VnReview
Hà Nội

Chọn mua nồi ủ hay nồi áp suất điện?

Từ vài năm nay, các loại nồi ủ nhiệt, nồi hầm, nồi áp suất điện khá phổ biến trên thị trường với nhiều mẫu mã, thương hiệu đa dạng, tuy nhiên các chị em nội trợ đứng trước lựa chọn nên mua loại nồi nào vẫn rất băn khoăn, làm sao để chọn mua được chiếc nồi ưng ý, hợp lý khi sử dụng, tránh việc mua về rồi vứt xó. VnReview chia sẻ một vài kinh nghiệm để chị em tham khảo.

Nồi áp suất điện

nồi áp suất điện

Các chị em nội trợ hẳn không xa lạ gì với nồi áp suất và đây là một loại nồi rất nên có trong gian bếp để nấu các món cần có thời gian ninh, nấu lâu như ninh xương, thịt bò hầm, bò kho, chân giò giả cầy, soup… giúp tiết kiệm thời gian và nhiên liệu. Tuy nhiên, nếu có nhu cầu mua nồi áp suất, bạn nên mua nồi áp suất điện, tuy đắt hơn nồi áp suất thường một chút nhưng an toàn và tiện lợi hơn nhiều.

Nồi áp suất điện có hai loại, loại cơ và loại điện tử. Loại cơ có nút vặn bằng tay xoay tròn để điều chỉnh thời gian nấu theo các chế độ nấu đã được cài đặt sẵn, loại điện tử có các nút bấm điện tử và màn hình để theo dõi. Cá nhân tôi cho rằng bạn nên chọn loại cơ, giá rẻ hơn từ 1/2-2/3 loại điện tử, hơn nữa sử dụng cũng đơn giản dễ dàng hơn. Bảng mạch điện tử là thứ dễ bị hỏng hóc nhất và khi hỏng thì chi phí thay thế cao. Hơn nữa, loại nồi điện tử do có bảng mạch điện tử rất kỵ nước vào, nếu quá trình lau rửa nồi bị bắn nước vào cần lau sạch ngay nếu không rất dễ bị cháy chập mạch điện dẫn tới hỏng nồi. Với nồi áp suất điện loại cơ, bạn cũng chỉ nên dùng khăn ẩm lau chùi và không được rửa nước.

nồi áp suất cơ

Nồi áp suất điện loại cơ có núm xoay chọn thời gian

nồi áp suất điện tử

Nồi áp suất điện tử có các nút bấm lựa chọn chế độ nấu và tăng giảm thời gian

Ưu điểm lớn nhất của nồi áp suất điện so với nồi áp suất thường chính là khả năng kiểm soát thời gian nấu. Bạn chỉ cần cho thức ăn vào nồi, đặt thời gian thích hợp và quay sang làm việc khác, hết thời gian nồi sẽ tự ngắt điện và bạn không lo bị cháy thức ăn nếu lỡ quên, cũng không phải lo canh nồi trên bếp. Lớp vỏ nhựa bao quanh nồi cũng rất an toàn, bạn không phải dè chừng bị bỏng khi phải bê một nồi canh hầm nóng và nặng từ trên bếp cao xuống.

Nồi áp suất cơ có giá dao động từ 1.000.000 - 1.600.000 đồng tại các siêu thị điện máy và đồ gia dụng, dung tích 5-6 lít phù hợp cho gia đình 4-5 người ăn. Nếu mua nồi ở các cửa hàng nhỏ hơn hoặc thỉnh thoảng các siêu thị có chương trình khuyến mại thì bạn có thể mua nồi áp suất cơ với giá chỉ khoảng 800.000-900.000 đồng cho một số mẫu nồi nhất định. Tôi đã sử dụng một loại nồi giá rẻ như vậy và thấy rất ổn, không có gì phải phàn nàn, do đó bạn không nhất thiết phải chọn loại nồi đắt tiền.

Nếu bạn vẫn thích sử dụng loại điện tử, nên chọn nồi của hãng uy tín để đảm bảo chất lượng dùng lâu dài cũng như chế độ bảo hành tốt. Nồi điện tử thường có giá từ 1.500.000 – 2.800.000 đồng tùy thương hiệu, dung tích cũng từ 5-6 lít.

Các thương hiệu nồi áp suất điện phổ biến như Sunhouse, Supor, TCL, Midea, Sharp, Khaluk, Panasonic... đều có cả loại cơ và điện tử, đa số có dung tích 5-6 lít. Cũng có loại nồi dung tích khoảng 4 lít hoặc 4,5 lít nhưng ít mẫu, tuy nhiên bạn nên mua loại 6 lít để dùng lâu dài, ví dụ có thể hấp 1 con gà mà không phải chặt nhỏ.

