VnReview
Hà Nội

Màn hình Retina và True Tone: Đâu là sự khác biệt?

Và câu hỏi quan trọng hơn: bạn có thực sự cần chúng hay không?

Theo trang công nghệ MakeUseOf, xuyên suốt lịch sử phát triển của máy tính, những công việc chúng ta có thể sử dụng chúng đã thay đổi rất nhiều. Thay vì chỉ dùng để gõ văn bản hay lập trình, giờ đây chúng ta còn xem phim, chơi game và đọc sách trên máy tính nữa. Chính sự thay đổi này đã khiến các công ty phải tìm cách cải thiện chất lượng của màn hình hiển thị, nâng cao trải nghiệm của khách hàng (và tất nhiên là bán được thêm nhiều sản phẩm nữa).

Apple, một công ty có thể nói là rất xuất sắc trong việc quảng bá và tiếp thị những sự thay đổi về chất lượng màn hình ấy, đã cho ra mắt hai công nghệ hiển thị mới: Thứ nhất là màn hình Retina ra mắt cùng với iPhone 4 năm 2010, và thứ hai là công nghệ True Tone, xuất hiện cùng với chiếc iPad Pro 9.7 inch năm 2016.

Vậy, đâu là sự khác biệt giữa công nghệ màn hình Retina và True Tone? Quan trọng hơn, liệu bạn có thực sự cần chúng hay không?

Màn hình Retina là gì?

"Màn hình Retina" là một thuật ngữ tiếp thị dùng để chỉ loại màn hình có mật độ điểm ảnh nhỏ đến mức nếu mắt người nhìn vào ở điều kiện bình thường sẽ không thể phân biệt được các điểm ảnh riêng lẻ, giúp hình ảnh trở nên mịn màng hơn. Apple sử dụng tên gọi này để chỉ những màn hình có mật độ điểm ảnh cao của họ, và giống với trường hợp của thuật ngữ 4K, Retina không có độ phân giải hay số điểm ảnh nhất nhất quán.

iPhone 4 là chiếc điện thoại đầu tiên của Apple được trang bị màn hình Retina, với màn hình 3.5 inch có độ phân giải 960 x 640 pixel. Mật độ điểm ảnh (Pixel Per Inch – PPI) của iPhone 4 là 326, tuy nhiên, thông số mà chúng ta cần quan tâm hơn là điểm ảnh trên mỗi độ (Pixel Per Degree – PPD). PPD là đơn vị đo được tính dựa trên khoảng cách từ mắt tới màn hình và độ phân giải của màn hình, và iPhone 4 có 57 PPD.

Khi Apple ra mắt chiếc MacBook đầu tiên có màn hình Retina vào năm 2012, nó sở hữu màn hình 15.4 inch với độ phân giải 2880 x 1800 pixel. Tuy PPI của chiếc MacBook này chỉ là 220, thấp hơn cả chiếc iPhone 4 ra mắt cách đó 2 năm, nhưng PPD của nó lại là 79.

Hiện nay, hầu hết các thiết bị của Apple đều sở hữu màn hình Retina, nhưng điều đó không đủ để nói lên số điểm ảnh của sản phẩm. Kích thước màn hình và độ phân giải của Apple Watch rất khác với iMac. Điều quan trọng nhất mà bạn cần biết khi nghe tới thuật ngữ này là bạn phải dí sát mắt vào màn hình thì mới [may ra] có thể nhìn thấy được điểm ảnh.

Màn hình True Tone là gì?

Không giống như các thuật ngữ như HD, 4K và Retina, "True Tone" không liên quan gì đến số lượng điểm ảnh. Thay vào đó, nó liên quan đến màu sắc và độ tương phản mà màn hình hiển thị. Mục tiêu của True Tone là khiến một màn hình trắng hiển thị màu trắng, bất chấp màu sắc của ánh sáng xung quanh. Màn hình càng trắng, độ tương phản sẽ càng sắc nét.

Khi chúng ta nhìn vào một vật thể, chúng ta không chỉ nhìn thấy bản thân vật thể đó, mà còn cả ánh sáng phản chiếu của vật thể đó nữa. Nếu chúng ta ở bên ngoài vào buổi sáng, ánh sáng này sẽ có màu hơi hướng sang màu đỏ do mặt trời đang lên, sang đến buổi trưa thì nó sẽ ngả sang màu vàng. Tuy nhiên, chúng ta sẽ khó có thể nhận ra điều này, vì não bộ của chúng ta làm rất tốt công việc lọc những màu sắc này khỏi những gì mà mắt nhìn thấy.

