VnReview
Hà Nội

Màn hình smartphone thế nào là chuẩn?

Màn hình là một trong những thứ rõ ràng nhất, nhưng cũng khó hiểu nhất trên điện thoại. Bạn nhìn vào nó vài tiếng mỗi ngày, nhưng bạn có biết thế nào là một màn hình đẹp, thế nào là một màn hình trung thực và những thông số nào quyết định điều đó?

Màn hình smartphone thế nào là chuẩn?

Trước khi viết bài này, chúng tôi đã làm một khảo sát nho nhỏ. Trong phòng Labs của VnReview, chúng tôi đặt 9 chiếc smartphone của các hãng khác nhau cạnh nhau, cả những điện thoại rẻ tiền và trung cấp, thiết lập màn hình ở chế độ sáng 50% rồi cho hiển thị cùng một bức ảnh. Chúng tôi mời 10 bạn trẻ đến, hỏi họ xem họ thích màn hình smartphone nào nhất.

Đáp án thu về khá thú vị: Sau khi nhìn một lúc, có đến 9 người nói họ thích smartphone có màn hình sáng nhất, tươi nhất. Chỉ có một người cho biết rằng không biết nên thích máy nào hơn vì máy có màn hình sáng nhất thì màu lòe loẹt, còn máy màn hình tối hơn thì màu có vẻ nhạt.

Tuy nhiên, sau khi ban biên tập bổ sung iPhone 5s vào 9 máy trên bàn, cũng để màn hình ở độ sáng 50% và hình ảnh tương tự thì sự lưỡng lự nói trên đã chấm dứt: Màn hình iPhone 5s (không phải ai cũng biết đó là iPhone 5s) đẹp nhất. Lý do: màn hình iPhone 5s sáng nhưng màu sắc hiển thị không bị lòe loẹt, nhìn lâu không thấy khó chịu.

Thử nghiệm nhỏ nói trên cũng phản ánh khá sát với thực tế mà các chuyên gia về màn hình như Display Mate, AnandTech... đã nhiều lần nhắc đến: do người dùng smartphone phần lớn phổ thông (không phải chuyên gia về đồ họa) và khoảng cách nhìn giữa màn hình smartphone và mắt là khá gần, nên các nhà sản xuất smartphone hầu như chạy theo xu hướng căn chỉnh màn hình sao cho "nịnh" mắt người dùng thay vì phải đầu tư tốn kém để làm sao màn hình hiển thị trung thực.

Đến đây, hẳn bạn đọc sẽ thắc mắc vậy làm sao biết được màn hình hiển thị trung thực hay không? Nhất là khi đi mua smartphone, bạn không có điều kiện để so sánh màn hình nhiều smartphone ở cùng một điều kiện tương tự?

Chúng tôi xin có câu trả lời giúp bạn ngay dưới đây.

Màn hình hiển thị màu sắc trung thực như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Độ phân giải và mật độ điểm ảnh, độ sáng và độ tương phản, và quan trọng nhất là công nghệ hiển thị.

Độ phân giải và mật độ điểm ảnh

Sau kích thước, thông số màn hình được nhắc đến nhiều nhất là độ phân giải. Độ phân giải là số điểm ảnh tổng cộng có trên màn hình và thường độ phân giải càng cao thì màn hình thể hiện càng sắc nét.

Kể từ khi Apple ra mắt iPhone 4 vào năm 2010, khái niệm "Retina" để chỉ những màn hình với độ phân giải cao ra đời. Cũng từ đó, người ta quan tâm hơn tới khái niệm mật độ điểm ảnh, được tính bằng đơn vị ppi (điểm ảnh/inch vuông). Theo Apple, mắt người sẽ không thể phân biệt được các điểm ảnh ở khoảng cách 30 cm khi mật độ điểm ảnh đạt tới mức khoảng 300 ppi.

Màn hình smartphone thế nào là chuẩn?

