VnReview
Hà Nội

Chuyện gì đang xảy ra với iPad?

iPad là một sản phẩm được Steve Jobs trước đây và Tim Cook hiện nay đặt rất nhiều kì vọng sẽ giúp Apple tạo ra một cách mạng mới, bên cạnh cuộc cách mạng của iPhone. Tuy nhiên, giờ đây, doanh số iPad lại đang tụt dốc và chưa có dấu hiệu cứu vãn. Vậy chuyện gì đã xảy ra với sản phẩm này của Apple?

Tham vọng của Steve Jobs với ngành xuất bản

Theo Bussiness Insider, vào ngày 28/1/2010, Steve Jobs đã giới thiệu máy tính bảng iPad đầu tiên ra công chúng, một sản phẩm được ông tự hào gọi là "kì diệu và cách mạng". Chỉ vài tháng sau, một nhóm chuyên gia đã được phái tới trụ sở chính của Apple để biến lời mô tả kể trên của Steve Jobs gần với hiện thực hơn.;

Điểm đáng chú ý là nhóm chuyên gia không phải là nhân viên của Apple mà là nhân viên của tập đoàn truyền thông News Corp do ông trùm Rupert Murdoch sáng lập ra. Nhiệm vụ của họ là tạo ra tờ báo kĩ thuật số đầu tiên dành riêng cho iPad dưới sự giám sát của Steve Jobs. Tờ báo đó thực chất là một ứng dụng có tên là The Daily, bao gồm những mẩu tin về đời sống hàng ngày và có thể xem được ảnh động cũng như video.

Nguyên nhân của việc này là do khi iPad được ra mắt lần đầu tiên, nhiều người đã lưỡng lự không biết mình có thật sự cần một thiết bị như vậy hay không. Bằng việc hỗ trợ các ứng dụng báo chí như The Daily, Apple muốn người dùng có thể thoải mái ngả lưng trên một chiếc ghế dài mà vẫn có thể dễ dàng đọc báo hay xem các chương trình yêu thích, một trải nghiệm khó có thể tìm thấy khi dùng smartphone hay laptop.

"Chúng tôi đã có những chuyến viếng thăm thường xuyên đến Cupertino, nơi chúng tôi cho họ xem những nguyên mẫu đầu tiên của ứng dụng", Jon Dobrowolski, người từng tham gia sản xuất  The Daily cho biết, "Trong những vấn đề kỹ thuật phức tạp, Apple sẽ hỗ trợ chúng tôi".

Steve Jobs đã rất nhiệt tình trong việc giúp đỡ đội ngũ nhân viên của The Daily và đã cung cấp phản hồi về phiên bản đầu tiên của ứng dụng. Dobrowolski cho biết là nếu tình hình sức khỏe của Steve Jobs không đột nhiên xấu đi, ông sẽ còn tham gia nhiều hơn với việc hỗ trợ ứng dụng The Daily.

Vậy câu chuyện kể trên có ý nghĩa gì? Sự thật, iPad chính là đại diện cho tham vọng của Apple đối với ngành xuất bản. Tương tự như khi iPod tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành âm nhạc hay như khi  iPhone giúp thay đổi ngành viễn thông, iPad được Apple kì vọng cũng sẽ làm được những điều tương tự với ngành xuất bản.

Vào tháng 2/2011, tức khoảng hơn 1 năm sau thời điểm iPad ra mắt, ông trùm truyền thông Rupert Murdoch đã mời nhiều phóng viên công nghệ tới dự buổi ra mắt ứng dụng The Daily, điều được ông khẳng định là sẽ thay đổi cách mọi người đọc tin tức.

Chỉ với vỏn vẹn 99 cent/ tuần hoặc 33,99 USD/ năm, người dùng ứng dụng The Daily có thể được đọc những bài báo có đầy đủ biểu đồ, video cũng như các công nghệ tương tác mới nhất với bạn đọc. Chất lượng tin bài của The Daily thì luôn ở mức tốt khi được biên tập bởi một đội ngũ phóng viên có hồ sơ công việc ấn tượng.

"iPad khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về nghề báo", Rupert Murdoch tự tin cho biết.

Thất thế trước các nhà xuất bản

Tuy nhiên, chỉ hai năm sau, ứng dụng The Daily đã buộc phải đóng cửa vì có quá ít người đăng ký mới. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy tham vọng lật đổ cả ngành xuất bản hay thậm chí là ngành video giải trí của iPad sẽ khó trở thành hiện thực.

Kể từ năm 2013, doanh số bán ra của iPad đã bắt đầu có dấu hiệu rơi tự do. Trong khi đó, các nhà phân tích thị trường kinh ngạc khi thấy doanh số bán e-book tại Mỹ giảm mạnh và sách in bỗng nhiên lại có sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên.