Nếu một màn hình hiển thị làm tốt việc phản chiếu ánh sáng này, não bộ của chúng ta sẽ không biết và vẫn cố gắng lọc những thứ vốn không xuất hiện ở đó. Điều này làm ảnh hưởng đến màu sắc mà chúng ta cảm nhận được trên màn hình. Công nghệ True Tone bù đắp cho sự ảnh hưởng đó bằng cách thêm vào các màu ấm, để sau khi não bộ của chúng ta thực hiện việc lọc màu, những gì còn sót lại sẽ giống như một tờ giấy trắng hơn.

Để làm được điều này, màn hình True Tone dựa vào các cảm biến đo ánh sáng ở môi trường xung quanh. Phần mềm sẽ chịu trách nhiệm xử lý và điều chỉnh sao cho phù hợp với những gì bạn đang nhìn trên màn hình. Thông thường, các nội dung có màu trắng sẽ chuyển sang màu xanh khi tiếp xúc với ánh sáng ấm, ánh sáng trong nhà, và mục tiêu của True Tone là khắc phục tình trạng đó.

Đây có phải là những công nghệ của riêng Apple?

Câu trả lời ngắn gọn là không. Tuy các nhà sản xuất khác không sử dụng cái tên "màn hình Retina", nhưng trên thực tế thì họ vẫn bán các màn hình với mật độ điểm ảnh cao.

Bất kì laptop 13 inch độ phân giải 4K nào cũng có lượng điểm ảnh rất lớn được "nhồi nhét" vào trong một không gian nhỏ, và bạn cũng sẽ không thể nhìn thấy được những điểm ảnh đó ở khoảng cách nhìn bình thường. Tuy nhiên, Apple cũng có công lớn trong việc thúc đẩy sự cạnh tranh trên thị trường, khi trước đây các laptop Windows chỉ có độ phân giải tối đa là 1920x1080 pixel.

Tương tự, công nghệ True Tone cũng xuất hiện ở các sản phẩm không-phải-của-Apple. Trên thực tế, Apple còn không phải là người đầu tiên đặt chân vào lĩnh vực này. Các màn hình máy tính để bàn với phần mềm hiệu chuẩn màu sắc đã cung cấp tính năng này từ cách đây nhiều năm. Các màn hình của điện thoại Samsung Galaxy cũng được áp dụng công nghệ "màn hình thích ứng" (Adaptive Display) với chức năng và mục đích tương tự. Công nghệ của Apple được biết đến nhiều hơn chủ yếu là vì khả năng quảng bá, tiếp thị của họ, và vì tên gọi của các công ty khác cũng không thực sự nổi bật.

Bạn có thực sự cần đến màn hình Retina hay True Tone?

Câu hỏi này phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của mỗi người. Với những nhu cầu giải trí thông thường, một màn hình với độ phân giải Full-HD (1920x1080) cũng đã khá sắc nét. Tất nhiên, màn hình với độ phân giải cao hơn sẽ mang lại hình ảnh đẹp và mịn hơn, nhưng đôi khi chúng cũng đem lại không ít phiền toái. Một số ứng dụng có thể chưa được tối ưu trên màn hình có mật độ điểm ảnh cao, hay các bức ảnh kỹ thuật số cũ có thể trông rất đẹp khi nhìn ở màn hình độ phân giải thấp, nhưng khi đưa lên màn hình độ phân giải cao lại không giữ được vẻ đẹp ấy.

Màn hình độ phân giải cao sẽ có ích hơn khi bạn làm việc trong các lĩnh vực nghệ thuật, khi bạn có thể nhìn các hình ảnh và vật thể ba chiều với độ chi tiết cao hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể nắm được sản phẩm của mình sẽ trông như thế nào khi đưa lên các hệ thống máy tính cao cấp nhất. Bạn cũng có thể cảm thấy thích thú khi được chơi game hay xem phim trên màn hình độ phân giải cao, nhưng đây thực sự là con dao hai lưỡi, khi nguồn phim chất lượng cao vẫn chưa đủ phong phú và các trò chơi yêu cầu sức mạnh phần cứng rất lớn để có thể trải nghiệm một cách trọn vẹn.

Về công nghệ True Tone, đây là một ý tưởng rất thú vị, nhưng trên thực tế thì sự khác biệt mà nó mang lại là không nhiều. Nhiều khả năng, bạn sẽ chỉ nhận ra những sự khác biệt ấy khi đặt hai màn hình ở cạnh nhau, một màn hình có True Tone và một màn hình không có. Nói cách khác, sẽ rất tuyệt nếu bạn có một sản phẩm của Apple được tích hợp True Tone, nhưng nếu thiết bị của bạn không có tính năng này, bạn cũng không nên quá buồn hay bán thiết bị của mình đi và mua cái mới.

Văn Hoàn

Chủ đề khác