VnReview
Hà Nội

GPU của Galaxy S4 chỉ “mạnh” với benchmark?

Benchmark là quá trình sử dụng phần mềm để đánh giá sức mạnh của sản phẩm. Với sự phát triển rất nhanh của phần cứng điện thoại, giờ đây các ứng dụng benchmark dành cho điện thoại đã trở nên rất đa dạng.

Quá trình phát triển của phần cứng điện thoại có nhiều nét tương đồng với nền tảng máy tính những năm trước đây. Và cũng giống như trên máy tính, các ứng dụng benchmark không phải lúc nào cũng hoàn toàn chính xác và phản ánh đúng hiệu năng của máy. Một trường hợp tệ hơn là nhà sản xuất tối ưu hóa thiết bị của mình để đạt điểm cao ở benchmark, trong khi thực tế hiệu năng có thể không đạt như vậy. Mới đây nhất là trường hợp của Samsung Galaxy S4.

Một bài viết trên diễn đàn Beyond3D vào tháng trước cho biết xung nhịp chip xử lý đồ họa (GPU) của Galaxy S4 phiên bản dùng chip Exynos Octa không thực sự ổn định: xung nhịp tăng lên 530 mHz ở một số benchmark như AnTuTu hay Quadrant, trong khi lại giảm xuống chỉ còn 480 mHz ở GFXBench 2.7 hay các tác vụ thông thường.

Từ bài viết trên, trang công nghệ Anandtech đã quyết định tìm hiểu sâu hơn về thông tin này. Đầu tiên họ sử dụng một lệnh trên máy tính để liên tục theo dõi mức xung nhịp của GPU khi máy chạy các ứng dụng benchmark. Và đúng như những gì thành viên Nebuchadnezzar của Beyond3D chia sẻ, xung nhịp GPU chỉ lên tới mức 530 mHz ở một số benchmark, trong khi nằm ở mức 480 mHz ở các benchmark còn lại.

GPU của Galaxy S4 chỉ

Xung nhịp GPU lên mức 532 mHz ở ứng dụng AnTuTu

GPU của Galaxy S4 chỉ

Trong khi với các ứng dụng khác, như Epic Citadel chỉ đạt mức 480 mHz

Để so sánh, họ đã thử cùng một bài đánh giá hiệu năng trên hai ứng dụng là GLBenchmark 2.5.1 (xung nhịp 530 mHz) và GFXBenchmark 2.7 (xung nhịp 480 mHz). Kết quả là điểm số ở hai ứng dụng chênh nhau tới 13,9%.

Không chỉ GPU, mà vi xử lý CPU cũng là một đối tượng bị giới hạn hiệu năng. Ở ứng dụng GLBenchmark 2.5.1, chiếc S4 sử dụng bốn nhân xử lý Cortex A15 với xung nhịp 1,2 GHz; trong khi đó với ứng dụng GFXBenchmark 2.7 thì vi xử lý được bật lên lại là Cortex A7 với xung nhịp 500 mHz.

GPU của Galaxy S4 chỉ

Xung nhịp và nhân CPU khi bật các ứng dụng benchmark cũng khác nhau

Điều tương tự cũng xảy ra với một số ứng dụng benchmark khác như AnTuTu, Linpack, Benchmark Pi, hay Quadrant. Không chỉ phiên bản sử dụng SoC Exynos Octa, phiên bản Galaxy S4 sử dụng Snapdragon 600 cũng có biểu hiện tương tự.

GPU của Galaxy S4 chỉ

Galaxy S4 dùng Exynos Octa (trái) và Snapdragon 600 có những biểu hiện tương tự nhau khi một số ứng dụng benchmark nhất định được bật lên

Khi tìm hiểu trong các dòng lệnh, Anandtech khám phá ra rằng thực sự có những câu lệnh dành riêng cho các ứng dụng bao gồm Quadrant (cả ba phiên bản), Linpack (bản miễn phí), Benchmark Pi và AnTuTu. Khá ngạc nhiên là không có dòng lệnh nào dành cho GLBenchmark 2.5.1, mặc dù các biểu hiện của chương trình này cũng giống các ứng dụng còn lại.

GPU của Galaxy S4 chỉ

Những câu lệnh này buộc GPU phải chạy ở mức cao nhất đối với một số ứng dụng benchmark cụ thể

Như vậy, có thể thấy Samsung thực sự cho phép một số ứng dụng benchmark chạy ở mức xung GPU cao hơn so với thông thường. Nhưng ý nghĩa của hành động này là gì?

Rõ ràng, việc mức xung không đồng nhất sẽ khiến cho hiệu năng khi sử dụng thực tế (ví dụ như chơi game) không được cao như các ứng dụng đã được chỉ định trước, vốn có thể sử dụng để quảng cáo. Có lẽ Samsung nên loại bỏ việc giới hạn mức xung, hoặc ít ra là cho phép người dùng tự điều chỉnh mức xung phù hợp với tác vụ sử dụng.

Thực ra, việc giới hạn mức xung nhịp của một thành phần trong máy là khá phổ biến, nhất là với các thiết bị di động như máy tính xách tay, máy tính bảng hay điện thoại. Trên những thiết bị di động, hiệu năng chỉ là một yếu tố để cân nhắc, bên cạnh thời gian sử dụng pin hay việc tránh máy bị quá nóng. Tuy nhiên những thao tác mập mờ của Samsung có thể khiến các nhà sản xuất lao vào cuộc đấu bằng cách tối ưu cho một số ứng dụng benchmark, trong khi bỏ qua mục tiêu thiết thực hơn là cải tiến trải nghiệm của người dùng.

T.A

Chủ đề khác