Trên phần điều khiển của nồi áp suất điện cả loại cơ và loại điện tử đều có những chỉ dẫn về thời gian nấu các món, ví dụ hầm xương thì vặn 30 phút, kho cá 10 phút…, tuy nhiên thực tế sử dụng thì bạn dựa theo kinh nghiệm của mình để điều chỉnh thời gian thích hợp. Chẳng hạn khi nấu món thịt bò kho, bạn cho nguyên liệu và gia vị vào nồi, sau đó chỉ vặn khoảng 5 phút, hết thời gian này nồi sẽ chuyển sang trạng thái giữ nóng và từ từ xả van nhiệt, lúc này nhiệt trong nồi còn lớn và sẽ giúp thịt chín thêm khá nhiều cho đến khi nhiệt được xả ra hết, sau đó bạn mở nồi để thăm chừng xem thịt đã mềm đến đâu, gia vị vừa vặn chưa, đảo đều để thịt được chín đều, tiếp đó bạn mới vặn thêm khoảng 5-7 phút nữa là thịt chín vừa ăn. Nếu bạn vặn 15-20 phút ngay từ đầu thì thịt có thể bị chín quá mức (bị nát) và gia vị nêm nếm có thể chưa vừa ý, hơn nữa sẽ lãng phí điện, không tận dụng được lượng nhiệt khi nồi nén áp suất.

Nồi ủ

Nồi ủ có cách sử dụng khác hẳn nồi áp suất, với ưu điểm lớn nhất là tiết kiệm nhiên liệu. Bạn chỉ cần cho thức ăn vào nồi nấu và đặt lên bếp (bếp gas, bếp từ, bếp hồng ngoại), đun khoảng 5-7 phút cho nước sôi lên đồng thời nồi tích đủ nhiệt (đáy nồi có vòng hợp kim tích nhiệt, nhìn bên ngoài không thấy rõ), tiếp đó bạn cho nồi nấu vào phần lồng ủ, đậy kín và để đó, nhiệt đã được tích bởi vòng hợp kim giúp nồi tiếp tục sôi trong khoảng 20 – 25 phút và thức ăn sẽ nhừ, đồng thời giữ nóng thức ăn từ 8-10 tiếng.

nồi ủ nhật

Nồi ủ ở nhiều siêu thị đều là loại đắt tiền, chủ yếu là thương hiệu Tiger

Giống như nồi áp suất, bạn cũng có thể dùng nồi ủ để ninh xương, hầm cháo, hầm đậu, nấu soup, nhưng do cần thời gian ủ khá lâu nên nếu hạn hẹp về thời gian bếp núc thì bạn không nên chọn nồi ủ, hoặc phải bố trí thời gian hợp lý. Bạn có thể chuẩn bị cho bữa sáng bằng cách nấu sôi thức ăn và đặt vào nồi ủ từ tối hôm trước, hoặc nếu muốn có món hầm cho bữa chiều thì bạn cần chuẩn bị từ sáng, đặt vào nồi ủ và đi làm, chiều về nấu sôi lại một chút là có đồ ăn.

Tuy nhiên thị trường nồi ủ hiện nay có rất nhiều loại và đặc biệt là có hai phân khúc giá khác biệt rõ rệt. Loại nồi ủ đa năng của những thương hiệu Trung Quốc, Việt Nam (có nhiều loại nói nồi Việt Nam nhưng thực ra là nhập khẩu Trung Quốc) như Makxim, Homemax, Magic Home, Kangaroo, Khaluk, Saiko, Xihuo, Magic One, Decker, Helios… giá thấp nhất chỉ khoảng 550.000 đồng một chiếc, loại đắt hơn giá từ 1,2-1,5 triệu đồng. Trong khi đó loại nồi ủ Nhật Bản nổi tiếng nhất là Tiger có giá từ 3-5 triệu đồng tùy dung tích, một thương hiệu khác cũng của Nhật Bản là Zojirushi giá từ 4,5-6,5 triệu đồng, nồi ủ Thermos cũng được ưa chuộng nhưng ít thấy loại dung tích lớn, thường chỉ có loại 3 - 4,5 lít, giá từ 3,5-4,5 triệu đồng. Nồi ủ dung tích phổ thông là loại 5-6 lít, loại to lên đến 7-8 lít nhưng nhìn chung để sử dụng trong gia đình thì loại 5-6 lít là vừa.

