VnReview
Hà Nội

7 thủ thuật nâng cao không cần root trên Android

Root máy giúp bạn truy cập sâu vào hệ thống và làm mọi thứ mình thích, tuy nhiên root cũng mang đến nhiều rủi ro: mất bảo hành, ứng dụng không hoạt động, nguy cơ bảo mật, hư hỏng thiết bị nếu không cẩn thận.

Hiện nay có rất nhiều thủ thuật, tính năng nâng cao cho phép tùy biến thiết bị Android mà không cần root. Hãy theo dõi trong bài viết này.

Những gì bạn cần

Tuy những tinh chỉnh dưới đây đều không cần root, nhưng bạn vẫn phải thực hiện các thao tác nâng cao để áp dụng chúng. Một số yêu cầu unlock bootloader, một số cần dùng ADB (hoặc Fastboot), một số cần có recovery tùy chỉnh để cài đặt.

Để tinh chỉnh hay tùy biến Android thì việc hiểu rõ các khái niệm trên là điều cần thiết. Nếu là người mới bắt đầu, nhấp vào từng khái niệm để xem chúng là gì, hoạt động ra sao. Ngoài ra, với những tinh chỉnh phức tạp hơn, hãy sao lưu mọi dữ liệu trên máy trước khi thực hiện.

Sau đây là 7 thủ thuật nâng cao không cần root trên Android.

1. Cài Google Now trên thiết bị không hỗ trợ

Khả năng truy cập các thẻ Google Now từ màn hình chính chỉ hỗ trợ Android 6.0 trở lên, tức có hơn 30% người dùng Android 5.1 và thấp hơn không được dùng tính năng cực kỳ thông minh này.

Tuy nhiên, đừng lo lắng vì nó đã được tích hợp vào một launcher bên thứ ba mang tên Nova Launcher. Một cái vuốt sang trái sẽ giúp bạn nắm bắt những thông tin thời tiết, chứng khoán, thể thao, tình hình giao thông, sự kiện sắp tới và nhiều thứ khác do chính bạn tùy biến.

Trước hết, cài đặt Nova LauncherNova Google Companion từ Play Store (bật tùy chọn cài app không rõ nguồn gốc nếu chưa làm). Sau đó vào Nova Settings -> Google Now -> kích hoạt tùy chọn Google Now Page là xong.

Giờ đây thẻ Google Now của bạn sẽ hiển thị ở màn hình ngoài cùng bên trái. Bạn có thể kích hoạt Edge Swipe để truy cập Google Now trong bất cứ ứng dụng nào bằng cách vuốt từ mép trái màn hình.

2. Chỉnh mật độ hiển thị;hình ảnh

Nhà sản xuất thường dùng độ phân giải cao chỉ để hình ảnh, văn bản được sắc nét hơn còn với giao diện, biểu tượng bình thường thì vẫn dùng độ phân giải thấp. Ví dụ: màn hình 5 inch với 6 inch cùng độ phân giải Full HD nhưng hiển thị cùng một lượng nội dung nhất định, tức là nội dung trên màn 6 inch đơn giản chỉ "phóng lớn" từ màn 5 inch chứ không phát huy hết tác dụng (hiện nhiều nội dung hơn) trên màn hình lớn.

Nếu thường xuyên đọc báo (và có thị lực tốt), chắc chắn bạn sẽ muốn nội dung hiển thị nhỏ hơn để đỡ phải vuốt nhiều lần bằng cách giảm mật độ điểm ảnh màn hình. Cách thực hiện cũng rất đơn giản, có thể chỉnh lại trạng thái ban đầu nếu không thích.

- Bước 1: Cài và chạy DPI Checker từ Play Store để xem mức DPI mặc định trên máy là bao nhiêu.
- Bước 2: Trên máy tính, cài đặt bộ công cụ ADB từ website phát triển Android. Trên điện thoại, vào Settings -> Developer options -> bật USB Debugging (gỡ lỗi USB).
- Bước 3: Cắm điện thoại vào máy tính.
- Bước 4: Từ cửa sổ CMD hoặc Terminal, gõ lệnh adb shell wm density [DPI] (với [DPI] là số DPI mà bạn thích) -> nhấn Enter (hình trên).
- Bước 5: Khởi động lại máy để áp dụng thay đổi.

Chỉnh số DPI nhỏ hơn giúp nội dung hiển thị nhỏ và nhiều hơn, còn chỉnh DPI lớn hơn sẽ làm nội dung hiển thị to và ít hơn, thích hợp cho người già mắt kém. Nếu muốn chỉnh về DPI mặc định, làm lại các bước trên rồi nhập số DPI ở bước 4.

3. Cài ROM tùy chỉnh

Thao tác root và cài ROM tùy chỉnh thường đi đôi với nhau, nhưng về mặt kỹ thuật thì không cần thiết.

Theo MakeUseOf, bạn chỉ phải root nếu cài ROM từ các công cụ như ROM Manager hay FlashFire, còn nếu cài từ một recovery tùy chỉnh thì việc root là không cần thiết. Chỉ cần tải một bản recovery yêu thích rồi "kích" nó vào điện thoại với ADB, sau đó tiến hành cài ROM là xong.