Độ phân giải và kích thước là hai khái niệm được nhắc tới nhiều nhất, và cũng dễ nhận ra khi nhìn vào màn hình. Ảnh: iMore

Tuy nhiên, câu chuyện về mật độ điểm ảnh và độ sắc nét của hình ảnh thực sự không đơn giản như thế.

Cụ thể, độ nét không thực sự có ý nghĩa quyết định tới trải nghiệm sử dụng như nhiều người vẫn nghĩ. Lý do của điều này là vì độ nét, tuy là một khái niệm rất dễ hiểu, lại không dễ nhận biết bằng mắt thường. Bạn có thể dễ dàng phân biệt được độ nét của một màn hình Full HD (độ phân giải 1920 x 1080) và một màn hình WVGA (800 x 480), nhưng màn hình Full HD và HD (1280 x 720) sẽ không chênh lệch nhiều.

So với độ nét thì kích thước màn hình là một khái niệm dễ cảm nhận hơn nhiều. Do vậy, nếu sử dụng một màn hình nhỏ với độ nét cao, và một màn hình lớn hơn với độ phân giải thấp hơn, có khả năng là bạn vẫn sẽ ấn tượng với điện thoại có màn hình lớn hơn.

Kích thước và độ phân giải là hai khái niệm đơn giản, dễ thấy nhất của một màn hình. Thật tiếc là chất lượng của một màn hình không chỉ phụ thuộc vào những thông số đơn giản đó.

Độ sáng và độ tương phản

Độ sáng cũng là một khái niệm rất dễ hình dung: bạn sẽ dễ dàng nhận ra được độ sáng tối khác nhau giữa hai màn hình nếu để cạnh nhau. Một màn hình có độ sáng cao sẽ giúp bạn dễ quan sát nội dung hơn khi sử dụng máy ở ngoài trời.

Độ tương phản cũng là một khái niệm liên quan đến độ sáng. Độ tương phản của máy càng cao, thì hình ảnh sẽ càng rõ ràng, sự khác biệt giữa những phần sáng và tối của màn hình sẽ dễ nhận ra hơn; ngược lại, với một màn hình có độ tương phản thấp thì các hình ảnh đều hơi bị mờ đi. Độ tương phản được tính bằng cách chia độ sáng tối đa cho độ sáng khi bật màn hình toàn màu đen.

Màn hình smartphone thế nào là chuẩn?

Hình minh họa về độ tương phản của GSM Arena. Hình ảnh bên trái có độ tương phản thấp, còn hình bên phải có độ tương phản cao hơn

Một khái niệm khác cũng rất thông dụng đối với màn hình, đó là góc nhìn. Chắc hẳn bạn đã từng thấy hiện tượng màn hình điện thoại hiển thị màu khác hẳn khi nhìn ở một góc nghiêng; hiện tượng này đặc biệt phổ biến trên các điện thoại rẻ tiền. Lý do màu sắc bị biến đổi, hay nói cách khác là độ tương phản giảm rất nhanh khi nhìn ở góc lệch, thường là do chất lượng tấm nền màn hình không tốt. Một màn hình có góc nhìn kém sẽ khiến trải nghiệm của bạn khi chơi game và xem phim, đặc biệt là các game cần nghiêng màn hình như game đua xe, trở nên tệ hại.

Màn hình smartphone thế nào là chuẩn?

Khi nhìn trực diện, màn hình của Sony Xperia Z1 và LG G2 không chênh lệch nhau nhiều

Màn hình smartphone thế nào là chuẩn?

Tuy nhiên khi góc nhìn lệch đi một chút, có thể thấy hình ảnh trên màn hình Z1 bị lóa, khó nhìn hẳn

Một đặc điểm nữa của màn hình cần lưu ý, đó là độ bóng của màn hình. Tất cả các màn hình điện thoại hiện nay đều sử dụng một lớp kính để bảo vệ, và lớp kính này sẽ phản chiếu ánh sáng từ môi trường bên ngoài. Điều này làm cho hình ảnh trên màn hình bị lóa đi, khó nhìn hơn. Một số nhà sản xuất, như Nokia, sử dụng loại kính đặc biệt để làm giảm tác động của ánh sáng bên ngoài, giúp bạn nhìn tốt khi dùng máy ngoài trời.