Bên cạnh đó, các nhà xuất bản sách đã phát hiện ra họ có thể đạt được thành công trên Facebook và các nền tảng kỹ thuật số khác, thay vì phải lệ thuộc vào một thiết bị như iPad.

Kể cả khi nhận được sự hỗ trợ của Apple, một ứng dụng được kì vọng nhiều như The Daily cũng không thể tồn tại được.  Đó là bài học đầu tiên mà Apple nhận được khi muốn dấn thân vào ngành xuất bản, nơi đang bị các hãng truyền thông và nhà xuất bản lớn nắm giữ.

Ứng dụng The Daily phát sinh nhiều lỗi trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, việc sản xuất tin bài cho ứng dụng không đơn giản như dự tính ban đầu của New Corp khi tiêu tốn của họ nhiều thời gian và công sức. Lượng người đăng ký ngày càng ít đi, trong khi chi phí ngày một tăng thêm đã khiến ứng dụng The Daily nhanh chóng bị cho đóng cửa.

Sau thất bại của ứng dụng The Daily, Apple đã ấp ủ một kế hoạch phát hành giúp iPad nhảy vào thị trường sách giáo khoa điện tử. Hãng đã cho ra mắt iBoook 2, một ứng dụng có chứa hàng ngàn đầu sách giáo khoa cho người  dùng đọc và mua chúng. Tuy nhiên, kế hoạch này của Apple đã chỉ dừng lại trên giấy khi rất ít nhà xuất bản muốn chia sẻ lợi ích với Apple.

"Apple đã không thể làm được một cuộc lật đổ ở thị trường sách giáo khoa", Jan Dawson, một nhà phân tích cho biết, "Sách giáo khoa là một mảng kinh doanh béo bở đối với các nhà xuất bản và họ sẽ không dễ gì chia sẻ cho Apple. Nếu không có sự trợ giúp của các nhà xuất bản, Apple sẽ không thể làm được bất cứ điều gì".

Tham vọng thay thế laptop của Tim Cook

Biểu đồ doanh số của iPad theo quý.

Mặc dù tham vọng thay đổi ngành xuất bản nhìn chung đã thất bại, Apple vẫn còn một tham vọng khác đối với iPad đó là thay thế laptop. Vào năm 2015, Apple đã giới thiệu iPad Pro, được bổ sung thêm sức mạnh phần cứng, màn hình lớn hơn và bút cảm ứng Apple Pencil. CEO Tim Cook khi đó đã tự tin tuyên bố iPad Pro hoàn toàn có thể thay thế mọi chiếc laptop thông thường.

Đây là một điểm đáng chú ý vì trong khi Steve Jobs chỉ nói về triển vọng về lâu dài của iPad một cách khá chung chung, iPad Pro là sản phẩm đầu tiên trong dòng iPad được quảng cáo về khả năng thay thế laptop.

Tuy nhiên, để thật sự có thể thay thế được laptop, iPad và Apple vẫn còn một con đường khá xa. Kho ứng dụng của iOS vẫn thiếu nhiều ứng dụng cần thiết cho những ai thật sự muốn làm việc. Việc tối ưu hóa các ứng dụng trên màn hình lớn của iPad cũng là vấn đề nan giải của Apple. Ngoài ra, không phải ai cũng thích dùng bàn phím ảo khi làm việc.

Dù vậy, triển vọng về một loại thiết bị mạnh mẽ ngang với laptop nhưng lại cực kì mỏng gọn như máy tính bảng là không hề nhỏ. Mặc dù doanh số suy giảm nhưng Apple vẫn bán được tới gần 9 triệu chiếc iPad trong quý 1/2017 vừa qua.

Bên cạnh đó, có rất ít lời chê về phần cứng của iPad. Nguyên nhân khiến doanh số iPad bị chững lại là do chất lượng của iPad quá tốt khiến nhiều người dùng ít nghĩ tới việc nâng cấp sản phẩm trong vòng 2 hay thậm chí là 3 năm. Ngoài ra, việc Apple giới thiệu các smartphone cỡ lớn như iPhone 7 Plus khiến nhiều người lưỡng lự khi muốn mua iPad.

Hi vọng mới tại WWDC

"Vai trò của iPad trong hệ sinh thái của Apple vẫn còn khá mơ hồ", nhà phân tích Jan Dawson cho biết, "Apple vẫn chưa xác định được rõ vai trò của iPad".

Tuy nhiên, tại sự kiện Hội nghị Lập trình viên 2017 (WWDC 2017) sắp diễn ra, định hướng của iPad có thể sẽ được xác định rõ ràng hơn. Một số tin đồn cho biết Apple có thể ra mắt iPad Pro 10,5 inch và một số phụ kiện giúp iPad có thể thay thế laptop để thực hiện một số tác vụ phức tạp của người dùng.

Đàm Kim Liễu

Chủ đề khác