Bạn có thể lên mạng tìm cách cài recovery từ ADB phù hợp cho dòng máy của mình, sau đó tiến hành cài ROM theo cách chung sau:

- Bước 1: Tải bản ROM tùy chỉnh yêu thích cho dòng máy của bạn rồi chép vào bộ nhớ
- Bước 2: Khởi động lại vào recovery, chọn Backup để sao lưu bản ROM hiện tại
- Bước 3: Chọn Wipe để khôi phục cài đặt gốc. Đây là bước tùy chọn nhưng được khuyên thực hiện để cài một bản ROM "sạch", nó sẽ xóa toàn bộ app và dữ liệu trong ROM. Dữ liệu trong bộ nhớ (như nhạc, phim, ảnh) không bị ảnh hưởng, nhưng nên sao lưu trước cho chắc ăn.
- Bước 4: Vào Install, chọn bản ROM đã chép vào máy -> trượt mũi tên sang phải để xác nhận

Sau khi hoàn tất, khởi động lại máy và bắt đầu sử dụng.

4. Cài kernel tùy chỉnh

Cũng tương tự, quan niệm phải root mới cài kernel là sai hoàn toàn.

Kernel là bộ phận trung gian, điều khiển mọi hành động tương tác giữa phần cứng và hệ điều hành. Tốc độ chip xử lý, độ sáng màn hình và nhiều thứ khác được điều khiển bởi kernel.

Kernel mặc định trên máy thường được tinh chỉnh, tối ưu để cân bằng hiệu suất, độ ổn định và tuổi thọ pin. Việc cài kernel tùy chỉnh cho phép tăng cường một hoặc nhiều yếu tố trên so với các yếu tố còn lại.

Cách cài kernel tùy chỉnh cũng giống cài ROM tùy chỉnh. Nếu đã root, bạn có thể cài thông qua ứng dụng còn nếu chưa thì phải cài qua recovery (hoặc root rồi cài ứng dụng để thực hiện).

Kernel tùy chỉnh có thể tìm thấy trên diễn đàn forum.xda-developers.com. Chỉ cần truy cập rồi tìm kernel phù hợp cho thiết bị và hệ điều hành của bạn rồi tiến hành cài đặt, lưu ý đọc kỹ hướng dẫn để tránh gặp nguy hiểm.

5. Backup dữ liệu ứng dụng

Nếu đã root, chỉ cần cài các công cụ như Titanium Backup là mọi chuyện có thể giải quyết dễ dàng. Tuy nhiên, vẫn có cách cho phép tạo bản sao lưu dữ liệu từ recovery mà không cần root, có thể dễ dàng khôi phục lại sau này với Titanium Backup hoặc từ chính recovery đó.

Để tạo bản sao lưu Nandroid từ recovery, khởi động vào recovery tùy chỉnh trên máy, tìm tùy chọn Backup và làm theo hướng dẫn. Thời gian backup từ 10-20 phút tùy lượng dữ liệu, đừng động chạm gì vào máy khi chưa backup xong.

Tuy nhiên, tùy chọn Backup trong recovery sẽ sao lưu toàn bộ bản ROM hiện tại, bao gồm dữ liệu ứng dụng và các thiết lập. Nếu chỉ cần backup dữ liệu ứng dụng, Helium là công cụ tuyệt vời có thể giúp bạn.

- Bước 1: Tải Helium từ Play Store, cài ứng dụng hỗ trợ cho desktop.
- Bước 2: Kết nối điện thoại vào máy tính, chạy Helium từ cả hai. Làm theo hướng dẫn trên màn hình để tiến hành kết nối.
- Bước 3: Trên điện thoại, chạm vào từng app muốn sao lưu (hoặc nhấn Select All để chọn hết) -> chọn Backup để bắt đầu.

Để khôi phục app đã sao lưu, làm tương tự các bước trên nhưng chọn Restore & Sync thay vì Backup. Bản trả phí hỗ trợ tính năng tải bản backup lên kho lưu trữ của Helium để không bị mất.

6. Gỡ bớt ứng dụng rác

Nhiều nhà sản xuất Android cài quá nhiều ứng dụng "rác" (bloatware) làm chậm máy. Nếu không thích, bạn có thể gỡ bỏ chúng bằng nhiều cách khác nhau.

Với máy đã root, việc gỡ bloatware cực kỳ dễ dàng qua các app như Titanium Backup hay System App Remover. Với máy chưa root, cách làm phổ biến nhất là "ẩn" nó khỏi danh sách ứng dụng.

Có 2 cách vô hiệu hóa app hệ thống:

- Cách 1: Vào Settings -> Apps -> chọn app cần tắt -> Disable. Ứng dụng sẽ được đóng, xóa bỏ bản cập nhật và bị xóa khỏi app drawer.
- Cách 2: Cài ADB -> Cắm thiết bị vào máy tính. Từ màn hình CMD hoặc Terminal, gõ lệnh adb shell pm list packages. Tìm tên package tương ứng app muốn bỏ, copy nó. Gõ lệnh adb shell pm hide [package name] (với [package name] là tên package đã copy) rồi nhấn Enter để hoàn tất. Nếu muốn hiện lại app, gõ unhide thay vì hide.

7. Cải thiện chất lượng âm thanh

Có rất nhiều module trong Xposed giúp tinh chỉnh, cải thiện chất lượng âm tranh trên thiết bị song muốn cài Xposed thì bạn phải root máy.

Đừng vội buồn vì vẫn có rất nhiều công cụ trên Play Store giúp tinh chỉnh âm thanh đầu ra trên thiết bị mà không cần root máy. Một số app nghe nhạc như Spotify cũng có sẵn bộ chỉnh âm cho người dùng.

Một công cụ được khuyên dùng là Equalizer – Bass Boost, hoàn toàn miễn phí và hoạt động với tai nghe lẫn loa ngoài cho phép chỉnh từng dải âm với các hồ sơ riêng biệt.

Với những tinh chỉnh trên đây, bạn có thể hoàn toàn làm chủ chiếc smartphone của mình mà không cần root máy.

Phúc Thịnh

Chủ đề khác