xướng trên chiếc HTC One M8 vào năm 2014. Chiếc One M8 gồm 2 camera: một camera chính có độ phân giải 4MP, là loại camera UltraPixel và một camera phụ 2MP. Camera phụ có nhiệm vụ thu thập dữ liệu hình ảnh để hỗ trợ lấy nét và xử lý hậu kỳ. Cụ thể, camera kép của điện thoại này cho phép người tạo ra hiệu ứng bokeh hoặc làm mờ hậu ảnh cho các ảnh chụp. Bạn cũng có thể chụp trước và chạm vào bất kỳ vị trí nào trên ảnh để lấy nét sau khi chụp.

Camera kép HTC One M8 cho phép lấy nét lại sau khi chụp

Xử lý lấy nét phía trước tiền cảnh sau khi chụp

Còn đây là lấy nét ở phía sau hậu cảnh

>> Đánh giá chi tiết HTC One M8;

 

 

5) Camera kép ở phía trước để xoá phông

Vào năm 2015, Lenovo đã giới thiệu Vibe S1, một trong những điện thoại đầu tiên có camera kép ở phía trước. Vibe S1 có một camera chính 8MP và một camera phụ 2MP để hỗ trợ chụp ảnh xoá phông, ghép ảnh. Hãng điện thoại Trung Quốc Vivo sau đó cũng tung ra một smartphone có camera kép phía trước là Vivo V5 Plus. Sản phẩm này có hai camera trước 20MP và 8MP, trong đó chiếc camera phụ 8MP được dùng để thu độ sâu trường ảnh, hỗ trợ xử lý hậu kỳ, xoá phông và tăng thêm đọ sáng cho ảnh khi chụp thiếu sáng.

Chiếc Lenovo Vibe S1 có camera kép phía trước để chụp ảnh xoá phông, ghép ảnh

Các chế độ selfie xóa phông và ghép ảnh trên Lenovo Vibe S1

 

>> Đánh giá Lenovo Vibe S1: smartphone chuyên dụng cho selfie

6) Camera kép ở phía trước để tự sướng góc rộng và xoá phông

 

LG tiếp tục là hãng khởi đầu xu hướng camera kép tự sướng kiểu này trên chiếc V10 với một camera thông thường góc chụp 80 độ và một camera góc rộng 120 độ dành để chụp selfie nhóm. Cả 2 camera đều có độ phân giải 5MP, khẩu độ f/2.2.

Mới đây, hãng điện thoại Trung Quốc Oppo hâm nóng lại trào lưu này bằng mẫu Oppo F3 Plus Oppo F3 với 2 camera tự sướng gồm 1 camera độ phân giải 16MP khẩu độ f/2.0 tiêu cự 21mm cho góc chụp thông thường và 1 camera 8MP khẩu độ f/2.4 tiêu cự tương đương 11mm, cho góc chụp rộng 120 độ, phù hợp để selfie lấy trọn được phong cảnh, selfie đông người mà không cần dùng đến các phụ kiện như gậy tự sướng. Bên cạnh khả năng chụp selfie góc rộng, camera kép tự sướng của Oppo F3 và F3 Plus cũng cho phép chụp selfie xóa phông.

Ảnh selfie góc rộng từ Oppo F3

Ảnh xóa phông từ camera selfie kép của Oppo F3 Plus

>> Trải nghiệm nhanh LG V10 chính hãng 

>> Đánh giá chi tiết Oppo F3 Plus

>> Trên tay Oppo F3: con lai của smartphone tự sướng kép F3 Plus và F1s

 

TT

Chủ đề khác