Đáng chú ý, loại nồi ủ Tiger trước đây được chị em nội trợ rất ưa chuộng do chất lượng tốt và là hàng nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật, tuy nhiên hiện nay xuất hiện nhiều mẫu nồi Tiger bị cho là hàng nhái hoặc hàng sản xuất tại Trung Quốc, có hình thức không "xịn" bằng hàng nhập khẩu Nhật, tem nhãn dán lệch lạc hoặc không chắc chắn, tay cầm không được nuột nà. Tôi có một chiếc nồi ủ Tiger do người thân tặng, thông tin trên vỏ hộp ghi là hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, phần nồi ủ có quai xách và nắp nồi có phần nhựa ốp kín bên trong để giữ nhiệt khi đóng nắp, có lẫy giữ nắp. Tuy nhiên khi quan sát những chiếc nồi ủ Tiger tại một siêu thị lớn ở Hà Nội thì tôi thấy nồi chỉ có tay cầm, không có quai xách, phần nắp phía trên chỉ là một nắp nhựa mỏng dính và mở rời chứ không gắn liền với nồi. Nhân viên siêu thị cũng khẳng định đó là hàng nhập khẩu từ Nhật Bản. Tôi rất băn khoăn không rõ nguồn gốc xuất xứ loại nồi Tiger có tin cậy không, tại sao mẫu mã sản phẩm lại khác nhau như vậy?

nồi ủ tiger

Nồi ủ Tiger ở một siêu thị chỉ có tay cầm, không có quai xách

Món canh hầm xương bằng nồi ủ được nhiều chị em nội trợ cho là có nước hầm trong, không bị đục hoặc nát, giữ được hương vị thức ăn. Tuy nhiên thực sự tôi không thích nồi ủ lắm, ngoài việc mất thời gian ủ khá lâu, những món cần ninh thật nhừ như chè đậu đen thật ra không được nhừ cho lắm. Tôi thường phải nấu và ủ 2 lần thì mới ăn được, và hạt đậu cũng không được nhừ như khi nấu với nồi áp suất điện, chưa kể là nước ninh đậu còn hơi bị đỏ. Thường tôi dùng nồi ủ để nấu nướng các món đến khi gần chín, sau đó cho vào nồi ủ để đó khoảng 15-20 phút thì lấy ra ăn để thức ăn nóng sốt và cũng tiết kiệm được một chút nhiên liệu. Món canh dưa nấu sườn non rất thích hợp để nấu kiểu này. Tuy nhiên nếu đang vội không có thời gian thì tôi chọn dùng nồi áp suất điện tiện hơn nhiều.

Chọn mua loại nồi nào?

Như vậy, chị em nội trợ phải lựa chọn mua nồi ủ hay nồi áp suất, nếu mua nồi áp suất thì chọn loại cơ hay điện tử, mua nồi ủ thì mua loại đắt tiền hay rẻ tiền? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời do nhu cầu sử dụng cũng như quan điểm mua sắm của mỗi người. Có người thích mua hàng xịn để yên tâm về chất lượng, có người lại quan tâm đến giá bởi không phải ai cũng đủ điều kiện mua hàng đắt tiền dù vẫn không khỏi băn khoăn "không biết dùng thế nào, có tốt không"?

Như đã nói ở trên, tôi sẽ chọn mua nồi áp suất điện loại cơ vì giá rẻ hơn, chất lượng sử dụng tốt, tiện lợi hơn nồi ủ. Tôi đã sử dụng một chiếc của hãng TCL được 3 năm, dùng khá thường xuyên, an toàn, không thấy có vấn đề gì. Có một lưu ý nhỏ là bạn nên chọn loại có nắp hoàn toàn bằng nhựa sẽ an toàn hơn, nồi tôi đang dùng có phần nắp trên bằng inox, tuy phần tay cầm bằng nhựa nhưng vẫn có thể bị bỏng nếu chạm tay vào phần inox này. Thường các nồi cơ giá trên dưới 1 triệu đồng sẽ có phần nắp inox, loại cao cấp hơn thì nắp hoàn toàn bằng nhựa.

Nhiều chị em nội trợ vẫn ủng hộ nồi ủ vì nó tiết kiệm điện, gas, dùng hầm cháo cho trẻ nhỏ rất ngon và nhất là có thể giữ nóng thức ăn lâu, khi cần đi dã ngoại thì nấu và mang đi, có thể giữ nóng cả ngày hoặc thậm chí có thể dùng như một phích đựng nước đá viên, ủ lạnh bia… Với những ưu điểm này, giải pháp dùng cả nồi ủ và nồi áp suất cũng được nhiều người lựa chọn.

Nếu vậy thì nên chọn loại nồi ủ đắt tiền hay rẻ tiền? Hẳn nhiên loại đắt tiền sẽ cho chất lượng tốt hơn, nhưng tốt hơn đến mức nào, có thể dùng "tạm" loại rẻ tiền được không? VnReview sẽ trả lời câu hỏi này trong bài viết khác, sau khi chúng tôi đã thực nghiệm so sánh trên cả hai loại nồi ủ này.

Ngọc Mai

Chủ đề khác