Công nghệ hiển thị và cân chỉnh màu sắc

Hiện nay, kể cả các smartphone cao cấp và cấp thấp đều được quảng cáo là sử dụng màn hình Retina, màn hình OLED... Người viết bài này còn nhớ hồi năm ngoái, một công ty chuyên đánh hàng nguyên chiếc từ Trung Quốc về quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông mạng rằng chiếc smartphone giá rẻ của họ có sử dụng màn hình Retina của Apple iPhone. Phải công nhận ngay lập tức nó đã gây được sự chú ý và đã có rất nhiều người tưởng chiếc smartphone giá rẻ đó sử dụng màn hình của iPhone thật, nhưng cũng có không ít người hoài nghi làm gì có chuyện hàng linh kiện Apple lại rơi vào tay hàng chợ như vậy.

Cái tên Retina nổi tiếng đến nỗi iPhone "nhái" cũng phải dùng màn hình Retina

Thực tế thì đây chỉ là một chiêu trò đánh tráo khái niệm nhằm gây hiểu lầm cho khách hàng mà thôi. Bởi trên thực tế, khi Apple nói về màn hình hiển thị Retina thì họ không hề ví von về một tiêu chuẩn mang tính toàn cầu, hay tập hợp những thông số kĩ thuật. Nó thật ra chỉ là một thuật ngữ tiếp thị và chỉ đơn giản có nghĩa là màn hình có mật độ điểm ảnh cao trên một mức nào đó, khiến cho bạn không thể nhận biết được các điểm ảnh riêng lẻ của nó. Nói một cách ngắn gọn, màn hình Retina chỉ đơn giản nói về độ phân giải của màn hình, mà đến nay không chỉ màn hình iPhone là có độ phân giải cao.

Nhưng yếu tố quan trọng nhất quyết định màn hình smartphone có chất lượng hiển thị như thế nào là công nghệ hiển thị, như LED, OLED, LCD... Tất nhiên, các nhà sản xuất, đặc biệt các nhà sản xuất điện thoại giá rẻ, không bao giờ nói là màn hình LED hay OLED... cũng có dăm bảy loại. Tại sao lại như vậy? Chúng tôi xin giải thích rõ ngay dưới đây.

Màn hình smartphone thế nào là chuẩn?

Màn hình của các điện thoại dùng công nghệ AMOLED (hai điện thoại của Samsung) thường có khả năng hiển thị màu đen sâu hơn các màn hình dùng LCD. Ảnh: PhoneArena

Thường thì các sản phẩm đầu bảng, của các nhà sản xuất danh tiếng sẽ có những màn hình được đánh giá cao. Vì sao các sản phẩm rẻ tiền lại khó có được màn hình tốt? Điều đó phụ thuộc vào công nghệ sản xuất, chất lượng linh kiện và những khâu tinh chỉnh, đều là những bước tốn kém.

Hiện tại, có hai công nghệ chính để sản xuất màn hình, đó là LCD và OLED. Về cơ bản thì màn hình LCD sử dụng đèn nền màu trắng, đưa qua một tấm nền và các bộ lọc để tạo thành các điểm ảnh, hiển thị trên màn hình. Công nghệ LCD đã được phát triển từ rất lâu và hiện nay được sử dụng trên phần lớn các thiết bị điện tử.

Trong khi đó với màn hình OLED, mỗi điểm ảnh được trang bị sẵn hai hoặc ba điểm ảnh phụ (sub pixel) với các màu cơ bản là đỏ, xanh lá hoặc xanh dương, từ đó tạo ra các điểm ảnh trên màn hình. Hiện tại tất cả các loại màn hình điện thoại đều sử dụng kiểu sắp xếp ma trận động (Active Matrix), do vậy chúng ta thường thấy loại màn hình này được gọi là AMOLED.

Mỗi loại công nghệ này đều có những ưu điểm riêng. Công nghệ LCD cho phép màn hình có độ sáng cao (điều này đã không còn chính xác với chiếc Samsung Galaxy Note 3, đem lại độ sáng cao nhất trên điện thoại hiện nay ở chế độ tự động), và nhiều công nghệ tấm nền (IPS, PLS…) chất lượng cao giúp các máy sử dụng màn hình LCD có thể hiển thị màu sắc rất chuẩn xác.

Trong khi đó, điểm mạnh của màn hình AMOLED là khả năng hiển thị màu đen. Do mỗi điểm ảnh trên màn hình AMOLED đều có thể tắt hoàn toàn, nên màu đen của máy là rất sâu chứ không phải hơi sáng như màn hình LCD, kéo theo độ tương phản cao. Tuy nhiên, do đặc điểm về khả năng nhận biết màu của mắt người (ít nhạy với màu xanh lá), do vậy trên màn hình AMOLED thì các điểm ảnh phụ màu xanh lá thường có số lượng nhiều hơn. Điều này khiến một số máy sử dụng màn hình AMOLED bị hiện tượng ngả sang màu xanh lá. Bên cạnh đó, tuổi thọ của các điểm ảnh trên màn hình cũng dễ bị ảnh hưởng nếu như bật mức sáng cao trong thời gian dài.

Thực tế, hầu hết các nhà sản xuất sử dụng cả hai loại màn hình trên. Samsung sử dụng màn hình AMOLED trên những điện thoại cao cấp nhất (Galaxy S, Galaxy Note), nhưng sử dụng màn LCD cho các máy tầm trung trở xuống. Trong khi đó, Nokia chỉ sử dụng màn hình AMOLED cho một số sản phẩm cao cấp (Lumia 925, Lumia 1020).

Màn hình smartphone thế nào là chuẩn?

Một số nhà sản xuất sử dụng cả màn hình LCD và AMOLED, như Nokia. Ảnh: MyNokiaBlog

Bên cạnh loại màn hình tốt, các nhà sản xuất lớn thường đầu tư nhiều hơn vào các khâu kiểm định, tinh chỉnh, do vậy màn hình của họ cũng có chất lượng tốt hơn. Để đem lại màu sắc chuẩn xác hơn cho màn hình, nhà sản xuất thường thực hiện cân chỉnh màu ngay từ quá trình sản xuất. Quá trình này có thể làm tăng thêm một vài USD vào giá thành sản xuất. Nếu nhân lên với hàng chục ngàn điện thoại thì đây sẽ là một con số không nhỏ. Đó là lý do các nhà sản xuất nhỏ thường không đầu tư vào việc này.

Apple, Amazon hay HTC là những ví dụ cho sự cẩn thận này. Do vậy, những sản phẩm như iPad, Kindle Fire HD7 hay HTC One được đánh giá rất cao về khả năng hiển thị màu chuẩn xác.

Bên cạnh việc cân chỉnh từ đầu, nhiều nhà sản xuất cũng cho phép người dùng lựa chọn chế độ hiển thị hoặc điều chỉnh một số thông số để màn hình hiển thị vừa mắt hơn. Các máy tính bảng Asus đều có phần mềm Asus Splendid, cho phép chỉnh nhiệt độ màu và độ rực rỡ của màu sắc. Một số điện thoại khác, như LG Nexus 4, cũng có thể điều chỉnh màn hình, nhưng cần các công cụ cao cấp hơn. Trong khi đó, các điện thoại Galaxy S4 và Note 3 của Samsung có nhiều chế độ hiển thị hình ảnh, và chế độ Movie (xem phim) được đánh giá là hiển thị màu sắc trung thực nhất.

Hiện nay, đánh giá chất lượng hiển thị của màn hình là một trong những nội dung quan trọng trong đánh giá smartphone của VnReview. Vậy VnReview đánh giá màn hình smartphone hiển thị như thế nào? Mời các bạn tiếp tục theo dõi bài viết sắp tới của chúng tôi.

Lê Anh

Chủ đề khác